Nợ xấu nhích lên 1,35%, VietinBank gia cố bộ đệm dự phòng rủi ro

Trong quý I/2024, để gia cố tấm khiên xử lý nợ xấu, VietinBank đã tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 8.049 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - HoSE: CTG) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với nguồn thu chính là thu nhập lãi thuần đạt 15.174 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng lại cho thấy sự lao dốc khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 11% so với cùng kỳ năm trước xuống 1.778,8 tỷ đồng; lãi thuần từ hoạt động khác giảm 23,7% so với cùng kỳ năm 2023 xuống còn 778 tỷ đồng. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần giảm 48,6%, xuống mức 59,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, hoạt động chứng khoán đầu tư khiến VietinBank lỗ 106 tỷ đồng, trong khi quý I/2023, hoạt động này mang về cho ngân hàng khoản lãi gần 15 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của VietinBank tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước lên 1.344 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh tang 36,5% lên 38,3 tỷ đồng.

Trong kỳ, để gia cố tấm khiên xử lý nợ xấu, VietinBank đã tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 8.049 tỷ đồng, tăng 19,7% so với cùng kỳ. Việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro đã bào mòn lợi nhuận của ngân hàng.

Kết quả, trong quý I/2024, VietinBank báo lãi trước thuế 6.210 tỷ đồng, tăng 3,8%; lợi nhuận sau thuế tương ứng ở mức 5.003 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024 ngày 27/4 vừa qua, VietinBank đã được thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng tài sản ở mức 8 - 10% so với năm 2023 và tỉ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1,8%.

Các chỉ tiêu còn lại như dư nợ tín dụng, lợi nhuận trước thuế, tỉ lệ an toàn hoạt động sẽ theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, hàng năm, ngân hàng luôn rà soát, chỉnh sửa kế hoạch phù hợp với thị trường dựa trên nghiên cứu và ý kiến của các chuyên gia.

“Chúng tôi đánh giá kế hoạch có tính khả thi rất cao, xác suất thành công lớn. Về kế hoạch năm 2024, mục tiêu tăng trưởng tổng tài sản và nguồn vốn theo dự kiến hiện đang để ở mức thấp nhất, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện cao hơn”, ông Bình chia sẻ.

Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của VietinBank ghi nhận ở mức 2,08 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước đã giảm mạnh từ 40.597 tỷ đồng năm 2023 về còn gần 17.341 tỷ đồng. Tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác là 332.707 tỷ đồng, tăng 19,9% so với năm trước.

Tại ngày này, cho vay khách hàng của VietinBank đạt 1,51 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với năm trước. Tiền gửi khách hàng đạt gần 1,43 triệu tỷ đồng, tăng nhẹ 1,2% so với năm 2023.

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của VietinBank tại thời điểm cuối tháng 3/2024 là 20.401 tỷ đồng, chủ yếu đến từ sự gia tăng của nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) từ 2.598 tỷ đồng năm trước lên 6.685 tỷ đồng và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng từ 4,721 tỷ đồng lên gần 5.539 tỷ đồng. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng tăng từ 1,13% lên mức 1,35%.

Tại ĐHĐCĐ vừa qua, nói về nợ xấu, ông Nguyễn Thế Huân , thành viên HĐQT VietinBank cho biết, năm 2024, nhìn nhận bối cảnh chung và rà soát đánh giá nội tại ngân hàng, VietinBank đặt mục tiêu kiểm soát nợ xấu dưới 1,8% và nợ nhóm 2 dưới 3%.

Chủ tịch Trần Minh Bình thông tin, hiện chất lượng tín dụng được kiểm soát, VietinBank có phân luồng bắt nguồn ngay từ tháng 1, khoản nợ có dấu hiệu chậm trả khoảng 9 ngày là ngân hàng đã phải quan tâm.

Nguyễn Thị Thu Hương

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/no-xau-nhich-len-1-35-vietinbank-gia-co-bo-dem-du-phong-rui-ro-a661393.html