Nỗ lực triển khai thực hiện '4 phủ' ở địa bàn biên giới

Công an các đơn vị, địa phương của tỉnh Bình Phước đã và đang tích cực phối hợp với các ban, ngành chức năng thực hiện đợt cao điểm '90 ngày đêm' triển khai mục tiêu '4 phủ' (phấn đấu 100% người dân đủ điều kiện được cấp CCCD, được kích hoạt ĐDĐT, sử dụng sim điện thoại chính chủ kèm chữ ký số, người dân sử dụng smartphone 4G thay thế các điện thoại 2G) của UBND tỉnh, trong đó các địa bàn biên giới rất được quan tâm.

Huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước có đường biên giới dài hơn 64km, dân số gần 82.000 nhân khẩu, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36,6% dân số, có 3 xã và 16 thôn đặc biệt khó khăn. Thực hiện đợt cao điểm “90 ngày đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ”, Công an huyện Bù Gia Mập đang phối hợp chặt chẽ với các ngành, các đoàn thể, chỉ đạo Công an các xã nỗ lực tổ chức thực hiện “4 phủ”. Cả hệ thống chính trị của huyện đều quyết tâm về đích sớm.

Thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập, theo thống kê của cơ quan Công an, hiện tại số người trong thôn chưa đăng ký định danh điện tử (ĐDĐT) là 415 người; số người chưa kích hoạt ĐDĐT là 250 người; số người trong diện cấp căn cước công dân (CCCD) là 23 người… Anh Điểu Lếp, Trưởng thôn Đắk Á, xã Bù Gia Mập cho biết, bà con trong thôn mình có một số người đời sống còn rất khó khăn, họ không biết chữ, không biết sử dụng điện thoại.

Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06 của thôn đã phân công các thành viên đến tận nhà các hộ gia đình trong thôn gửi giấy mời và tuyên truyền vận động người dân trong thôn ra Nhà văn hóa thôn để đăng ký, kích hoạt tài khoản ĐDĐT, tích hợp chữ ký số. Ai chưa làm CCCD thì làm luôn. Từ sáng sớm, Trưởng thôn Điểu Lếp cùng với các thành viên trong Tổ công nghệ số cộng đồng và triển khai Đề án 06 của thôn chia nhau đến từng hộ gia đình mời gọi người dân ra nhà văn hóa thôn thực hiện các nội dung theo như giấy mời.

Anh Điểu Lếp cho biết: “Có trường hợp bà con phản ứng là tôi cần gì làm cái này? Chúng tôi phải giải thích, nếu bà con không làm thì sau này giấy tờ có vấn đề gì liên quan đến quyền lợi của người dân mình, của bà con là không có khiếu nại ai được”.

Đến nay, huyện Bù Gia Mập đã kích hoạt ĐDĐT cho 29,5% dân số, trang bị điện thoại thông minh 4G cho 54,84% dân số, sim chính chủ tích hợp chữ ký số 29,63% dân số.

Người dân đến nhà văn hóa ấp Mười Mẫu (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Người dân đến nhà văn hóa ấp Mười Mẫu (huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước) kích hoạt tài khoản định danh điện tử.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Phó trưởng Công an huyện Bù Gia Mập cho biết, hiện có 8 xã, 68 thôn, còn 440 hộ nghèo, với 1.540 nhân khẩu. Do điều kiện kinh tế của đồng bào còn khó khăn, có người không dùng điện thoại di động, nhiều người chỉ dùng điện thoại mạng 2G. Đây là những cái khó đối với huyện trong đợt cao điểm “90 ngày đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ”. Để gỡ những cái khó này, trong những ngày qua, cơ quan Công an phối hợp với cả hệ thống chính trị từ cấp huyện đến cấp xã và các thôn trong huyện đồng loạt vào cuộc, tổ chức tuyên truyền, vận động người dân, với khẩu hiệu: “Đi ra đường, vào từng nhà rà từng người” để mời gọi người dân với quyết tâm sớm hoàn thành chỉ tiêu trong đợt cao điểm “90 ngày đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ” này.

Còn tại ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện, huyện Bù Đốp là một trong những ấp đặc biệt khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Bình Phước. Thực hiện đợt cao điểm “90 ngày đêm” triển khai mục tiêu “4 phủ”, những ngày qua, Công an xã phối hợp với các nhà mạng và Ban điều hành ấp tuyên truyền, vận động người dân trong ấp đến nhà văn hóa đăng ký sim chính chủ, định danh cá nhân VneID và tích hợp cài đặt chữ ký số...

Ông Lê Xuân Diễn, Trưởng ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện cho biết: “Mấy hôm nay, ấp Mười Mẫu tổ chức cài đặt chữ ký số cho bà con nhân dân, lực lượng Công an và các ban, ngành, đoàn thể của xã phối hợp về đây để làm. Còn Ban điều hành ấp tập trung đi tuyên truyền, vận động nhân dân ra để thực hiện cài đặt chữ ký số và đăng ký sim chính chủ, định danh cá nhân VneID nếu chưa làm”.

Để bà con nhân dân trong ấp biết thông tin và sắp xếp công việc của gia đình chủ động đi làm đông đủ, thuận tiện, từ mấy hôm trước, ông Lê Xuân Diễn đã cùng với Ban điều hành và các đoàn thể trong ấp chia nhau đi đến tận các hộ gia đình trong ấp tuyên truyền, vận động người dân.

Vợ chồng chị Đào Thị Thanh Kiều và anh Kiên Phia Ni trước đó đã được Trưởng ấp Lê Xuân Diễn đến nhà tuyên truyền, vận động ra nhà văn hóa ấp để tích hợp chữ ký số. Chị Diễm là người khuyết tật đi lại rất khó khăn, mỗi khi đi xa luôn phải có người đi cùng trợ giúp. Vì vậy, khi biết được những lợi ích của chữ ký số và biết tin Công an xã tổ chức tích hợp chữ ký số cho người dân tại nhà văn hóa của ấp, vợ chồng chị thu xếp công việc để ra đăng ký làm ngay.

Trung úy Lâm Quan, cán bộ Công an xã Phước Thiện cho biết: “Ban điều hành ấp chia theo khu dân cư đi đến tuyên truyền, vận động từng nhà. Nếu người dân không có xe thì Công an xã, Ban điều hành ấp có xe đi vào từng nhà chở người dân đi luôn. Từ sáng đến giờ đã chở được 2 chuyến, nếu đông người thì lấy xe ôtô của Công an xã đi chở luôn”.

Trong điều kiện một ấp có đa số người đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều người già yếu, không có điện thoại thông minh sóng 4G, đường xá đi lại xa xôi. Để thực hiện hiệu quả cao điểm 90 ngày đêm mục tiêu “4 phủ” ở ấp Mười Mẫu, một kế hoạch cụ thể đã được vận hành. Đó là Ban điều hành ấp tổ chức đi vận động người dân, tổ Đề án 06 sẽ hỗ trợ cài đặt cho người dân.

Ông Lê Xuân Diễn, Trưởng ấp Mười Mẫu cho biết, hiện nay ấp còn 2 cái khó cần được tháo gỡ, thứ nhất là điều kiện kinh tế của người dân còn khó khăn, không phải người dân nào cũng có điện thoại thông minh dùng sóng 4G. Thứ hai là sóng 4G hiện chưa phủ kín khu dân cư, còn hơn 200 hộ dân sinh sống trong 2 khu 134 và khu Vườn Mít của ấp hiện không có sóng điện thoại di động. Những khó khăn này chưa thể giải quyết được ngay mà cần có sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành.

Văn Tuyên – Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/no-luc-trien-khai-thuc-hien-4-phu-o-dia-ban-bien-gioi-i735250/