Nỗ lực sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2021 - 2022

Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh Long An đang bước vào sản xuất vụ lúa Đông Xuân (ĐX) 2021 - 2022. Đây được xem là vụ lúa quan trọng nhất trong năm nên nông dân chuẩn bị rất chu đáo từ khâu làm đất đến sử dụng các giống lúa chất lượng để hướng đến một vụ mùa bội thu.

Nông dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất

Nông dân gặp nhiều khó khăn

Lũ rút là thời điểm nông dân vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An tiến hành vệ sinh đồng ruộng và xuống giống vụ lúa ĐX. Hiện nay, các địa phương tập trung chỉ đạo công tác xuống giống nhằm đạt hiệu quả cao nhất. Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Vĩnh Hưng, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã gieo sạ trên 8.370ha lúa ĐX (đạt 29,6% kế hoạch), tập trung ở 8/10 xã, thị trấn (còn xã Tuyên Bình Tây và thị trấn Vĩnh Hưng chưa gieo sạ). Các trà lúa đang trong giai đoạn từ mạ đến đòng - trổ. Số còn lại tiếp tục chuẩn bị giống và vệ sinh đồng ruộng để tập trung gieo sạ trong đợt 3 (từ ngày 13 đến 25/12/2021).

Ông Nguyễn Văn Bình (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Sau khi lũ rút, tôi và nhiều người dân địa phương tranh thủ làm đất và xuống giống vụ ĐX. Tuy nhiên, do khi vừa sạ thì gặp mưa lớn nên giống bị trôi, không phát triển được, chúng tôi phải gieo sạ lại. Đến nay, lúa được gần 10 ngày tuổi và đang phát triển tốt”.

Cũng bị thiệt hại do mưa lớn, ông Trần Văn Bi (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng) chia sẻ: “Chúng tôi đang rất lo lắng về vụ ĐX bởi ngay từ đầu vụ đã không được suôn sẻ. Cùng với đó, giá vật tư nông nghiệp lại tiếp tục tăng cao, gần gấp 3 lần so với vụ ĐX năm trước. Mong ngành chức năng sớm bình ổn giá vật tư nông nghiệp để nông dân an tâm sản xuất”.

Theo Trưởng phòng NN&PTNN huyện Vĩnh Hưng - Huỳnh Văn Lâm, hiện nay, thời tiết diễn biến khá phức tạp, gây khó khăn cho việc gieo sạ. Toàn huyện có gần 285ha lúa bị mưa lớn gây thiệt hại phải gieo sạ lại. Cùng với đó, việc lũ rút chậm cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ xuống giống của nông dân.

Nông dân làm đất chuẩn bị gieo sạ vụ lúa Đông Xuân 2021-2022

Tại huyện Tân Hưng, đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn huyện đã xuống giống trên 16.700ha lúa ĐX. Trong đó, giai đoạn mạ gần 4.000ha, đẻ nhánh gần 5.200ha và làm đòng gần 7.500ha.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tân Hưng - Nguyễn Văn Cang, thời tiết đang chuyển mùa, đêm và sáng sớm trời se lạnh nên ẩm độ rất cao, đây là điều kiện thuận lợi cho các loài sâu, bệnh gây hại lúa phát triển, nhất là bệnh đạo ôn lá. Bởi hiện nay, phần lớn diện tích lúa ĐX đã gieo sạ trên địa bàn huyện đều ở giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng, đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với bệnh đạo ôn lá nếu nông dân bón phân thiếu cân đối.

Vừa xuống giống 2ha lúa ĐX được hơn 10 ngày, ông Đoàn Văn Bền (xã Vĩnh Lợi, huyện Tân Hưng) bộc bạch: “Vụ này, gia đình tôi chọn giống Đài thơm 8 để gieo sạ, đến nay lúa phát triển tốt, chưa xuất hiện sâu, bệnh. Ngành Nông nghiệp huyện và cán bộ khuyến nông địa phương thường xuyên khuyến cáo nông dân chúng tôi bón phân cân đối giữa đạm, lân và kali để phòng trừ sâu, bệnh hiệu quả”.

Chủ động phòng trừ sâu, bệnh trên lúa Đông Xuân

Theo lịch gieo sạ vụ ĐX, tại các huyện phía Nam của tỉnh như Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa sẽ tập trung xuống giống trong đợt 1 và đợt 2, chậm nhất là cuối tháng 11/2021. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều diện tích chưa xuống giống dù đã qua lịch thời vụ. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là nông dân xuống giống vụ Thu Đông không theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp, ảnh hưởng đến lịch xuống giống vụ ĐX 2021 - 2022.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Trụ - Đặng Văn Tây Lo cho biết: Đến nay, toàn huyện thu hoạch hơn 4.045ha lúa Thu Đông và gieo sạ hơn 2.180ha lúa ĐX. Hiện nay, ngành Nông nghiệp huyện tích cực phối hợp các địa phương khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung theo đúng lịch thời vụ để né rầy, không gieo sạ tự phát.

“Do năm trước, người dân gieo sạ ngoài lịch nhưng không bị ảnh hưởng bởi hạn, mặn và trúng mùa, được giá nên năm nay công tác vận động người dân gieo sạ theo lịch thời vụ gặp nhiều khó khăn. Ngành Nông nghiệp huyện cũng đã phối hợp các địa phương tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân; đồng thời, tăng cường công tác cảnh báo, dự báo để người dân biết và chủ động trong sản xuất” - ông Tây Lo cho biết thêm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh gieo sạ trên 102.527ha lúa ĐX 2021 - 2022, bằng 89,9% so cùng kỳ năm 2020, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Đức Hòa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường; đã thu hoạch 470ha, năng suất khô ước đạt 48 tạ/ha, sản lượng 3.132 tấn.

Để sản xuất hiệu quả

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục xuống. Tại các huyện phía Bắc của tỉnh Long An, mực nước các nơi đã đạt đỉnh năm và bắt đầu xuống chậm. Theo đó, đỉnh lũ năm 2021 tại các trạm vùng Đồng Tháp Mười thấp hơn năm 2020 từ 0,11 - 0,35m, thấp hơn năm 2011 từ 0,88-1,85 m, thấp hơn năm 2000 từ 1,34 - 2,29m.

Mực nước lũ thấp dẫn đến nước vô đồng hạn chế, ít phù sa bồi đắp cho ruộng, các độc chất và mầm bệnh còn lưu tồn không được rửa trôi sẽ gây khó khăn cho sản xuất lúa vụ ĐX 2021 - 2022 và dự báo một số đối tượng dịch hại như chuột, ốc bươu vàng,... có thể xuất hiện, gây hại vào đầu vụ. Cùng với đó, tình hình hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay ở khu vực Nam bộ cũng được dự báo sẽ đến sớm, khả năng tương đương mùa khô 2016 - 2017 và 2020 - 2021, nhưng sẽ ít gay gắt hơn mùa khô năm 2019 - 2020. Đỉnh mặn được dự báo xuất hiện vào khoảng tháng 2 đến tháng 3/2022.

Để khắc phục những khó khăn, bất lợi này, ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp các địa phương hướng dẫn nông dân bố trí cơ cấu giống hợp lý, chủ động khắc phục tình trạng hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn; xuống giống tập trung, né rầy theo khung lịch thời vụ; bón phân cân đối, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, an toàn và hiệu quả; áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào thực tế đồng ruộng như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, “1 phải, 6 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp IPM,...

Giá vật tư nông nghiệp tăng cao, nông dân lo sản xuất không có lãi

Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền cho biết: “Trên cơ sở lịch gieo sạ đã khuyến cáo, Sở yêu cầu các địa phương xây dựng lịch thời vụ gieo sạ cụ thể, phù hợp với điều kiện về đất đai, thời tiết, chế độ nước,… nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những diện tích lúa gieo sạ ngoài lịch.

Theo đó, đối với các huyện phía Bắc, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo sạ dứt điểm vụ lúa ĐX trong tháng 12/2021. Đối với các huyện phía Nam của tỉnh, cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn nên chuyển sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng.

Về cơ cấu giống lúa, ngoài việc ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường, ngành Nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn, với các nhóm giống: Lúa thơm và lúa nếp ST 24, ST 25, RVT, VD 20, Jasmine 85,...; nhóm giống lúa cao sản chất lượng cao và thơm nhẹ: OM 5451, OM 4900, OM 7347, Đài thơm 8, Nàng Hoa 9, OM 18, Hương Châu 6,…; nhóm giống lúa chống chịu hạn, phèn, mặn tốt: OM 5451, Đài thơm 8, OM 6976, OM 576,...; đồng thời, vận động nông dân giảm tỷ lệ gieo sạ giống nếp (IR 4625) xuống dưới 35% vì hiện nay số lượng nếp tồn kho rất lớn.

Bên cạnh đó, Sở phối hợp chặt chẽ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh và Đài Khí tượng Thủy văn Quốc gia để có những dự báo, cảnh báo cụ thể về tình trạng xâm nhập mặn, hạn, tình hình mưa, lũ,… nhằm xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời, linh hoạt và hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại trong sản xuất”./.

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ trên 102.527ha lúa ĐX 2021-2022, bằng 89,9% so cùng kỳ năm 2020, tập trung ở các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Đức Hòa, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường.

Bùi Tùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/no-luc-san-xuat-vu-lua-dong-xuan-2021-2022-a127100.html