Nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Năm 2019, ngành GD&ĐT tỉnh nhà đã có nhiều, nỗ lực để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; đem đến môi trường học tập tốt nhất cho học sinh (HS). Đó là tiền đề quan trọng, tạo động lực và niềm tin để xây dựng và phát triển nền giáo dục ở một tỉnh miền núi hiệu quả hơn trong những năm tới.

Phòng học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Hà Giang) được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Phòng học tiếng Anh của học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Hà Giang) được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Hiện, toàn tỉnh có 824 trường và cơ sở giáo dục, với 245.693 HS ở các cấp học. Dẫu còn khó khăn nhất định về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; nhưng sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà tiếp tục được củng cố, đáp ứng nhu cầu xã hội. Tỷ lệ duy trì sỹ số HS đều đạt trung bình từ 98% trở lên, trong năm 2019, có 31 trường học được công nhận đạt chuẩn Quốc gia (CQG), nâng tổng số trường đạt chuẩn lên 238 trường, đạt 110% chỉ tiêu kế hoạch giao. Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá năng lực HS, chất lượng giáo dục được nâng lên theo từng năm học HS đã phát huy cao độ tinh thần tự học, chủ động, sáng tạo lĩnh hội những kiến thức mới một cách toàn diện.

Với phương châm lấy chất lượng làm thước đo giáo dục, nhiều năm qua, Trường Tiểu học Trần Phú (thành phố Hà Giang) đã đạt chuẩn mức độ II; HS được học 2 buổi/ngày, nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học theo từng nhóm tổ và cho HS tham gia các hoạt động trải nghiệm. Cô giáo Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Năm nay, trường có 946 HS, xác định đổi mới trong dạy và học là việc làm thường xuyên; trường đã tổ chức các hội thảo chuyên môn về môn Tiếng Việt, các môn tự nhiên, xã hội. 100% giáo viên tự bồi dưỡng nghiệp vụ, xây dựng bài giảng lồng ghép những ưu điểm của mô hình trường học mới, tích hợp với dạy kỹ năng sống cho HS theo chủ đề từng tháng. Ngoài ra, HS còn thực hiện tốt chương trình “Vòng tay bạn bè”, “Áo lụa tặng bà”, “Tình nguyện mùa Đông”, xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”.

Cùng với đội ngũ giáo viên yêu nghề, mến trẻ, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; các đơn vị trường học nỗ lực thực hiện các giải pháp xây dựng trường chuẩn hướng đến thực chất, có chiều sâu và không chạy theo thành tích. Đơn cử, tại huyện Quang Bình, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân; năm 2019, huyện có 4 trường đạt CQG mức độ I và 3 trường đạt CQG mức độ II. Với 44 trường học và 15.584 HS, các trường không chỉ duy trì kết quả phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở, mà còn đẩy mạnh cải tiến về phương pháp dạy học, giúp cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn có cơ hội học tập, rèn luyện tốt hơn.

Đồng chí Nguyễn Thế Bình, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT cho biết: “Trước yêu cầu cấp bách về nâng cao chất lượng giáo dục; toàn ngành sẽ cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của T.Ư, Bộ GD&ĐT và của tỉnh để thực hiện các đề án, kế hoạch, chương trình giáo dục năm 2020. Trong đó, trọng tâm là tập trung đánh giá Đề án Chuyển học sinh từ điểm trường về học tại trường chính theo Quyết định số 84 của UBND tỉnh; triển khai đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới. Bên cạnh đó, ngành tiếp tục xây dựng, quy hoạch cán bộ, giáo viên đảm bảo có đủ năng lực, phẩm chất, tâm huyết với nghề, đồng bộ về cơ cấu ngành học, cấp học vì sự nghiệp “trồng người”. Nhân dịp Xuân mới, gạt bỏ mọi khó khăn, hạn chế; ngành mong muốn luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự sẻ chia của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân để góp phần đưa nền GD&ĐT của địa phương bước sang trang mới, ngày càng phát triển”.

Bài, ảnh: MỘC LAN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/201912/no-luc-nang-cao-chat-luong-giao-duc-toan-dien-753938/