Nỗ lực đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân
Từ ngày 20/10 - 30/10/2021, đợt 1 kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã diễn ra theo hình thức trực tuyến toàn quốc trong thời điểm đặc biệt, khi cả nước cơ bản trở lại trạng thái 'bình thường mới' sau hơn 4 tháng phải căng mình chống dịch. Kỳ vọng về các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, trở lại nhịp sống bình thường là điều được cử tri và Nhân dân hết sức quan tâm. Sau 11 ngày làm việc trách nhiệm, trí tuệ, với tinh thần tích cực, khẩn trương (làm việc kể cả thứ Bảy và Chủ nhật), đợt họp trực tuyến đầu tiên này đã kết thúc tốt đẹp.
Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV được tổ chức theo hình thức kết hợp: họp trực tuyến và họp tập trung, chia thành 2 đợt, dự kiến bế mạc vào ngày 13/11. Đợt 1 họp trực tuyến từ ngày 20 - 30/10 và đợt họp thứ 2 sẽ tập trung tại Nhà Quốc hội 6 ngày từ ngày 8-13/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội tiến hành xem xét, thông qua 2 dự án luật, 5 dự thảo nghị quyết và xem xét, cho ý kiến đối với 5 dự án luật. Xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ. Ngoài ra, Quốc hội còn dành nhiều thời gian để xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Tính đến chiều ngày 30/10, đợt 1 họp trực tuyến đã diễn ra suôn sẻ, thành công tốt đẹp từ nội dung, chương trình cho đến các điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đúng như kỳ vọng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đặt ra. Mọi công tác được các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị công phu về nội dung, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri về nhiệm kỳ Quốc hội đổi mới, năng động, sáng tạo. Về cơ bản, các phiên họp diễn ra thông suốt, hiệu quả, các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, an ninh, an toàn kỳ họp được đảm bảo.
Tại điểm cầu Lâm Đồng, tham dự có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng; đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH; các ĐBQH K’Nhiễu, Trịnh Thị Tú Anh. Cùng tham dự phiên trực tuyến thảo luận có đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, HĐND tỉnh, đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Đánh giá khái quát về kỳ họp trực tuyến đợt 1, Trưởng Đoàn ĐBQH Trần Đình Văn cho rằng: Có thể nói đợt 1 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là kỳ họp đặc biệt, được tổ chức bằng hình thức họp trực tuyến; nhưng đã đảm bảo tốt về nội dung, chương trình cũng như chất lượng các buổi họp. Chương trình kỳ họp được bố trí hợp lý, khoa học, tận dung tối đa thời gian kể cả ở phiên thảo luận tại tổ và thảo luận trực tuyến, nhờ vậy đã rút ngắn số ngày họp so với dự kiến ban đầu.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong họp trực tuyến, kết nối các điểm cầu thông suốt, chất lượng tốt. Các nội dung, hồ sơ trình Quốc hội được chuẩn bị công phu, chất lượng, nhất là đối với các dự án luật; công tác tổng hợp ý kiến thảo luận của các ĐBQH được thực hiện kịp thời, chính xác. Công tác điều hành của chủ tọa các phiên họp được thực hiện khoa học, linh hoạt, đảm bảo đúng nguyên tắc dân chủ trong hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp cũng được triển khai bài bản, chặt chẽ, thường xuyên. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, tất cả các đại biểu tham dự kỳ họp và các phóng viên cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, cán bộ, nhân viên khối phục vụ đều được xét nghiệm COVID-19, đảm bảo an toàn. Hệ thống kỹ thuật phục vụ kỳ họp hoạt động ổn định, an toàn, đáp ứng tốt nhu cầu trực tuyến; các phần mềm ứng dụng cũng rất thuận tiện giúp đại biểu trong việc tra cứu tài liệu.
Tuy rút ngắn thời gian, nhưng qua 10 ngày làm việc, hàng trăm lượt đại biểu đăng ký phát biểu vẫn đảm bảo yêu cầu; các ý kiến góp ý thảo luận, tranh luận về các vấn đề rất sâu sắc, sát thực tiễn, đem hơi thở cuộc sống vào nghị trường.
Sau 11 ngày làm việc hết sức tích cực, trách nhiệm, các ĐBQH Lâm Đồng đã tham gia đóng góp, thảo luận, tranh luận với trên 20 lượt phát biểu ở cả điểm cầu trực tuyến và điểm cầu trực tiếp Hà Nội đều rất chất lượng, thể hiện sự đầu tư nghiên cứu sâu sắc về các dự án luật, các vấn đề kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương. Nhiều ý kiến phát biểu hết sức cụ thể, sát thực tiễn đã được phản ánh chi tiết qua các cơ quan truyền thông báo chí Trung ương và địa phương. Cử tri và Nhân dân trong tỉnh được theo dõi sát diễn biến kỳ họp. Nhiều vấn đề bất cập trong thực hiện các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quy hoạch sử dụng đất, kết quả phục hồi kinh tế trong đại dịch COVID-19, kế hoạch phát triển kinh tế trong giai đoạn tiếp theo được các ĐBQH Lâm Đồng phân tích, đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Qua đó, phần nào đã đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Tham gia phát biểu thảo luận, Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng Trần Đình Văn bày tỏ quan điểm: Qua nghiên cứu các tài liệu liên quan đến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) của Chính phủ, tôi thống nhất với đánh giá về những kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011 - 2020. Đại biểu cho rằng, nguồn thu từ đất đai đã đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai bước đầu đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có 7 chỉ tiêu quan trọng chưa đạt theo yêu cầu. Nhất là đất bãi thải, xử lý chất thải đạt gần 37,3% theo kế hoạch làm ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống và an toàn xã hội mà dư luận phản ánh nhiều. Vì vậy, đề nghị báo cáo bổ sung việc thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm, chưa hoàn thành các chỉ tiêu được giao. Đồng thời, bổ sung theo quy định về kết quả thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất giai đoạn 2011 - 2020; kết quả thực hiện đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng và nội dung đánh giá mức độ phù hợp của kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, đó là cơ sở đánh giá nguồn lực hiện có và xác định chỉ tiêu quy hoạch mới thời kỳ 2021 - 2030.
Chính phủ trình quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 là quy hoạch cực kỳ quan trọng theo quy định của Luật Quy hoạch. Tuy nhiên, công tác sửa đổi toàn diện Luật Đất đai năm 2013 lại vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện (dự kiến đưa vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022). Tôi đề nghị Quốc hội hết sức cân nhắc vấn đề này, để làm sao khi Luật Đất đai mới có hiệu lực không làm đảo lộn quy hoạch sử dụng đất quốc gia; giảm quy hoạch treo; giảm điều chỉnh quy hoạch; giảm khiếu kiện đất đai; giảm bức xúc của Nhân dân về việc sử dụng đất không hiệu quả, lãng phí đất đai, tài nguyên, nguồn lực cực kỳ quan trọng của quốc gia.
Có thể khẳng định rằng, thành công của đợt họp trực tuyến đầu tiên của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV là minh chứng cho việc Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã bắt tay ngay vào việc từ sớm, từ xa để chuẩn bị đảm bảo tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, đạt kết quả cao nhất, đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của cử tri và nhân dân.
Đợt 2, Quốc hội tiến hành họp tập trung tại Nhà Quốc hội tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 8 - 13/11 và tiếp tục thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; nghe báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2022 - 2024. Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH. Chương trình sẽ được truyền hình trực tiếp trên VTV.