Ninh Bình: Hoạt động sản xuất công nghiệp trên đà phục hồi tích cực
Tính chung lại 11 tháng năm 2024, chỉ số IIP tỉnh Ninh Bình tăng 11,68% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành khai khoáng tăng 17,88%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,41%.
Theo Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tháng 11 tiếp tục ghi nhận đà phục hồi tích cực. Tính chung trong 11 tháng năm nay, sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành tăng chủ lực
Số liệu của Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh tháng 11 ước tính tăng 10,45% so với cùng tháng năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 15,16%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,93%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,24%; riêng sản xuất và phân phối điện giảm 3,97%. So với tháng trước, chỉ số IIP tỉnh Ninh Bình tháng này tăng 4,49% do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,97%, các ngành còn lại đều có IIP giảm: Khai khoáng giảm 9,84%; Sản xuất và phân phối điện giảm 6,85%; Cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm 1,08%.
Tính chung lại 11 tháng năm 2024 chỉ số IIP toàn tỉnh tăng 11,68% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ngành khai khoáng tăng 17,88%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,41%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,14%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,87%.
Tính theo giá so sánh 2010, giá trị sản xuất công nghiệp tỉnh Ninh Bình trong tháng 11 ước đạt 10.816,9 tỷ đồng, tăng 8,6% so với tháng 11/2023. Giá trị sản xuất công nghiệp 11 tháng năm 2024 toàn tỉnh ước đạt 95.138,8 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, khai khoáng ước đạt 1.033,4 tỷ đồng, tăng 17,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo 92.829,1 tỷ đồng, tăng 9,4%; sản xuất và phân phối điện 1.070,5 tỷ đồng, tăng 20,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 205,8 tỷ đồng, tăng 5,8%.
Một số sản phẩm công nghiệp trong tháng 11 tăng khá so với cùng tháng năm trước, bao gồm: Đá các loại 0,4 triệu m3, tăng 14,9%; dứa đóng hộp 0,9 nghìn tấn, gấp 2,1 lần; nước dứa tươi 0,6 triệu lít, tăng 20,0%; thức ăn gia súc 2,1 nghìn tấn, tăng 10,0%; hàng thêu 84,0 nghìn m2, gấp 13,1 lần; giày dép các loại 6,2 triệu đôi, tăng 10,4%; phân Ure 46,8 nghìn tấn, tăng 21,2%; phân NPK 17,5 nghìn tấn, tăng 42,3%; phân lân nung chảy 8,1 nghìn tấn, tăng 55,8%; xi măng (kể cả clanke) 0,8 triệu tấn, tăng 16,3%; linh kiện điện tử 10,2 triệu cái, tăng 22,9%; xe ô tô 5 chỗ ngồi trở lên 6,1 nghìn chiếc, tăng 19,1%; xe ô tô chở hàng 0,6 nghìn chiếc, tăng 88,0%; ghế dùng cho xe có động cơ 28,8 nghìn chiếc, tăng 39,1%; cần gạt nước ô tô 0,6 triệu cái, tăng 63,8%; búp bê 13,0 triệu con, tăng 32,3%; đồ chơi hình con vật 2,9 triệu con, tăng 51,1%;...
Bên cạnh đó vẫn có một số sản phẩm giảm sút so với cùng kỳ như: Thép cán các loại 25,7 nghìn tấn, giảm 3,0%; cấu kiện nhà lắp sẵn bằng kim loại 8,4 tấn, giảm 79,9%; tai nghe điện thoại di động 5,0 nghìn cái, giảm 94,8%; kính máy ảnh 0,2 triệu cái, giảm 35,9%; điện sản xuất 48,0 triệu Kwh, giảm 4,4%; điện thương phẩm 0,2 tỷ Kwh, giảm 3,4%;…
12/12 nhóm hàng hóa của Ninh Bình có doanh thu bán lẻ tăng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 11 ước đạt trên 7.805,3 tỷ đồng, tăng 25,9% so với tháng 11/2023. Lũy kế 11 tháng năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hóa toàn tỉnh ước đạt trên 74.123,6 tỷ đồng, tăng 26,1% so với cùng kỳ năm trước.
Tất cả 12/12 nhóm hàng hóa đều có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó một số nhóm đạt mức tăng cao gồm: lương thực, thực phẩm ước đạt 27.359,9 tỷ đồng, tăng 27,0%; hàng may mặc 3.690,8 tỷ đồng, tăng 30,3%; vật phẩm văn hóa giáo dục 472,5 tỷ đồng, tăng 50,8%; gỗ và vật liệu xây dựng 16.754,5 tỷ đồng, tăng 27,3%; xăng, dầu các loại 7.023,2 tỷ đồng, tăng 25,7%; nhiên liệu khác (trừ xăng, dầu) 657,8 tỷ đồng, tăng 35,2%; hàng hóa khác 1.047,6 tỷ đồng, tăng 41,7%; doanh thu dịch vụ sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác 3.523,8 tỷ đồng, tăng 35,7%.
Với các hoạt động khác, ước tính doanh thu hoạt động lưu trú, ăn uống trong tháng 11 đạt gần 841,8 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt 2,2 tỷ đồng, giảm 75,3%; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt 555,0 tỷ đồng, tăng 10,8%. Lũy kế 11 tháng, doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống thực hiện trên toàn tỉnh ước đạt trên 8.677,2 tỷ đồng, tăng 27,8% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành ước đạt trên 85,4 tỷ đồng, tăng 36,1%; doanh thu một số ngành dịch vụ khác ước đạt trên 5.666,2 tỷ đồng, tăng 12,2%.
Chỉ số giá tiêu dùng hàng hóa (CPI) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong tháng 11 tiếp tục duy trì mức tăng từ các tháng trước. So với tháng trước, CPI tăng 0,13%; so với tháng 12 năm trước, CPI tăng 3,07% và so với tháng 11/2023, CPI tăng 3,41%. Tính chung lại, CPI bình quân 11 tháng năm 2024 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong mức tăng tháng này của tỉnh, có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 2 nhóm có chỉ số giá giảm và 2 nhóm giữ chỉ số giá ổn định.