Những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường

Ngày 16/12/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 98/2024/TT-BCA quy định quy trình khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an Nhân dân.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hỏi: Tôi được biết, Bộ Công an vừa ban hành Thông tư quy định quy trình khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an Nhân dân. Xin quý báo cho biết những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường?

(Nguyễn Hồng Anh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:

Ngày 16/12/2024, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 98/2024/TT-BCA quy định quy trình khám nghiệm hiện trường trong tố tụng hình sự của lực lượng Công an Nhân dân. Theo đó, Thông tư quy định những việc cần làm trước khi khám nghiệm hiện trường như sau:

Điều 3. Chuẩn bị lực lượng, phương tiện khám nghiệm hiện trường

1. Đối với Cơ quan chủ trì khám nghiệm:

a) Phân công người chủ trì khám nghiệm;

b) Thông báo cho Viện Kiểm sát cùng cấp để cử kiểm sát viên tham gia kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường;

c) Thông báo và yêu cầu lực lượng Kỹ thuật hình sự tham gia khám nghiệm hiện trường;

d) Thông báo và yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ tham gia phối hợp trong quá trình khám nghiệm hiện trường (nếu cần thiết);

đ) Trường hợp cần thiết có thể cho bị can, người bào chữa, bị hại, người làm chứng tham gia và mời người có chuyên môn tham dự việc khám nghiệm;

e) Chuẩn bị các phương tiện đi lại, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện, thiết bị chuyên dùng (nếu có); các loại biểu mẫu, giấy tờ có liên quan.

2. Đối với lực lượng Kỹ thuật hình sự:

Khi nhận được yêu cầu tham gia khám nghiệm hiện trường, lực lượng Kỹ thuật hình sự cần:

a) Phân công cán bộ khám nghiệm hiện trường chuyên trách tham gia khám nghiệm. Phân công giám định viên có chuyên môn phù hợp để tham gia phối hợp khám nghiệm (nếu cần thiết);

b) Chuẩn bị các phương tiện kỹ thuật chuyên dùng như: Vali khám nghiệm hiện trường; máy ảnh, máy ghi hình; nguồn sáng các loại, phương tiện, thiết bị, hóa chất phát hiện và thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; thước dây, thước tỷ lệ, túi thu mẫu, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật chuyên dùng khác (nếu có), các biểu mẫu, biên bản có liên quan.

3. Đối với các lực lượng phối hợp khác:

Khi nhận được thông báo và yêu cầu tham gia khám nghiệm hiện trường, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Công an cấp xã, lực lượng huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ và các lực lượng khác có liên quan trong phạm vi, trách nhiệm của mình phải cử cán bộ đến hiện trường để phối hợp với cơ quan chủ trì tiến hành các hoạt động khám nghiệm hiện trường.

Điều 4. Giải quyết ban đầu khi đến hiện trường

Khi đến hiện trường, trước khi khám nghiệm, người chủ trì khám nghiệm hiện trường cần thực hiện một số nội dung sau:

1. Yêu cầu người chỉ huy công tác bảo vệ hiện trường báo cáo tình hình và kết quả bảo vệ hiện trường. Trao đổi với cơ quan chủ quản, với nạn nhận, thân nhân nạn nhân (nếu có), với chính quyền địa phương, với những người phát hiện vụ việc đầu tiên để nắm diễn biến tình hình vụ việc, về tình hình an ninh trật tự ở khu vực hiện trường.

2. Trực tiếp quan sát, xác định phạm vi hiện trường; sơ bộ xác định cấu trúc, kết cấu hiện trường; xác định các vị trí có camera tại hiện trường. Kiểm tra công tác bảo vệ hiện trường để quyết định bổ sung thêm lực lượng bảo vệ hiện trường hoặc điều chỉnh phạm vi hiện trường cần bảo vệ (nếu cần thiết).

3. Lựa chọn và mời người chứng kiến khám nghiệm. Người chứng kiến có thể là người đại diện chính quyền địa phương, đại diện cơ quan, tổ chức, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên. Đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan đơn vị nơi xảy ra vụ việc phối hợp và hỗ trợ trong quá trình khám nghiệm (nếu thấy cần thiết).

4. Xem xét, quyết định biện pháp xử lý đối với các dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử có nguy cơ bị thay đổi, phá hủy; xem xét thiết lập lối đi riêng phục vụ việc đi lại, quan sát ở hiện trường.

5. Tiến hành hội ý lực lượng khám nghiệm hiện trường để lựa chọn phương pháp, chiến thuật khám nghiệm phù hợp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng khám nghiệm: Người chụp ảnh; người ghi hình (nếu cần thiết); người vẽ sơ đồ; người phát hiện, thu thập dấu vết, vật chứng, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử; người ghi chép, thống kê phục vụ lập biên bản khám nghiệm hiện trường…

LS. Nguyễn Trung Tiệp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/nhung-viec-can-lam-truoc-khi-kham-nghiem-hien-truong-407323.html