Những vành đai xanh, hàng rào 'mềm' nơi biên cương

Nơi dải biên cương, mô hình 'Lũy tre biên giới' vừa hỗ trợ nhân dân trồng rừng, phát triển kinh tế vừa góp phần bảo vệ hiệu quả đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh trật tự đang được Bộ đội Biên phòng (BĐBP) triển khai thí điểm tại một số địa bàn biên giới.

Người dân bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu trồng tre nơi mốc biên giới - Ảnh: VGP

Lũy tre Việt nơi biên thùy

Mùa Xuân lên xã biên giới Huổi Luông (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), chúng tôi chứng kiến bà con phấn khởi cùng các chiến sĩ của Đồn Biên phòng Huổi Luông trồng những khóm tre đầu tiên nơi mốc giới. Trong tương lai gần, nơi đây sẽ có những thành lũy xanh góp phần bảo vệ vững chắc biên cương.

Dọc tuyến biên giới do Đồn Biên phòng Huổi Luông quản lý địa hình hiểm trở, nhân dân sống thưa thớt, còn nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc, đồi cây tạp... Sau nhiều lần khảo sát và họp bàn kỹ lưỡng, Đồn Biên phòng Huổi Luông nhận thấy giống tre Bát Độ lấy măng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết trên địa bàn huyện Phong Thổ. Chưa kể chi phí trồng, chăm sóc cây tre không cao, thời gian cây trưởng thành và cho thu hoạch măng khoảng 2 năm và mang lại giá trị kinh tế cho bà con trên địa bàn.

Thực hiện mô hình này, Đồn biên phòng Huổi Luông đã lựa chọn kỹ lưỡng chừng 3.600 cây tre để trồng thử nghiệm trên địa bàn. Tre được trồng dọc theo đường biên giới từ mốc giới số 57 đến mốc giới số 60, dài gần 3 km, thuộc bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông. Số kinh phí 90 triệu đồng được Đồn Biên phòng Huổi Luông trao đổi, phối hợp với các cơ quan, đơn vị huy động, sử dụng cho việc mua giống tre, hỗ trợ phân bón ban đầu, mua dụng cụ.

Chia sẻ về mô hình này, Trung tá Lê Văn Quyết, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Huổi Luông cho hay hình ảnh cây tre biên giới Việt có ý nghĩa lớn về văn hóa, thể hiện hình ảnh thân thuộc, gắn liền với đời sống của mỗi người dân Việt Nam, đại diện cho tinh thần kiên cường, bất khuất, dẻo dai, đoàn kết gắn bó của dân tộc. Đặc biệt, cây tre cũng như ngoại giao Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển".

Hơn nữa, việc trồng tre làm hàng rào biên giới "mềm" chi phí thấp hơn nhiều so với đầu tư xây dựng hệ thống hàng rào cứng nên vừa tạo nguồn sinh kế mới cho người dân địa phương vừa góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho Đồn Biên phòng và nhân dân xã Huổi Luông, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu...

Đối với công tác quản lý, bảo vệ biên giới, việc trồng tre sẽ giúp nhân dân dễ nhận biết đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới và dần hình thành hàng rào "mềm" rất phù hợp để quản lý bảo vệ biên giới.

"Khi bà con trồng, chăm sóc tre ở đường biên giới, họ sẽ là những 'chiến sĩ' hỗ trợ biên phòng phát hiện dấu hiệu bất thường, người vượt biên trái phép để kịp thời cung cấp thông tin, phối hợp xử lý", Trung tá Lê Văn Quyết nói.

Với những ý nghĩa đó, đơn vị đã phối hợp với UBND xã Huổi Luông tổ chức họp bản Hồ Thầu để tuyên truyền về ý nghĩa của việc triển khai thực hiện mô hình và nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng rất cao của nhân dân trên địa bàn.

"Chúng tôi cũng hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng, chăm sóc cho cây phát triển tốt, bảo đảm mỹ quan; tuyên truyền, vận động nhân dân quá trình trồng tre thực hiện nghiêm Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc; vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên mốc giới, cột mốc quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội", Trung tá Lê Văn Quyết cho hay.

Tre sau khi trồng được bàn giao cho các hộ dân tham gia bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông chăm sóc, quản lý để làm mô hình sinh kế cho người dân.

Giống tre Bát Độ lấy măng dễ thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết trên địa bàn huyện Phong Thổ - Ảnh: VGP

Ông Lê Văn Dung, Bí thư xã Huổi Luông cho biết mô hình này được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương ủng hộ và nhất là bà con bản Hồ Thầu rất đồng lòng, giúp hình thành hàng rào "mềm". Mô hình có sự vào cuộc của nhân dân khu vực biên giới.

"Trồng tre để phát triển kinh tế là một hướng đi mới, không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 09/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ", Bí thư xã Huổi Luông nói.

Hằng ngày, nhiều hộ dân bản Hồ Thầu vẫn đều đặn lên nương lên rẫy, đến thăm "hàng rào mềm" vừa được bộ đội giao chăm sóc. Không bao lâu nữa, khu vực đồi trọc này sẽ được phủ màu xanh bạt ngàn. Tre Bát Độ có thể thu hoạch sau 2 – 3 năm trồng. Trung bình năm đầu tiên cho thu hoạch từ 11-23 kg măng/bụi, đến năm thứ 6 cho thu 20 – 25 kg măng/bụi, sang năm thứ 7 – 8 có thể cho 30-40 kg măng/bụi...

Chia sẻ về những dự định tương lai, Trung tá Lê Văn Quyết cho biết Đồn Biên phòng Huổi Luông sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị, đồng hành với nhân dân bản Hồ Thầu trồng đủ số tre theo dự kiến, bảo đảm tuyệt đối an toàn về mọi mặt; dân chủ, công khai, minh bạch trong sử dụng các nguồn kinh phí thực hiện mô hình; phối hợp giúp đỡ người dân chăm sóc tre.

"Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho UBND xã thành lập tổ tự quản, xây dựng quy chế quản lý mô hình để thực hiện bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả; liên hệ đầu ra cho sản phẩm măng tre Bát Độ, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả đời sống của nhân dân khu vực biên giới. Đây cũng là sự tri ân sâu sắc đối với nhân dân các dân tộc trên biên giới đã luôn đồng hành, sát cánh, đùm bọc, giúp đỡ Bộ đội Biên phong trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới', Trung tá Lê Văn Quyết nói.

Trên cơ sở đánh giá hiệu quả của mô hình, Đồn Biên phòng Huổi Luông sẽ tiếp tục nghiên cứu báo cáo tham mưu cho Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; huyện ủy, UBND huyện Phong Thổ mở rộng mô hình trên các đoạn biên giới thuộc huyện Phong Thổ và tuyến biên giới tỉnh Lai Châu.

Không chỉ tại Lai Châu, mô hình "lũy tre biên giới" đang được hình thành dọc tuyến biên giới Lạng Sơn, Quảng Ninh, không chỉ tạo nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển mà còn góp phần khẳng định chủ quyền lãnh thổ, bảo đảm an ninh, quốc phòng ngày càng vững chắc.

Bộ đội Biên phòng triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới - Ảnh: VGP/Hoàng Giang

Sát cánh cùng nhân dân, xây dựng "biên giới lòng dân" vững mạnh

Theo Bộ Tư lệnh Bội đội Biên phòng, trong những năm qua, cùng với việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, Bộ đội Biên phòng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình, việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần xây dựng khu vực biên giới vững mạnh; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Qua đó, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và quân đội; giúp nhân dân yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống, gắn bó với địa bàn biên giới, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, nền biên phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng, do nhiều nguyên nhân, đời sống nhân dân ở khu vực biên giới còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội còn chậm phát triển. Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh xác định: Triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, lâu dài và rất quan trọng của Bộ đội Biên phòng.

Theo đó, Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền rà soát, đánh giá cụ thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề ra chủ trương, giải pháp và đề xuất phương án đầu tư, hỗ trợ phù hợp, hiệu quả trong từng giai đoạn.

Đồng thời, triển khai thực hiện các chương trình phối hợp hướng về đồng bào khu vực biên giới, như: Chương trình "Bò giống giúp người nghèo biên giới", đã trao tặng 25.098 con bò giống cho người nghèo, với tổng giá trị trên 376 tỷ đồng; chương trình "Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản" được tổ chức dịp Tết Nguyên đán hằng năm với kinh phí tổ chức trên 107 tỉ đồng; chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương", huy động hơn 150 tỉ đồng hỗ trợ các hoạt động mô hình sinh kế, vốn khởi nghiệp, công trình dân sinh, sổ tiết kiệm, chăn nuôi gia súc,… qua đó, trực tiếp góp phần tạo nền tảng để nhân dân vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

Thực hiện phương châm "3 bám, 4 cùng" (bám đơn vị; bám địa bàn; bám chủ trương, chính sách và cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào), Bộ đội Biên phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân khu vực biên giới chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm, thủy, hải sản, trồng các loại cây công, nông nghiệp có giá trị kinh tế cao. Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tham gia cùng chính quyền và bà con nhân dân thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng cường trồng và bảo vệ rừng, tạo vành đai xanh biên giới.

Cùng chung vai gánh vác những công việc của địa phương, bằng trách nhiệm, tình cảm, năng lực và hiệu quả công tác, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã thể hiện rõ phẩm chất cao quý "Bộ đội Cụ Hồ", thực sự là chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới, góp phần xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, tiềm lực quốc phòng, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, quân đội và cấp ủy, chính quyền các cấp; xây dựng biên giới lòng dân vững mạnh.

Hoàng Giang

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/nhung-vanh-dai-xanh-hang-rao-mem-noi-bien-cuong-102230302194205462.htm