Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 6)

Tiền thân là Trạm Biên phòng 27, trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Xa Mát, BĐBP Tây Ninh đã không ngừng phấn đấu, giữ vững bản chất cách mạng, truyền thống vẻ vang của đơn vị anh hùng, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bài 6: Xa Mát - “Lũy thép” nơi cửa ngõ biên giới

Đơn vị Biên phòng đầu tiên được thành lập ở miền Nam

Trước yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, ngày 27/1/1973, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam quyết định thành lập Trạm Biên phòng 27 (tiền thân của Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát) và Trạm Biên phòng 73 (Đồn Biên phòng Lò Gò ngày nay) thuộc Đoàn 180, Ban An ninh vũ trang miền Nam. Đây là 2 trạm Biên phòng đầu tiên của miền Nam lúc bấy giờ.

Sơ đồ trận đánh Pol Pot của Đồn CANDVT Xa Mát từ ngày 25/9 đến ngày 5/10/1977. Ảnh: Đăng Bảy

Theo Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, cựu cán bộ Đoàn 180 An ninh vũ trang: Trạm Biên phòng 27 ra đời với danh nghĩa là cửa khẩu quốc tế đầu tiên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Ngoài vinh dự được đón tiếp các vị khách mời tham dự Hội nghị 4 bên, các hội nghị của lực lượng hòa giải dân tộc, Trạm Biên phòng 27 còn có nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Mặt trận giải phóng; bảo vệ, giúp đỡ chính quyền và nhân dân... Sau ngày 30/4/1975, đất nước độc lập và thống nhất, Trạm Biên phòng 27 được bàn giao cho Ban Chỉ huy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Tây Ninh quản lý và đổi tên thành Đồn CANDVT Xa Mát (nay là Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát, BĐBP Tây Ninh).

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy đầu tiên của BĐBP Tây Ninh: “Lúc mới thành lập, đơn vị còn nhiều khó khăn, phần lớn cán bộ, chiến sĩ phải ở nhờ trong nhà dân. Công việc thì bộn bề, anh em vừa chiến đấu, công tác, vừa tranh thủ xây dựng doanh trại. Ngay từ lúc đó, Trạm Biên phòng 27 đã phải đối phó với sự đe dọa, khiêu khích của quân Pol Pot. Nhưng với tinh thần tự lực tự cường, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ, được cấp trên đánh giá cao. Đó là đã bảo vệ an toàn khu căn cứ, tham gia chiến đấu, diệt ác, phá kìm, mở rộng vùng giải phóng, giữ vững an ninh trật tự trong địa bàn, phá nhiều vụ án, bắt nhiều toán cướp có vũ trang; giúp đỡ địa phương xây dựng, củng cố chính quyền, đoàn thể cách mạng”...

Đại tá Nguyễn Hoàng Sa nhớ lại, cuối năm 1976, quân Pol Pot tăng cường các hoạt động khiêu khích, xâm nhập biên giới nước ta. Chúng triển khai một lực lượng quân sự lớn áp sát biên giới đối diện với tỉnh Tây Ninh. Đêm 24, rạng ngày 25/9/1977, chúng đã huy động một lực lượng quân sự quy mô cấp sư đoàn, có pháo binh yểm trợ, đồng loạt tấn công các đồn Biên phòng của Tây Ninh như: Xa Mát, Chàng Riệc, Tân Phú và Long Phước. Ác liệt nhất là ở khu vực Đồn Biên phòng Xa Mát...

Suốt nhiều ngày đêm liên tục, tuy bị địch bao vây 4 phía trong điều kiện hết sức ngặt nghèo, công sự bị ngập nước, đạn dược, lương thực cạn kiệt..., nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Xa Mát bằng những kinh nghiệm chiến đấu, với cách đánh chủ động, vận dụng sáng tạo chiến thuật linh hoạt; hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ với các lực lượng bạn, tạo thành “lũy thép” trên biên giới, đẩy lùi các đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa.

Anh hùng trong chiến đấu

Các liệt sĩ Đồn CANDVT Xa Mát ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn mới ngoài 20. Trẻ nhất là Binh nhất Nguyễn Vũ Điền, sinh năm 1960, quê ở xã Hạnh Phúc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Anh hy sinh ngày 24/1/1978 khi mới 18 tuổi và 8 tháng tuổi quân. Tuổi thanh xuân của các liệt sĩ Đồn CANDVT Xa Mát đã hóa thành bất tử vì sự bình yên của vùng biên giới Tây Ninh.

Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Phó Tư lệnh BĐBP, nguyên Chỉ huy phó về Chính trị BĐBP Tây Ninh kể: “Lúc đó, Đồn CANDVT Xa Mát có 51 cán bộ, chiến sĩ, được biên chế thành 4 bộ phận, trang bị vũ khí chủ yếu là các loại súng bộ binh và một số hỏa lực như cối 82, cối 60, B40. Cùng chiến đấu trong khu vực biên giới do đồn quản lý, bảo vệ còn có Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn cơ động 2 CANDVT đóng tại khu vực Đập Đá; 2 trung đoàn (201, 9) của Quân khu 7 đóng tại xã Tân Lập”…

Lúc 0 giờ 30 phút, ngày 25/9/1977, địch ồ ạt tấn công vào Đồn CANDVT Xa Mát theo hướng Tây và Tây Nam. Hỏa lực từ các mũi tấn công của địch bắn dồn dập vào nhà chỉ huy và đội kiểm soát. Cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Xa Mát kiên quyết đánh trả, giữ vững trận địa, bám công sự chiến đấu bảo vệ đơn vị tới cùng. Sau 1 giờ tập trung binh lực, hỏa lực tấn công mạnh nhưng vẫn không chiếm được đồn, địch buộc phải rút ra bìa rừng.

Sau khi củng cố lực lượng, địch liên tiếp tổ chức các đợt tấn công, bao vây đồn, đánh chiếm đồn và quốc lộ 22 làm bàn đạp tấn công lấn chiếm sâu vào đất ta. Nhưng các đợt tấn công của chúng đã gặp phải sự đánh trả quyết liệt của cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Xa Mát. Ngày 4/10, được sự chi viện, hỗ trợ của lực lượng phối hợp, đồn đã tổ chức phản công địch trên tất cả các hướng, các khu vực chúng đang chiếm đóng. Ngày 5/10, địch đã bị đánh bật ra khỏi khu vực Xa Mát, Bảy Bàu, Đập Đá...

Chiến sĩ trẻ Đồn Biên phòng CKQT Xa Mát chăm sóc Bia tưởng niệm liệt sĩ của đơn vị. Ảnh: Đăng Bảy

Trong hơn 10 ngày chiến đấu chống trả, đẩy lùi 22 đợt tấn công của lực lượng địch đông gấp bội, trong khi quân số và trang bị vũ khí có hạn, cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Xa Mát luôn nêu cao tinh thần anh dũng chiến đấu, kiên cường bám trụ, quyết tâm bảo vệ đồn đến cùng; dựa vào hệ thống công sự chiến đấu vững chắc, liên hoàn đánh trả địch quyết liệt, tiêu diệt địch. Trong trận chiến đấu ác liệt này, có 13 cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Xa Mát đã anh dũng hy sinh. Đơn vị cũng đã tiêu diệt 114 tên địch, thu 22 súng các loại.

Ghi nhận chiến công anh dũng này, ngày 31/10/1978, Đồn CANDVT Xa Mát đã được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Ngoài ra, còn có 7 tập thể và cá nhân của đơn vị được tặng thưởng Huân chương Chiến công. Năm 1979, Đồn Biên phòng Xa Mát đã vinh dự được đón đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn và đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đến thăm. Đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đã khen ngợi những chiến công xuất sắc của đơn vị và căn dặn cán bộ, chiến sĩ ra sức phát huy truyền thống anh hùng, đề cao cảnh giác, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết với các lực lượng, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Bài 7: Lò Gò - Công sự dưới lòng đất

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-6-post460115.html