Những nhà giáo trẻ say mê đổi mới
Bằng lòng yêu nghề, những nhà giáo trẻ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo để có những giờ học hay, ngày học tốt, giúp học sinh thêm hứng thú với môn học.
Đến với giáo dục bằng niềm đam mê và mang trong mình bầu nhiệt huyết mong muốn được cống hiến, nhiều nhà giáo trẻ đã không ngừng đổi mới, sáng tạo mang lại hiệu quả tích cực trong giảng dạy.
Thầy giáo Đinh Trần Thêu dạy môn vật lý ở Trường THPT Hồng Quang (TP Hải Dương) tích cực đổi mới phương pháp dạy học và đã gặt hái nhiều thành công. Thầy Thêu giành giải nhất và nhì cuộc thi cấp quốc gia vào các năm 2015, 2016 về dạy học liên môn. Hầu hết tiết dạy của thầy không bị khô cứng, một chiều.
Mỗi buổi lên lớp, thầy đều nghiên cứu kỹ sách giáo khoa, tài liệu liên quan để lựa chọn phương pháp, cách tổ chức dạy học tạo hứng thú cho học sinh. Thầy chú trọng dạy theo hướng nghiên cứu bài học, phát triển tư duy, năng lực của học sinh. Trước khi vào tiết học, thầy Thêu thường yêu cầu học sinh chuẩn bị trước kiến thức lý thuyết, thực hành và đồ dùng liên quan. Trên lớp, học sinh đưa ra những ý kiến, hiểu biết của mình, thầy định hướng, giải đáp thắc mắc và chốt lại vấn đề. Do đó, học sinh chủ động tìm tòi kiến thức chứ không còn kiểu "thầy giảng trò ghi" như trước nữa.
Em Nguyễn Trường Huy, học sinh lớp 12 A, Trường THPT Hồng Quang cho biết: "Mỗi tiết học của thầy Thêu, chúng em thấy rất hấp dẫn, làm chủ kiến thức, thông tin tiếp nhận và được tư duy độc lập, tự phân tích, suy luận, phán đoán vấn đề. Nhờ đó chúng em thấy tự tin, có thêm kỹ năng giao tiếp, thuyết trình".
Với mong muốn học sinh không còn tâm trạng uể oải, miễn cưỡng trong giờ học mà thay vào đó là sự hào hứng, vui tươi, nhiều nhà giáo đã tìm tòi sáng tạo để tiết học sinh động, vừa học, vừa chơi. Đây là quan điểm của cô giáo Trần Thị Thu Trang, dạy môn sinh học của Trường THCS Lai Cách (Cẩm Giàng).
Mỗi giờ lên lớp, cô Trang kết hợp linh hoạt phương pháp dạy học mới cùng cách dạy truyền thống phù hợp với đặc thù của môn. Ở mỗi tiết dạy, tùy theo nội dung, có lúc học sinh làm việc theo nhóm, có lúc tự nêu và giải quyết vấn đề, làm thí nghiệm hay tham gia trò chơi. Cô tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học như sử dụng giáo án điện tử, khai thác tài liệu trên internet để làm phong phú bài giảng. Nhờ tích cực đổi mới, cô Trang đã giành giải ba giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và 2 lần công nhận giáo viên giỏi cấp huyện. "Không khí lớp học không còn buồn tẻ, học sinh trở nên hào hứng tham gia phát biểu. Tôi thường liên hệ với sự vật, sự việc, môi trường sống gần gũi, thân thuộc để học sinh tiếp nhận nhẹ nhàng, ghi nhớ sâu hơn", cô Trang nói.
Mặc dù công việc bận rộn, bằng lòng yêu nghề, nhiều giáo viên dành thời gian, công sức để sáng tạo đồ dùng dạy học. Cô giáo Bùi Thị Thiếp dạy môn mỹ thuật ở Trường Tiểu học Quyết Thắng (Ninh Giang) nhiều năm liền là tấm gương về sự sáng tạo, tâm huyết với nghề.
Trong số hàng chục đồ dùng làm ra, cô Thiếp tâm đắc nhất với bộ tranh 3D có 10 chủ đề khác nhau như chúng em với thế giới động vật, thiên nhiên tươi đẹp, tranh chân dung biểu cảm, ước mơ của em, chiếc ô tô mơ ước… Để có bộ tranh này, cô mất gần 2 tháng lựa chọn những bức vẽ của học sinh năm trước, tìm kiếm nguyên vật liệu như vỏ hộp, bìa sách, báo cũ... sau đó cắt, dán, sắp xếp theo từng chủ đề. Từ những bức tranh ngây thơ, ngộ nghĩnh của các em, cô Thiếp đã tạo ra bộ tranh 3D sinh động, đẹp mắt. Bộ tranh này của cô đã giành giải nhất cấp huyện.
Cô giáo Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quyết Thắng nhận xét: "Từ khi có bộ tranh 3D và các đồ dùng khác do cô Thiếp sáng tạo, các tiết học mỹ thuật trở nên hấp dẫn hơn. Bộ tranh của cô đã giúp học sinh biết quan sát, thực hành nhiều hơn, có những bài vẽ sinh động, hấp dẫn. Các em thích thú, hào hứng mỗi khi đến giờ học này. Chất lượng dạy học và phong trào vẽ tranh của trường được nâng lên".
Để có những đổi mới, sáng tạo trong dạy học, các nhà giáo trẻ đã tốn nhiều thời gian, công sức đổi mới phương pháp, truyền tải đến học sinh tốt nhất các kiến thức của bài học. Không chỉ vậy, các giáo viên còn là tấm gương sáng về nỗ lực tự học, tự nghiên cứu. Nhiều người tự bỏ kinh phí theo học các lớp bồi dưỡng về đổi mới phương pháp, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật mới vào dạy học do đơn vị trong và ngoài nước tổ chức. Nhờ đó, mỗi năm, các nhà giáo trẻ có hàng trăm sáng kiến, giải pháp về đổi mới phương pháp, sáng tạo đồ dùng, mang đến niềm say mê, khát khao khám phá, nuôi dưỡng hoài bão cho học sinh. Những phương pháp, kỹ thuật đang được các nhà giáo áp dụng trong giảng dạy cũng là sự tích lũy, chuẩn bị cho việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới sẽ triển khai thời gian tới.