Những luật lệ độc đáo, thú vị

Trên thế giới có không ít những luật lệ, quy định có thể khiến ta không khỏi bật cười vì tính chất kỳ lạ, vui nhộn của chúng. Những chính sách này không chỉ làm cho cuộc sống thêm phần thú vị, mà còn phản ánh nét đặc trưng văn hóa và xã hội của từng quốc gia, đồng thời cho thấy các Chính phủ quan tâm để điều chỉnh cả những vấn đề dân sinh nhỏ nhất.

Nhật Bản: Luật “điều chỉnh vòng eo”

Năm 2008, Nhật Bản đã ban hành Luật Metabo nhằm giảm tỷ lệ béo phì. Quy định của luật rất đơn giản và thú vị: yêu cầu người dân duy trì vòng eo dưới 85cm đối với phụ nữ và 90cm đối với nam giới. Người sử dụng lao động và chính quyền địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra số đo vòng eo hàng năm của 50 triệu công dân trong độ tuổi từ 40 đến 74.

 Luật điều chỉnh vòng eo của Nhật Bản

Luật điều chỉnh vòng eo của Nhật Bản

Luật Metabo xuất phát từ cụm từ “hội chứng chuyển hóa”, vốn được dùng để thay thế từ “béo phì”. Hội chứng chuyển hóa là sự kết hợp của các vấn đề về cholesterol, triglyceride, huyết áp cao và lượng đường trong máu cao. Nó có khả năng dẫn đến đột quỵ, đau tim và tiểu đường.

Những cá nhân không vượt qua được cuộc kiểm tra số đo vòng eo hàng năm sẽ phải tham gia một loạt buổi tư vấn, hỗ trợ động viên, theo dõi qua điện thoại và thư điện tử. Ngoài ra, nếu có hơn một tỷ lệ phần trăm nhất định nhân viên vượt quá giới hạn vòng eo, người sử dụng lao động sẽ phải chịu thuế.

Phần Lan: Cuộc thi "mang lại hạnh phúc"

Một trong những truyền thống của Phần Lan là các thành phố thường thi đua xem nơi đâu người dân cảm thấy hài lòng với cuộc sống nhất. Đây là sáng kiến nhằm thúc đẩy phúc lợi, tinh thần cộng đồng và hạnh phúc cho người dân trên khắp cả nước. Cuộc thi hạnh phúc, tiếng Phần Lan gọi là “Onnellisuus Kilpailu”, khuyến khích các thành phố thực hiện nhiều chính sách và hoạt động nâng cao chất lượng cuộc sống cho cư dân của mình. Sáng kiến này phù hợp với danh tiếng của Phần Lan là một trong những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, luôn được xếp hạng cao trong Báo cáo Hạnh phúc thế giới. Năm 2023, báo cáo này đã vinh danh Phần Lan là quốc gia hạnh phúc nhất trong 6 năm liên tiếp.

 Phần Lan là nhiều năm được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Phần Lan là nhiều năm được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới

Cuộc thi đánh giá các thành phố dựa trên nhiều tiêu chí khác nhau, bao gồm hỗ trợ xã hội, quản trị, môi trường, kinh tế, khả năng di chuyển, kết nối xã hội... Mục tiêu là tạo ra một cuộc thi thân thiện thúc đẩy chính quyền địa phương ưu tiên chính sách vì hạnh phúc và phúc lợi của người dân. Bên cạnh đó, sự kiện này cũng giúp thúc đẩy công bằng xã hội khi các thành phố được khuyến khích giải quyết bất bình đẳng và loại trừ xã hội, bảo đảm cho tất cả cư dân, bất kể xuất thân hay tình trạng kinh tế - xã hội, đều có thể tận hưởng chất lượng cuộc sống cao.

Thực tế, các thành phố như Helsinki, Lappeenranta và Oulu đã được ghi nhận vì những nỗ lực của họ trong việc cải thiện dịch vụ công, tăng cường không gian xanh và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để tăng mức độ hạnh phúc.

Canada: “Xin lỗi” được đưa vào luật

Luật Xin lỗi ở một số bang của Canada cho phép cá nhân xin lỗi mà lời xin lỗi này không bị coi là sự thừa nhận lỗi lầm hoặc trách nhiệm pháp lý trong các thủ tục tố tụng. Mục tiêu là khuyến khích mọi người giao tiếp cởi mở, bày tỏ sự hối tiếc hoặc thông cảm mà không sợ hậu quả pháp lý.

Được ban hành lần đầu tiên tại tỉnh bang cực Tây British Columbia vào năm 2006, luật này tiếp tục được áp dụng ở bang Manitoba vào năm 2008 và bang Ontario vào năm 2009. Kể từ đó, hầu hết các tỉnh và vùng lãnh thổ của Canada, ngoại trừ Yukon, đã thông qua luật tương tự.

Theo giới quan sát, Luật Xin lỗi đặc biệt có lợi trong những lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, nơi các chuyên gia có thể xin lỗi về bất kì sự kiện bất lợi nào mà không sợ lời xin lỗi đó bị sử dụng để chống lại họ trong vụ kiện tại tòa án.

UAE thành lập Bộ Khoan dung

Năm 2016, UAE đã công bố Chương trình Khoan dung quốc gia và thành lập Bộ Khoan dung, do ông Sheikh Nahyan bin Mubarak Al Nahyan làm Bộ trưởng. Bộ này, sau đó được đổi thành Bộ Khoan dung và cùng tồn tại, có trách nhiệm khuyến khích lòng khoan dung và cùng tồn tại hòa bình về tôn giáo giữa nhiều cộng đồng bản địa và hải ngoại trong nước. Trong quá trình hoạt động của mình, Bộ tổ chức nhiều chương trình, sự kiện giúp thúc đẩy sự tôn trọng, hòa hợp và hiểu biết lẫn nhau giữa người dân trong xã hội đa văn hóa của UAE.

Bên cạnh Bộ Khoan dung và cùng tồn tại, năm 2018, Ủy ban quốc gia tối cao về khoan dung của UAE cũng được thành lập với nhiệm vụ thực thi các cột trụ: thúc đẩy lòng khoan dung trong cộng đồng, giáo dục, nơi làm việc, văn hóa, luật pháp và phương tiện truyền thông. Mục tiêu là củng cố UAE như là thủ đô toàn cầu về văn hóa, nơi đối thoại giữa các nền văn hóa và văn minh.

Đức: Dùng gối đánh nhau bị coi là hành vi tấn công

Đức luôn coi trọng sự toàn vẹn về thể chất của cá nhân và chú trọng bảo vệ cá nhân khỏi mọi hình thức tiếp xúc vật lý không mong muốn, bất kể trong bối cảnh nào.

Do đó, mặc dù nghe có vẻ hài hước hay cường điệu, việc chỉ định hành động đánh nhau bằng gối là hình thức tấn công là khía cạnh thú vị trong hệ thống pháp luật của nước này. Khái niệm pháp lý về "tấn công" (Körperverletzung) theo Bộ luật Hình sự Đức được định nghĩa rộng rãi. Khái niệm này bao gồm bất kỳ hành vi nào gây thương tích hoặc tổn hại về thể chất cho người khác, ngay cả khi tổn thương đó là nhỏ, hoặc người thực hiện hành động "tấn công" chỉ mang tính đùa vui hoặc không mang tính đe dọa.

Trong khi đó, định nghĩa pháp lý về thương tích cho cơ thể không chỉ bao gồm các thương tích nghiêm trọng mà còn bao gồm các tác động vật lý nhỏ có thể gây đau đớn hoặc khó chịu. Theo cách giải thích chặt chẽ này, về mặt kỹ thuật, "đánh nhau bằng gối" có thể được coi là hình thức tấn công nếu một người tham gia đánh người khác bằng gối theo cách gây đau đớn hoặc thương tích, ngay cả khi thương tích là tối thiểu, chẳng hạn như bầm tím. Những người đưa ra quy định này cho rằng, việc sử dụng gối liên quan đến tiếp xúc vật lý của hành vi cố ý gây thương tích, do đó đáp ứng định nghĩa pháp lý về hành vi gây thương tích cho cơ thể.

Anh: Chó nghiệp vụ phải có tên

Ở xứ sở sương mù, chó nghiệp vụ đóng vai trò quan trọng trong quá trình thực thi pháp luật và tên của chúng được chọn để phản ánh nhiệm vụ nghiêm túc và hình ảnh chuyên nghiệp của “lực lượng cảnh sát bốn chân”. Thực tế này bảo đảm cho các chú chó được nhìn nhận với sự tôn trọng và thẩm quyền mà chúng xứng đáng được hưởng.

 Chú chó nghiệp vụ có tên Olly ở Anh

Chú chó nghiệp vụ có tên Olly ở Anh

Chó nghiệp vụ thường được đặt tên thể hiện sức mạnh, lòng trung thành và thẩm quyền, phản ánh các giá trị cốt lõi và sứ mệnh của lực lượng cảnh sát, chẳng hạn như “Công lý”, “Dũng mãnh” hoặc “Tia chớp”…

Vì thế, Anh có một quy tắc bất thành văn là không đặt những cái tên quá dễ thương hoặc kỳ lạ cho chó nghiệp vụ. Thực tế, tên của những chú chó này đôi khi trở thành trung tâm chú ý của công chúng, đặc biệt là nếu chúng tham gia vào các vụ án nổi cộm. Một cái tên nghe có vẻ mạnh mẽ, chuyên nghiệp có thể giúp củng cố nhận thức của công chúng về chó nghiệp vụ như một phần không thể thiếu và có năng lực của lực lượng cảnh sát. Ngược lại, một cái tên có vẻ quá nhẹ nhàng, mang tính giải trí, mặc dù có thể thu hút sự chú ý của giới truyền thông và bình luận hài hước, có thể làm giảm bản chất nghiêm túc trong công việc của chú chó.

Linh Anh (Tổng hợp)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nhung-luat-le-doc-dao-thu-vi-post403903.html