Những chiến binh áo trắng giữa vùng chiến sự

Bất chấp hiểm nguy và gian khổ, các bác sĩ tình nguyện tại vùng chiến sự Gaza vẫn chọn sát cánh cùng người dân đang từng ngày chịu đau thương ở dải đất ngập trong khói lửa này.

Bác sĩ Ahlia Kattan hiện làm việc tình nguyện tại bệnh viện Châu Âu ở ngoại ô TP Rafah – một trong những bệnh viện cuối cùng vẫn còn hoạt động ở miền nam Gaza. Cô là bác sĩ gây mê và chuyên gia chăm sóc tích cực, theo đài CNN.

Bác sĩ Kattan là một trong nhiều bác sĩ người Mỹ bị mắc kẹt ở Gaza sau khi lực lượng Israel đưa quân vào Rafah vào tuần trước.

“Hôm nay các con tôi đã nhắn tin cho tôi nhắc tôi rằng hôm 14-5 tôi nói là tôi sẽ về nhà. Tổ chức Y tế Thế giới ((WHO) đang cố gắng đàm phán để chúng tôi được rời khỏi đây an toàn. Và nó không xảy ra” – cô nói.

Cửa khẩu Rafah đã bị đóng cửa kể từ khi lực lượng Israel chiếm giữ khu vực này vào đầu tuần trước. Cho đến thời điểm đó, Rafah là con đường duy nhất giúp các nhân viên cứu trợ nước ngoài vào và ra khỏi Gaza.

Các quan chức Israel và Ai Cập cho biết đến nay, các bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận mở lại cửa khẩu này. Trong khi đó, hàng chục bác sĩ tình nguyện ở Gaza đang bị mắc kẹt tại dải đất, trong khi những nhân viên cứu trợ khác không thể vào được dù cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây hiện rất tồi tệ.

 Cô Ahlia Kattan và chồng đều là bác sĩ tình nguyện ở Gaza. Ảnh: FAJR SCIENTIFIC

Cô Ahlia Kattan và chồng đều là bác sĩ tình nguyện ở Gaza. Ảnh: FAJR SCIENTIFIC

Những bác sĩ tình nguyện ở Gaza

FAJR Scientific, tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ, đã đưa cô Kattan và 16 bác sĩ khác đến Gaza.

Hai tuần trước, bác sĩ Kattan và chồng cô (cũng là bác sĩ gây mê) đã đến Gaza sau khi xem những thước phim ghi lại cảnh đau khổ mà người dân Gaza phải chịu đựng. Cô Kattan và chồng cho rằng họ có thể giúp sức để giảm bớt nỗi đau của người dân nơi đây.

“Chúng tôi biết rằng dân thường ở đây, phụ nữ và trẻ em, cần có bác sĩ gây mê. Và chúng tôi biết mình có khả năng giúp họ” – bác sĩ Kattan nói.

FAJR Scientific cũng đã ghi lại nhật ký video về trải nghiệm của các bác sĩ tình nguyện tại Gaza, về những gì họ phải trải qua tại bệnh viện Châu Âu.

Trong một video, y tá Laura Swoboda – chuyên gia về vết thương – cho biết cô nghe thấy tiếng ồn ào của máy bay không người lái trên đầu.

“Ngay cả trong những thời điểm mà chúng ta cảm thấy an toàn, xung đột vẫn tiếp diễn và có khả năng bạo lực sẽ tái diễn” – cô nói.

Tuy nhiên, tình trạng nguy hiểm không chỉ xảy ra ở bên ngoài bệnh viện.

“Trước khi đến đây, chúng tôi không hề biết tình hình ở đây nghiêm trọng đến mức nào. Không có xà phòng để rửa tay, không có khăn lau khử trùng để lau bàn sau khi điều trị cho mỗi bệnh nhân” – y tá Swoboda nói.

Để đảm bảo vệ sinh, bác sĩ Kattan phải dùng một bộ quần áo bảo hộ để trải lên bàn mổ. Tại đây, các bác sĩ cũng không đủ thuốc gây mê để điều trị cho bệnh nhân.

“Mọi người cứ thế bước vào, hết người này đến người khác. Chúng tôi hết bông băng để lau vết thương. Chúng tôi đã hết băng gạc. Chúng tôi đã dùng qua tất cả loại chất tẩy rửa. Chúng tôi đang sử dụng bất cứ thứ gì có thể có vào thời điểm này [để giữ vệ sinh cho khu vực chữa bệnh]” – cô Kattan nói.

 Bác sĩ tình nguyện ở Gaza thực hiện ca phẫu thuật tại bệnh viện Châu Âu (nam Gaza). Ảnh: SKY NEWS

Bác sĩ tình nguyện ở Gaza thực hiện ca phẫu thuật tại bệnh viện Châu Âu (nam Gaza). Ảnh: SKY NEWS

Dằn vặt về hay ở

FAJR Scientific hoạt động dưới sự bảo trợ của WHO. Tổ chức này đang kêu gọi chính phủ Mỹ giúp đưa các bác sĩ tình nguyện ra khỏi Gaza an toàn.

Ông Mosab Nasser – giám đốc điều hành của FAJR Scientific và cũng đang ở Gaza – cho biết: “Tôi đang đề nghị chính phủ Mỹ can thiệp và phối hợp với WHO để bảo vệ các công dân Mỹ bị mắc kẹt trong vùng chiến sự, và đưa họ về nhà càng sớm càng tốt”.

FAJR Scientific đã đưa đến Gaza 17 bác sĩ, trong đó có 12 công dân Mỹ, 3 công dân Anh, 1 người Oman và 1 người Ai Cập. Ông Nasser cho biết 1 thành viên trong nhóm bác sĩ này cần phải sơ tán ngay vì lý do y tế.

Ngoài phái đoàn y tế của FAJR Scientific, một phái đoàn y tế quốc tế khác cũng đang có mặt tại bệnh viện Châu Âu. Phái đoàn này do Hiệp hội Y khoa Mỹ-Palestine (PAMA) lập nên. Trong số 19 thành viên của phái đoàn y tế PAMA, có 10 người là công dân Mỹ.

Bác sĩ Kattan cho biết các bác sĩ tình nguyện trong phái đoàn của FAJR Scientific đều biết những rủi ro có thể xảy ra khi đi đến vùng chiến sự Gaza. Tuy nhiên, họ chưa từng nghĩ sẽ phải mắc kẹt tại dải đất này.

Giờ đây, thâm tâm bác sĩ Kattan bị giằng xé giữa mong muốn được trở về nhà với các con và cảm giác tội lỗi khi cố gắng rời khỏi Gaza vào thời điểm này, trong bối cảnh lực lượng Israel có thể mở rộng cuộc tấn công và nhu cầu về nhân viên y tế dự kiến tăng lên.

“Chỉ là tôi nhớ các con. Khi tôi thức dậy vào buổi sáng và nhận ra chúng không ở bên cạnh mình. Rồi cuối cùng, tôi sẽ về nhà và được an toàn. Và tôi biết rằng các con tôi được an toàn. Tôi đã có rất nhiều bạn bè ở đây, những người bằng tuổi tôi và có những đứa con bằng tuổi con tôi. Họ không có những điều kiện an toàn cũng như không được đáp ứng những nhu cầu cơ bản” – cô nói.

Sau hơn 2 tuần chứng kiến sự căng thẳng tột độ tại bệnh viện Châu Âu, bác sĩ Kattan nói rằng cô và các đồng nghiệp chỉ muốn rời Gaza, nếu có các bác sĩ khác thay thế.

“Chúng tôi là những người cha, người mẹ muốn về nhà với gia đình, những đứa con trai và con gái của chúng tôi. Nhưng đồng thời, chúng tôi là những bác sĩ ở đây, chúng tôi có những đồng nghiệp và chúng tôi không thể bỏ rơi họ” - bác sĩ Kattan chia sẻ.

KHOA ĐIỀM

Nguồn PLO: https://plo.vn/nhung-chien-binh-ao-trang-giua-vung-chien-su-post791073.html