Những biến chứng thường gặp do táo bón

Bác sĩ Nguyễn Hoài Thu (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết, nếu thỉnh thoảng bạn bị táo bón là chuyện bình thường nhưng nếu phải đối phó với các triệu chứng trong hơn 3 tháng thì tình trạng táo bón của bạn đã trở thành mạn tính.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Táo bón mạn tính có thể do thuốc hoặc vấn đề sức khỏe như rối loạn hormone tuyến giáp, bệnh Parkinson hoặc chấn thương tủy sống. Các vấn đề về cấu trúc và chức năng ruột như nhu động ruột kém và rối loạn chức năng sàn chậu cũng có thể gây ra táo bón mạn tính.

Nguyên nhân phổ biến gây táo bón mạn tính là do hội chứng ruột kích thích (IBS). Đôi khi, một số trường hợp táo bón mạn tính không rõ nguyên nhân. Khi bạn bị táo bón, cơ thể bạn không thể loại bỏ kịp thời các chất thải và làm tăng nguy cơ gặp phải các biến chứng tại phần hậu môn trực tràng.

Sau đây là 4 biến chứng thường gặp ở người bị táo bón mạn tính.

Bệnh trĩ

Bệnh trĩ gồm có trĩ nội và trĩ ngoại, được chia làm 4 độ tùy theo mức độ sa ra khỏi hậu môn và khả năng co rút đẩy ngược vào trong. Trĩ có thể gây ngứa và gây đau, đặc biệt trĩ có thể gây chảy máu tươi khi bạn đi đại tiện. Đôi khi máu có thể đọng lại bên trong trĩ, gây ra cục u cứng, gây đau nhiều.

Nứt hậu môn

Đi ngoài phân cứng hoặc rặn khi đi ngoài có thể làm rách mô xung quanh hậu môn. Những vết rách này là nứt kẽ hậu môn và thường gây ngứa, đau và chảy máu. Các triệu chứng của nứt kẽ hậu môn khiến việc đi vệ sinh trở nên khó khăn hơn càng khiến tình trạng táo bón trở nên tồi tệ hơn và tạo thành một vòng xoắn bệnh lý, nếu không được điều trị kịp thời. Điều này thường xảy ra ở trẻ em nhịn đi vệ sinh vì sợ đau.

Tuy nhiên, các vết rách hậu môn thường rất nhỏ, như khi tăng kích thước sẽ ảnh hưởng đến vòng cơ ở lỗ hậu môn, loại nứt hậu môn này khó lành hơn. Bạn cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật để khắc phục vấn đề. Điều đáng lưu ý là tình trạng nứt kẽ hậu môn rất dễ tái phát.

Tắc phân

Khi bạn không thể tống phân ra khỏi cơ thể, phân có thể bắt đầu dính lại với nhau trong ruột. Khối phân cứng sẽ bị kẹt lại và gây tắc nghẽn. Đôi khi việc rặn không thể đẩy phân ra khỏi cơ thể vì phân quá to và cứng. Tắc phân có thể gây đau và nôn. Bạn có thể phải đến phòng cấp cứu để điều trị. Trẻ em và người lớn tuổi thường dễ gặp phải tình trạng này hơn.

Chứng sa trực tràng

Trực tràng là phần cuối cùng của ruột già, kết thúc ở hậu môn. Khi bạn liên tục rặn để đi ngoài, trực tràng có thể giãn ra và trượt ra ngoài cơ thể. Đôi khi chỉ một phần trực tràng bị sa ra ngoài, nhưng có lúc toàn bộ trực tràng bị sa xuống. Sa trực tràng thường gây đau và có thể gây chảy máu. Đôi khi khó có thể biết bạn bị sa trực tràng hay bị trĩ, vì cả hai đều gây ra tình trạng lồi ra khỏi hậu môn nhưng chúng là 2 tình trạng khác nhau, cần được điều trị khác nhau.

Theo bác sĩ Hoài Thu, nếu bạn bị táo bón mạn tính hãy điều trị sớm, tránh để biến chứng, không tốt cho sức khỏe.

Linh An

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nhung-bien-chung-thuong-gap-do-tao-bon-20250506190917156.htm