Nhức nhối tình trạng thanh thiếu niên phạm pháp (Bài cuối: Người chưa thành niên phạm tội - người lớn cũng sai)
Bộc phát tuổi mới lớn
Bộc phát tuổi mới lớn
Mới đây, CAQ Sơn Trà (Đà Nẵng) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về hành vi “Chống người thi hành công vụ” và “Gây rối trật tự công cộng” đối với nhóm đối tượng trong vụ đua xe trái phép khiến 2 chiến sĩ Công an làm nhiệm vụ hy sinh. Điều đáng nói, trong nhóm đối tượng trên có tới 3 đối tượng chưa đủ 18 tuổi và 2 đối tượng khác chưa đủ 16 tuổi.
Nói về hành vi của nhóm thanh thiếu niên gây ra cái chết của 2 chiến sĩ Công an, bà Đoàn Thị Thảo Ly- Tổ trưởng tổ dân phố 41, P. Phước Mỹ (Q. Sơn Trà) cho hay, ngoài sự bộc phát của tuổi mới lớn thì điều đáng trách là những bậc làm cha, làm mẹ đã không quản lý con cái nghiêm ngặt. Trong lúc cả thành phố đã thực hiện cách ly toàn xã hội để phòng chống dịch Covid-19 mà để các em lêu lổng ngoài đường, vi phạm pháp luật là điều không thể chấp nhận được.
Khi người lớn, bậc làm cha mẹ cũng mất đi sự chuẩn mực, mơ hồ giữa đúng, sai cộng thêm với sự bồng bột của cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” cũng là lúc những đứa trẻ lầm đường lạc lối. Câu chuyện của Hoàng Vũ Tr. (2001, trú Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) là một ví dụ.
Tr. bỏ nhà đi lang thang vì mâu thuẫn với gia đình trước khi thi tốt nghiệp lớp 12, Hoàng Vũ Tr. chọn bệnh viện Đà Nẵng làm nơi để tá túc qua đêm. Trong lúc ngủ say, Tr. bị trộm lấy mất điện thoại và ví tiền. Bị đẩy vào thế khó nhưng Tr. không quay về nhà mà quyết định tiếp tục sống lang thang. Tr. làm liều trộm lại của người khác. Ban ngày “cày” game ở các tiệm Internet, đến bữa thì trở lại bệnh viện để ăn cơm từ thiện. Đến khuya 19-7-2019, Tr. bị phát hiện và bắt giữ khi vừa trộm điện thoại tại bệnh viện Đà Nẵng.
Trước đó, trong vòng 1 tháng, Tr. thực hiện 5 vụ trộm, lấy được 8 điện thoại di động đem bán lấy tiền tiêu xài. Khi hỏi, vì sao người nhà không tìm em để khuyên nhủ em về? Tr. trả lời vì mất điện thoại nên người thân không thể liên lạc được với Tr., bản thân Tr. cũng mất sạch số điện thoại của gia đình. Khi được hỏi vì sao không tự trở về nhà, Tr. lí nhí nói: “Vì sĩ diện nên không muốn về!”. Tr. cũng nói thêm, em không biết hành vi trộm điện thoại của mình là vi phạm pháp luật.
Những “giao liên” trẻ tuổi
Do sự thiếu hiểu biết của người chưa thành niên nên sự giáo dục, bày vẽ của người lớn có ý nghĩa là “kim chỉ nam” trong định hướng hành vi, cách cư xử. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít sự việc đáng tiếc xảy ra khi người lớn lợi dụng việc thiếu hiểu biết của con cái, người thân để thực hiện hành vi phạm tội.
Mới 16 tuổi, Bùi Minh Ánh (trú Q. Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã đóng vai trò “shipper” ma túy cho mẹ ruột là Lê Thị Mộng Trinh (1970). Bố mẹ ly dị, Ánh bỏ học nửa chừng và theo mẹ tìm kế sinh nhai. Không được học hành tới nơi, lại không nhận được sự quan tâm từ gia đình, Ánh bắt đầu kết giao với nhiều thành phần ngoài xã hội. Thi thoảng, có người gọi mua ma túy thì bà Trinh gọi về nhà lấy hàng đi giao. Đến ngày 6-9-2019, Đội Cảnh sát ma túy CAQ Hải Châu phát hiện bắt giữ khi Ánh đang đi giao hàng. Mở rộng điều tra, các trinh sát tiếp tục tổ chức lực lượng khám xét khẩn cấp nơi ở của 2 mẹ con Ánh thì phát hiện bà Trinh tàng trữ 30 gói ma túy đá.
Cũng giống như Ánh, Lâm Hồng Quyền (2001, quê Bạc Liêu) lúc bị bắt cũng chưa tròn 18 tuổi. Quyền cũng đóng vai trò là người “giao liên” ma túy. Theo điều tra, Quyền là bà con bên vợ của Đặng Bảo Nguyên (1980, trú Q. Sơn Trà, Đà Nẵng). Nguyên thường xuyên đặt ma túy chuyển từ Nam ra Đà Nẵng tiêu thụ, Quyền sẽ là người trực tiếp vào nhận “hàng” và giao cho Nguyên. Ngày 20-11-2018, khi Lâm Hồng Quyền vừa từ TP Hồ Chí Minh bước chân xuống Ga Đà Nẵng, Đội Cảnh sát ma túy CAQ Hải Châu đã bắt giữ và phát hiện 202 viên thuốc lắc và khoảng 50g ma túy đá.
Tiếp tục điều tra, Công an bắt giữ Đặng Bảo Nguyên cùng 55 viên thuốc lắc. Nguyên khai mua số ma túy trên với giá 70 triệu đồng và nhiều lần lợi dụng Quyền vận chuyển hàng từ TP Hồ Chí Minh về Đà Nẵng để tiêu thụ. Ngày 30-8-2019, TAND TP Đà Nẵng vừa tuyên phạt Đặng Bảo Nguyên 20 năm tù và Lâm Hồng Quyền 14 năm tù, cùng tội “Mua bán trái phép chất ma túy”.
Liên quan đến tội phạm ma túy, theo số liệu thống kê từ năm 2014 đến 2019, CATP Đà Nẵng đã triển khai nhiều đợt ra quân kiểm tra, qua đó phát hiện, xử lý 14.904 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, dưới 18 tuổi là 577 trường hợp (chiếm 3,9%), từ 18 đến 30 tuổi là 12.611 trường hợp (chiếm 84,6%); học sinh – sinh viên có 175 trường hợp (chiếm 1,2%). Các đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy đa phần là không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng không ổn định chiếm tới 98%; tập trung ở độ tuổi từ 18-35 chiếm 78%, đáng chú ý có 35 trường hợp dưới 18 tuổi (chiếm 2,8%), cho thấy xu hướng trẻ hóa của tội phạm ngày càng trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội.
Có thể thấy, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật do trẻ chưa thành niên gây ra tiếp tục diễn biến phức tạp với tính chất, mức độ phạm tội khác nhau, gây nhiều hậu quả khó lường. Hiện nay, các cấp chính quyền, đoàn thể đã và đang có nhiều giải pháp để tuyên truyền, giáo dục người vị thành niên vi phạm pháp luật; chăm lo công tác tái hòa nhập cộng đồng, tư vấn, đào tạo kỹ năng sống và dạy nghề đối với trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật để làm lại cuộc đời.