Nhu cầu thực phẩm Halal đang gia tăng: Cơ hội nào cho doanh nghiệp Việt?

Nhu cầu sử dụng thực phẩm Halal trên thế giới đang tăng lên, do nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn cũng ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal.

Nhu cầu sử dụng thực phẩm Halal đang gia tăng

Theo ông Trần Văn Tân Cương, Giám đốc Công ty Halal quốc gia Việt Nam: Thị trường thực phẩm Halal dành cho người Hồi giáo trên thế giới hiện phục vụ khoảng hơn 2 tỷ người. Đáng chú ý, khu vực Đông Nam Á - Nam Á - Nam Thái Bình Dương là thị trường xuất khẩu tiềm năng của sản phẩm Halal với số dân theo đạo Hồi và sử dụng thực phẩm Halal khoảng 860 triệu người.

Không chỉ vậy, nhiều người không theo đạo Hồi ở những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… cũng ngày càng ưa chuộng sản phẩm Halal, do các sản phẩm này đáp ứng các tiêu chuẩn cao về vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường.

Số doanh nghiệp Việt muốn tham gia khai thác thị trường Halal đang tăng nhanh

Số doanh nghiệp Việt muốn tham gia khai thác thị trường Halal đang tăng nhanh

Trong khi đó, theo Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), người Hồi giáo đã chi 2.000 tỷ USD cho thực phẩm, quần áo, du lịch, dược phẩm và phong cách sống vào năm 2022. Chi tiêu này dự kiến sẽ đạt 2.800 tỷ USD vào năm 2025.

Cũng theo ông Trần Văn Tân Cương, ngày càng có nhiều siêu thị và đại siêu thị đang cho lên kệ hàng các sản phẩm Halal để thu hút người Hồi giáo. Riêng thị trường thực phẩm Halal Đông Nam Á có quy mô 230 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu sản phẩm Halal của Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Ông Hosen Yousof, UVBCH chi hội nhà hàng Việt Nam chia sẻ: Thị trường thực phẩm và đồ uống Halal ở châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ đạt tốc độ tăng trưởng là 5,5% trong giai đoạn 2020 – 2025. Sự tăng trưởng nhanh chóng của dân số Hồi giáo và nhận thức về thực phẩm Halal của những người không theo đạo Hồi là động lực chính cho thị trường thực phẩm và đồ uống Halal phát triển.

Về cơ hội để doanh nghiệp Việt xâm nhập thị trường Halal, ông Trần Văn Tân Cương cho rằng: Việt Nam nằm ở một vị trí rất thuận lợi, nguyên liệu phong phú và giá rẻ. Số doanh nghiệp Việt muốn tham gia khai thác thị trường Halal đang tăng nhanh. Đặc biệt, phát triển công nghiệp Halal sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển sang các thị trường, dịch vụ khác như hoạt động du lịch Halal, Halal Airlines, nhà hàng Halal và khách sạn Halal, logictics Halal...

Khai thác được thị trường Halal, doanh nghiệp sẽ có cơ hội chinh phục những thị trường khó tính hơn

Khai thác được thị trường Halal, doanh nghiệp sẽ có cơ hội chinh phục những thị trường khó tính hơn

Làm gì để khai thác tốt hơn thị trường Halal?

Ông Nguyễn Văn Cảm, Công ty CPV Food Bình Phước - một trong số ít doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đạt chứng nhận chuẩn Halal quốc tế cho biết: Thị trường Halal rất lớn nhưng doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều. Đối với động vật, người Hồi giáo sử dụng rất nhiều thịt gà, nhu cầu thịt gà với người Hồi giáo chỉ sau thủy sản.

Được biết, hiện nay, CPV Food đã bán sản phẩm thịt gà Halal cho nhà hàng khách sạn và các khách du lịch Hồi giáo đến Việt Nam. Đại diện CPV Food cho rằng, khi đạt được chứng nhận Halal thì đã chứng tỏ sản phẩm của doanh nghiệp đã đạt được tiêu chuẩn quốc tế, đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, đồng nghĩa là không có động vật bệnh và chết, không sử dụng hóa chất độc hại, giết mổ nhân đạo... nên sản phẩm cũng dễ dàng tiếp cận với các thị trường tiêu chuẩn cao như châu Âu, dù không phải là Hồi giáo.

Ông Trần Văn Tân Cương cũng cho rằng, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp Halal là hiện nay không có một tiêu chuẩn Halal duy nhất được công nhận trên toàn thế giới. Thiếu số liệu về thương mại Halal; không có phân loại thích hợp của từng sản phẩm Halal theo mã hải quan và khi truy xuất hay tìm kiếm dữ liệu do đó quá trình xuất khẩu doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết chính phủ các nước Hồi giáo xuất khẩu luôn yêu câu có Giấy chứng nhận Halal về các sản phẩm như một yêu cầu bắt buộc.

Ngoài ra còn có rất nhiều cơ quan chứng nhận trên toàn thế giới, trong đó sự công nhận của họ khác nhau từ nước này sang nước khác. Hội đồng Halal thế giới giám sát các cơ quan chứng nhận đã không thể đưa ra một tiêu chuẩn duy nhất cho các thành viên chứng nhận.

Theo đó, đại diện một số doanh nghiệp đã chinh phục thành công thị trường Halal cho rằng: Doanh nghiệp cần cam kết đảm bảo nguyên liệu đầu vào đạt chuẩn Halal, đồng thời duy trì sự đảm bảo tinh khiết của sản phẩm theo yêu cầu của các quốc gia Hồi giáo. Để thuận lợi khi chinh phục thị trường Halal, các doanh nghiệp cũng nên tham khảo ý kiến, xin tư vấn từ các chuyên gia tư vấn, đào tạo tiêu chuẩn về Halal của Việt Nam, như vậy sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các yêu cầu khắt khe của tiêu chuẩn Halal theo tiêu chuẩn quốc tế.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước chinh phục thị trường Halal, ông Trần Văn Tân Cương đưa ra kiến nghị, Chính phủ và các địa phương cần tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Halal tại Việt Nam; phát triển ngành công nghiệp Halal và tích cực khai thác thị trường Halal đầy tiềm năng. Các doanh nghiệp Việt nên quan tâm làm chứng nhận Halal cho sản phẩm của mình để xuất khẩu vào thị trường Halal toàn cầu.

Nhằm khai thác tốt hơn thị trường Halal, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nhu-cau-thuc-pham-halal-dang-gia-tang-co-hoi-nao-cho-doanh-nghiep-viet-322241.html