Nhóm khủng bố Jama'at Nasr al-Islam wal Muslimin trỗi dậy tại Mali
Những năm gần đây, Mali trở thành trung tâm của các hoạt động khủng bố tại khu vực Tây Phi, khi nhóm khủng bố Jama'at Nasr al-Islam wal Muslimin (JNIM), một nhánh của Al-Qaeda tại châu Phi, gia tăng các cuộc tấn công và gây bất ổn diện rộng. Sự trỗi dậy của nhóm này không chỉ đe dọa sự ổn định của Mali mà còn đe dọa toàn bộ khu vực, tạo ra một vòng xoáy bạo lực khiến các quốc gia láng giềng lo ngại.
Sự ra đời của JNIM
Được thành lập vào năm 2017, JNIM là một liên minh của các nhóm thánh chiến Hồi giáo tại Tây Phi và Bắc Phi. Những thủ lĩnh ban đầu của JNIM báo gồm Ansar Dine, al-Mourabitoun, và Front de libération du Macina đều là những đối tượng khủng bố, tất cả đều tuyên bố trung thành với al-Qaeda. Việc hình thành JNIM là một phản ứng đối với sự can thiệp quân sự của quốc tế và nhóm này tiếp tục phát triển, thu hút thêm thành viên và mở rộng hoạt động ra ngoài lãnh thổ Mali.
Theo thời gian, JNIM đã phát triển một loạt các chiến thuật tinh vi, bao gồm các hoạt động khủng bố, đe dọa gây bất ổn đồng thời với những cuộc tấn công quy mô lớn vào quân đội, cơ sở hạ tầng nhằm gây áp lực lên Chính phủ Mali cũng như các lực lượng quốc tế. Theo thống kê của Tổ chức Quan sát nhân quyền (HRW), năm 2023, nhóm này đã thực hiện hơn 600 cuộc tấn công khủng bố tại Mali, giết chết hơn 2.000 người, trong đó phần lớn là dân thường.
Các cuộc tấn công của JNIM không chỉ giới hạn ở Mali mà còn lan rộng ra các nước láng giềng như Burkina Faso và Niger. Theo một báo cáo từ Tổ chức theo dõi khủng hoảng quốc tế (ICG), sự mở rộng này là một phần trong chiến lược của JNIM nhằm gây bất ổn toàn bộ khu vực Sahel, một trong những vùng có nguy cơ cao nhất về an ninh trên thế giới. Báo cáo này cũng nhấn mạnh rằng JNIM đã tăng cường hợp tác với các nhóm khủng bố khác trong khu vực, bao gồm cả chi nhánh của Nhà nước Hồi giáo ở Tây Phi (Islamic State West Africa Province - IS WAP), mặc dù hai tổ chức này có những mâu thuẫn về tư tưởng. Chính việc mở rộng mối quan hệ này đã giúp JNIM nhận được nhiều nguồn tài trợ hơn cho các hoạt động của mình cũng như học được nhiều chiến thuật gây rối để tăng sức ảnh hưởng tại khu vực.
Đe dọa ổn định khu vực
Một trong những lý do khiến cho JNIM hoạt động mạnh trong vòng 2 năm qua đó chính là sự rút lui của quân đội nước ngoài khỏi khu vực. Tháng 5/2021, một lãnh đạo quân đội Mali, tướng Assimi Goita đã lãnh đạo cuộc binh biến, lật đổ Tổng thống Bah Ndaw và tự mình nắm chính quyền.
Sự bất ổn tiềm tàng trong xã hội Mali với những xung đột sắc tộc và tôn giáo đan xen cũng đã bị những kẻ khủng bố lợi dụng. Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu chiến lược Sahel (ISS), JNIM đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các nhóm dân tộc Fulani và Dogon, kích động các cộng đồng này vào tình trạng xung đột lẫn nhau. Việc các nhóm sắc tộc tự xây dựng lực lượng quân đội riêng cũng làm suy yếu khả năng phản ứng của quân đội Mali trên chính lãnh thổ của mình. Các nhóm phiến quân ngày càng lớn mạnh, vượt xa quy mô của những nhóm khủng bố nhỏ lẻ mà trở thành những thế lực thực sự với tham vọng chính trị đáng gờm.
Mới đây nhất, vụ khủng bố hôm 17/9/2024 được JNIM nhận trách nhiệm nhằm thẳng vào một trung tâm huấn luyện của lực lượng cảnh sát Mali khiến 70 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương. Vụ việc cho thấy rõ sự bất lực của các lực an ninh Mali trong việc ngăn chặn nguy cơ khủng bố tại đất nước mình.
Sự bất ổn tại Mali cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quốc gia láng giềng. Burkina Faso và Niger đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ các cuộc tấn công khủng bố kể từ năm 2022, khi các nhóm phiến quân bắt đầu mở rộng hoạt động qua biên giới. Nhiều khu vực phía Bắc của các quốc gia này hiện đang nằm dưới sự kiểm soát hoặc ảnh hưởng của các nhóm phiến quân, làm suy yếu các nỗ lực ổn định khu vực của chính phủ và lực lượng quốc tế. Theo báo cáo từ Liên hợp quốc, hơn 5 triệu người tại Mali và các quốc gia láng giềng đang bị ảnh hưởng bởi xung đột và các hoạt động khủng bố, trong đó hơn 1 triệu người phải di dời. Liên hợp quốc cũng cảnh báo rằng tình hình tại Mali đang trở thành một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới, với hàng nghìn người cần viện trợ khẩn cấp về lương thực và y tế.
Ngoài ra, theo báo cáo của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), số lượng người tị nạn từ Mali đã tăng gấp đôi kể từ năm 2020, với hơn 400.000 người chạy trốn sang các quốc gia láng giềng như Mauritania, Burkina Faso và Niger. Tình trạng này không chỉ gây ra gánh nặng cho các quốc gia tiếp nhận mà còn tạo ra một vòng luẩn quẩn của nghèo đói và bạo lực, khiến những người tị nạn dễ bị chiêu mộ vào các nhóm thánh chiến.
Sự bất lực của cộng đồng quốc tế
Thực tế từ năm 2013, một liên minh quốc tế nhằm ngăn chặn sự phát triển của các lực lượng phiến quân và khủng bố tại Tây Phi đã được thành lập. Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), hiệu quả của các chiến dịch quân sự này “dần giảm sút theo thời gian”. Khi JNIM thích nghi với chiến thuật phi đối xứng và chuyển sang các cuộc tấn công thường dân và lực lượng an ninh địa phương thì sự xuất hiện của các đơn vị quy mô lớn trở nên không còn hiệu quả.
Thêm vào đó, một trong những vấn đề chính đối với các nỗ lực quốc tế là sự thiếu ổn định về chính trị tại Mali. Năm 2021, chính quyền Mali đã chứng kiến cuộc đảo chính quân sự thứ hai trong vòng chưa đầy một năm. Bất ổn chính trị đã làm suy yếu khả năng của chính phủ trong việc đối phó với các nhóm khủng bố. Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc khủng hoảng tại Mali, nhấn mạnh rằng không thể giải quyết vấn đề khủng bố bằng biện pháp quân sự đơn thuần nhưng từ đó cho tới nay, Chính phủ Mali vẫn chưa thể duy trì sự ổn định.
Các chuyên gia an ninh khu vực và quốc tế đều cảnh báo rằng tình hình tại Mali sẽ còn trở nên tồi tệ hơn nếu không có những biện pháp toàn diện nhằm giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Ông Gilles Yabi, chuyên gia tại ICG, nhận định: “Sự phát triển của JNIM là một hệ quả tất yếu của sự thất bại trong việc xây dựng nhà nước tại Mali. Không có một chính phủ mạnh mẽ và hợp pháp, các nhóm thánh chiến sẽ tiếp tục khai thác sự bất ổn để mở rộng ảnh hưởng của mình”.
Bên cạnh đó, bà Corinne Dufka, chuyên gia về nhân quyền tại HRW, cho rằng: “Các cuộc tấn công nhằm vào dân thường của JNIM là một tội ác chiến tranh và cần có những nỗ lực quốc tế mạnh mẽ hơn để đảm bảo rằng các thủ lĩnh của nhóm này phải chịu trách nhiệm trước Tòa án Quốc tế”. Có thể khẳng định, sự trỗi dậy của JNIM và tình trạng khủng bố tại Mali đang đe dọa không chỉ sự ổn định của quốc gia này mà còn toàn bộ khu vực Tây Phi.
Với các cuộc tấn công ngày càng gia tăng và hậu quả nhân đạo nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn, không chỉ dừng lại ở các hoạt động quân sự, mà còn phải tập trung vào việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột như bất bình đẳng, nghèo đói và thất bại trong quản trị xã hội.