Nhớ mãi lời ru
Trong một lần nói chuyện với một người bạn, anh ấy nhắc tôi nên nhín chút thời gian tiếp tục sưu tầm những câu hát ru em. Theo anh, đó là những viên ngọc quý của văn học dân gian hiện nay đang dần dần mai một.
Ngày trước, tôi thích làm công việc này. Tuy nhiên, sau này tôi bận nhiều việc nên công việc này không được duy trì. Nhớ lại ngày trước lúc tôi mới lớn, chuyện bà ru cháu, mẹ ru con bằng những câu ru em vẫn còn ở một số nơi. Ông bà ngoại tôi ngày trước có một “bồ chữ” về văn học dân gian. Ông bà thuộc làu nhiều ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích. Anh chị em tôi được thừa hưởng từ đó nên chuyện yêu thích văn thơ đã bắt đầu nhen nhúm trong lòng. Tôi vẫn còn nhớ những câu hát ru em êm đềm của ông bà tôi ru từng đứa cháu ngủ:
“Má ơi đừng đánh con đau
Để con hát bội làm đào má coi”
Tiếng ru là hình ảnh sống động gợi lên tình dân tộc. Cảm ơn những “thi sĩ bình dân” đã sáng tạo nên những vần điệu rất đặc sắc. Tôi đã được học ở đây bài học vỡ lòng về tình yêu quê hương, đất nước. Cảm nhận được nét đẹp của quê hương từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng thân thuộc như: bến nước, chiếc cầu tre lắc lẻo, cánh đồng lúa vàng... Tiếng ru là kỷ niệm rất khó quên. Lần lượt từng đứa cháu luôn nhận được sự yêu thương của ông bà, tình cảm thật gắn bó. Nhờ sự giáo dục của ông bà ngoại, các cháu được học những điều hay lẽ phải. Đó là hạnh phúc mà sau này tôi mới cảm nhận được khi ông bà không còn nữa. Tiếng ru năm nào vẫn còn văng vẳng bên tai:
“Con cá đối nằm trong cối đá
Con chim đa đa nó đậu nhánh đa đa
Chồng gần em không lấy, em lấy chồng xa
Mai sau cha yếu mẹ già
Chén cơm, đôi đũa, bộ kỷ trà ai nâng?”
Trong những lần cúng giỗ ông bà ngoại, chị em chúng tôi thường hay nhắc những sự việc của người thân lúc còn sống. Riêng tôi nhớ nhất hình ảnh ông bà tôi hay ngồi trên bộ ván đưa võng ru ngủ các cháu bằng lời ru mộc mạc với tất cả tình cảm thân thiết dành cho các cháu.
Hiện nay trong đời sống xã hội, cảnh bà ru cháu hay mẹ ru con đã trở thành chuyện hiếm hoi. Không những ở các đô thị ngay cả nhiều vùng nông thôn cũng như thế. Văn chương bình dân chủ yếu truyền qua miệng. Do điều kiện hạn hẹp nên không được lưu giữ đầy đủ nên một số đã thất truyền. Nhiều tinh hoa của ca dao, tục ngữ mất đi theo những người đã mất.
Thỉnh thoảng tôi thích hoài niệm những chuyện cũ, nhớ kỷ niệm xưa mà mình đã sống qua trong thời thơ ấu. Tôi cứ ngỡ tiếng võng đưa kẽo kẹt trầm buồn của ông bà tôi vẫn còn vang bên tai:
“Gặp nhau mới biết em còn
Hồi năm Thìn bão lụt anh khóc mòn con ngươi”.
Tôi luôn biết ơn những lời ru bình dị của ông bà tôi. Đó còn là kỷ niệm tuổi thơ êm đềm đã trôi đi không bao giờ tìm được nữa!
Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nho-mai-loi-ru-41940.html