Nhiều trường đại học sư phạm đồng loạt bỏ phương án xét tuyển học bạ
Năm 2025, hàng loạt đề án tuyển sinh của khối đào tạo sư phạm đã bỏ phương thức xét tuyển có sử dụng kết quả học tập THPT.
![Phương án sử dụng kết quả học tập THPT xét tuyển không còn được khối sư phạm lựa chọn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_106_51438567/3e122d071649ff17a658.jpg)
Phương án sử dụng kết quả học tập THPT xét tuyển không còn được khối sư phạm lựa chọn
Năm 2025, trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ bỏ phương thức xét tuyển dựa trên kết quả học tập cấp THPT từ năm 2025.
Năm trước, trường xét tuyển theo 5 phương thức, trong đó phương thức xét học bạ có điều kiện đăng ký xét tuyển đối với các ngành đào tạo giáo viên là thí sinh có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ cấp THPT đạt loại tốt và học lực 3 năm đạt từ giỏi trở lên.
Riêng ngành sư phạm tiếng Pháp, nếu thí sinh là học sinh hệ song ngữ tiếng Pháp thì điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi; đối với ngành sư phạm công nghệ, điều kiện về học lực là lớp 12 đạt loại giỏi. Đối với các ngành khác (ngoài sư phạm) yêu cầu thí sinh có hạnh kiểm tất cả 6 học kỳ và học lực 3 năm cấp THPT đạt từ khá trở lên.
Năm nay, trường chỉ còn xét tuyển theo 3 phương thức gồm: xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025; Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội và Xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực - SPT năm 2025.
Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh công bố dự kiến đề án tuyển sinh năm 2025 với 4 phương thức xét tuyển gồm: xét tuyển thẳng theo Quy chế của Bộ GD-ĐT (10% chỉ tiêu); ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh lớp chuyên (10% - 20% chỉ tiêu); xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt - dự kiến khoảng hơn 30 ngành sử dụng phương thức này (40% - 50% chỉ tiêu) và xét tuyển dựa trên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 (20% - 40% chỉ tiêu cho các ngành có xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt hoặc 70% - 80% cho các ngành không xét tuyển dựa trên kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt).
Đáng chú ý, trường sẽ không sử dụng kết quả học tập THPT trong xét tuyển và chỉ giữ lại những điều kiện ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để đáp ứng các yêu cầu theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT.
Năm trước, trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh xét tuyển học bạ độc lập (khoảng 10%) chỉ tiêu hoặc kết hợp điểm học bạ với điểm thi đánh giá năng lực chuyên biệt (30-40% chỉ tiêu).
Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cũng bỏ 2 phương thức sử dụng điểm học bạ để xét tuyển năm 2025.
Theo đó, năm nay trường tuyển sinh theo các phương thức: xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Thái Nguyên (V-SAT-TNU); xét học sinh dự bị đại học; dùng kết quả tốt nghiệp hoặc kết hợp điểm thi này với thi năng khiếu thể dục - thể thao.
So với năm 2024, trường đã bỏ 2 phương thức là xét tuyển học bạ và kết hợp học bạ với điểm thi năng khiếu (ngành Giáo dục mầm non).