Nhiều 'ông lớn' nhập cuộc làm đường sắt
Nhu cầu đầu tư đường sắt giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã mở ra thị trường khoảng 100 tỷ USD. Nhiều doanh nghiệp lớn đang sẵn sàng nhập cuộc, song cũng kiến nghị Nhà nước cần có đặt hàng cụ thể.
Sân chơi rộng mở cho doanh nghiệp Việt
Thông tin tại Hội thảo "Doanh nghiệp Việt với chương trình phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam" vừa được Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam tổ chức, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Trần Thiện Cảnh cho biết, tới năm 2030, cả nước sẽ phát triển thêm 16 tuyến đường sắt với tổng chiều dài lên tới 4.802km (tăng so với hiện tại 2.362km). Đến năm 2050, con số tương ứng là 25 tuyến, chiều dài 6.354km (tăng 1.552km).

Thị trường đường sắt Việt Nam đã đủ lớn để các doanh nghiệp trong nước quan tâm, đầu tư phát triển về công nghiệp đường sắt. Ảnh minh họa: AI.
Hiện, nhiều địa phương đã có quy hoạch đường sắt đô thị, đường sắt liên vùng. Riêng Hà Nội, đến năm 2035 sẽ đầu tư 415km, TP.HCM đầu tư 355km. Giai đoạn đến năm 2045, Hà Nội có nhu cầu đầu tư 200km, trong khi con số này tại TP.HCM là 155km.
Xét về tổng thể thị trường, ngoài đầu tư ban đầu từ xây dựng hạ tầng, đầu máy, toa xe, thông tin tín hiệu, điện sức kéo, còn duy tu, bảo trì theo vòng đời dự án. Riêng về bảo trì, vòng đời phương tiện khoảng 40 năm, tính ra chi phí bảo trì ước tính hơn 201 triệu tỷ đồng; với đường sắt tốc độ cao chi phí ước tính hơn 342 triệu tỷ đồng.
Về giá trị, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam giá trị đầu tư hơn 67 tỷ USD, tuyến Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng khoảng 8 tỷ USD. Cùng với các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và các dự án đường sắt theo quy hoạch sẽ tạo nên thị trường lớn khoảng 100 tỷ USD, mở rộng "sân chơi" cho các doanh nghiệp Việt.
Tự tin trên "sân nhà"
Ông Đỗ Mạnh Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Fecon cho rằng, đây là "sân nhà" của mình. Nhà nước cần đưa ra các tiêu chí và điều kiện cụ thể để doanh nghiệp tham gia, đầu tư, làm chủ.
Ông Cường cho biết thêm, từ năm 2014 Fecon đã cử các chuyên gia, kỹ sư đi làm thuê cho nước ngoài để học hỏi về lĩnh vực đường sắt đô thị. Với tuyến Metro số 3 của Hà Nội, Fecon là nhà thầu phụ của liên danh Huyndai & Ghella.
Từ kinh nghiệm này, ông Cường khẳng định, các doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể tiếp cận công nghệ, chủ động thi công các hạng mục hạ tầng bằng công nghệ hiện đại với phần nền, móng và toàn bộ kết cấu dưới ray.
Để từng bước nội địa hóa, ông Cường cho rằng có thể nhập khẩu công nghệ các phần việc Việt Nam chưa sản xuất được. Tuy nhiên, phải kiểm soát, yêu cầu các đơn vị nước ngoài đáp ứng theo điều kiện của Việt Nam.
Khẳng định Tập đoàn Hòa Phát có thể làm chủ công nghệ sản xuất thép, ray cung ứng cho thị trường đường sắt, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng giám đốc tập đoàn này cho biết, từ năm 2025 Hòa Phát nâng tổng công suất sản xuất thép lên 15 triệu tấn/năm, trở thành một trong 30 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới. Hòa Phát có thể sản xuất nhiều sản phẩm thép phục vụ các dự án đường sắt.
Hòa Phát đã triển khai dự án đầu tư sản xuất khoảng 10.000 tỷ đồng, khởi công cuối quý III, đầu quý IV/2025. Thời gian thực hiện dự án khoảng 24-30 tháng, cuối năm 2027 sẽ ra sản phẩm ray đầu tiên.
"Chúng tôi cam kết sản xuất ray đảm bảo chất lượng, giá thành cạnh tranh so với các sản phẩm nhập ngoại. Nhưng với mức đầu tư lớn như vậy, chúng tôi cũng mong Nhà nước có cam kết cụ thể với doanh nghiệp", ông Thắng đề nghị.
Với lĩnh vực thông tin tín hiệu đường sắt, ông Lê Quang Hiếu, Phó tổng giám đốc Viettel Solutions (Tập đoàn Viettel) cho biết, Viettel đã thành lập nhóm về định hướng, triển khai tham gia công nghiệp đường sắt từ tập đoàn đến các đơn vị thành viên ở các lĩnh vực như: Làm chủ sản xuất thiết bị, vô tuyến, tín hiệu điều khiển, phần mềm thông tin bảo mật…
Cơ chế, chính sách ưu đãi cần cụ thể
Bày tỏ Viettel sẵn sàng làm chủ công nghệ thông tin tín hiệu đường sắt, nhưng ông Lê Quang Hiếu cho rằng, Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách tạo cơ hội cho các đơn vị trong nước nhận chuyển giao qua việc tiếp cận các đối tác quốc tế.
Đồng quan điểm, ông Đỗ Mạnh Cường đề xuất, Chính phủ, các bộ, ngành có cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp Việt Nam được tiếp cận công nghệ mới với những cơ chế về vay vốn. Hay với công nghệ nhập khẩu thì miễn thuế ra sao, ngoài ra còn các chính sách khác như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp…
Là doanh nghiệp tiềm năng tham gia sản xuất, lắp ráp toa xe, ông Phạm Trường Tùng, Giám đốc cao cấp Kỹ thuật - Công nghệ, Công ty CP Công nghiệp Thaco nhấn mạnh, Thaco xác định đây không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là sự đóng góp vào sự phát triển công nghiệp đường sắt Việt Nam.
Từ đây, Thaco định hướng tham gia sản xuất toa xe và cung ứng linh kiện, thiết bị trên toa xe. Để thực hiện, Thaco sẽ đầu tư nâng cấp nhà xưởng, đào tạo đội ngũ chuyên gia; hợp tác với doanh nghiệp quốc tế có năng lực để tiếp nhận chuyển giao công nghệ…
Tuy nhiên, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư. Chẳng hạn như thông qua hình thức chỉ định thầu, đặt hàng (cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra) để lựa chọn nhà đầu tư/doanh nghiệp Việt thực hiện dự án đầu tư - nhận chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng và tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ, hàng hóa cho dự án.
Cùng đó, miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được trong suốt thời gian thực hiện dự án; Áp dụng ưu đãi đầu tư theo dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Theo ông Trần Thiện Cảnh, nhu cầu sản phẩm công nghiệp đường sắt tập trung ở 4 nhóm: Công nghiệp xây dựng hạ tầng đường sắt gồm hạ tầng dưới ray như cầu, đường, hầm và kiến trúc nhà ga, sản xuất vật liệu là ray, ghi, tà vẹt; đầu máy, toa xe; hệ thống thông tin, tín hiệu cho đường sắt hiện hữu và đường sắt điện khí hóa; hệ thống điện sức kéo gồm đường truyền, trạm biến áp, cấp điện cho phương tiện.
"Thị trường đường sắt Việt Nam đã đủ lớn để các doanh nghiệp trong nước quan tâm, đầu tư phát triển về công nghiệp đường sắt", ông Cảnh khẳng định.