Nhiều nội dung cần làm rõ trong vụ kiện đòi lại tài sản ở Quận 12, TPHCM

Bị đơn trong vụ án 'Đòi lại tài sản là nhà, đất và hủy cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất' đề nghị xem xét lại theo thủ tục đặc biệt đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC số 40/2022/DS-GĐT ngày 27/9/2022

Nhiều nội dung cần làm rõ trong vụ kiện đòi lại tài sản ở Quận 12, TPHCM

Theo nội dung đơn thư đến Truyền Hình Thông Tấn, ngày 19/4/2023, ông Ngô Mạnh Thắng (có địa chỉ tại 98 Vườn Lài, Phường An Phú Đông, Quận 12, TPHCM) là bị đơn trong vụ án “Đòi lại tài sản là nhà, đất và hủy cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” có đề nghị "Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại theo thủ tục đặc biệt đối với quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC số 40/2022/DS-GĐT ngày 27/9/2022; Ngưng toàn bộ bản án đã tuyên, quyết định thi hành án cưỡng chế dỡ bỏ nhà ở hợp pháp của công dân”. Ông Thắng cho rằng có nhiều tình tiết mới chưa từng được xem xét.

Trong đơn, ông Thắng cho biết: Tại phiên Tòa sơ thẩm, ông Huỳnh Minh Nhựt và bà Nguyễn Thị Diệp (nguyên đơn) yêu cầu: “Hủy bỏ Hợp đồng đặt cọc số công chứng 4316 và Hợp đồng ủy quyền số công chứng 4317, cùng quyển số 027TP/CC-SCC/HĐGD, cùng ngày 05/02/2013 của Phòng công chứng Số 5, Thành phố Hồ Chí Minh...; Hủy phần cập nhật biến động sở hữu tên ông Ngô Mạnh Thắng trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất BE 544366, số vào sổ cấp GCN: CH 01546 ngày 08/12/2011 của Ủy ban nhân dân Quận 12, đã được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Quận 12 cập nhật vào ngày 24/10/2013…; Công nhận quyền sở hữu hợp pháp cho ông Nhựt, bà Diệp đối với nhà, đất số 98 Vườn Lài, khu phố 2, phường An Phú Đông, Quận 12, TPHCM...”.

Theo quan điểm của ông Thắng, điều 4 Luật Công Chứng 2006 thì hợp đồng giao dịch bằng văn bản đã được công chứng là “Văn bản công chứng”. Việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng giao dịch phải do chính các đương sự giao dịch cùng đồng ý và phải được công chứng viên công chứng (điều 44 Luật công chứng 2006).

Nhưng, ông Nhựt và bà Diệp là một bên giao dịch của hợp đồng chưa bao giờ có thông báo và yêu cầu bên còn lại là bà Ngô Kim Tuyến và ông Ngô Mạnh Thắng đến Văn phòng công chứng để hủy bỏ 03 văn bản công chứng nói trên, vì vậy vi phạm nghĩa vụ tranh chấp chưa xảy ra, “quyền và lợi ích hợp pháp nguyên đơn chưa bị xâm phạm" (điều 186 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự 2015) nên ông Nhựt và bà Diệp chưa đủ điều kiện khởi kiện.

Hơn nữa, trong điều 45 của Luật Công chứng 2006 chỉ quy định quyền khởi kiện “Yêu cầu vô hiệu” văn bản công chứng khi có căn cứ cho rằng “việc công chứng có vi phạm pháp luật". Luật Công chứng 2006 không có quy định quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy văn bản công chứng.

Trong đơn, ông Thắng cũng cho hay: Mặc dù hợp đồng công chứng Số: 4317 ngày 05/02/2013 không có vi phạm bất cứ một quy định nào về “vi phạm pháp luật" và ông Nhựt, bà Diệp cũng không yêu cầu nó vô hiệu, nhưng cũng được Tòa án nhân dân TPHCM tuyên vô hiệu. Hợp đồng ủy quyền này cũng không có một điều khoản nào làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người ủy quyền.

“Theo điều 137 luật dân sự 2005 ông Thắng phải hoàn trả nhà, đất cho ông Nhựt bà Diệp, nhưng đồng thời ông Nhựt bà Diệp và bà Tuyến là những người đã có lỗi gây ra hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất công chứng số 014477 tại văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc ngày 20/9/2013 bị vô hiệu phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về việc tôi không chuyển nhượng được tài sản là nhà đất này. Tòa cấp sơ thẩm không xét xử và tuyên buộc ông Nhựt, bà Diệp và bà Tuyến bồi thưởng cho tôi làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của tôi”- ông Thắng chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Thắng thì Tòa án nhân dân TPHCM kết luận: Ông Nguyễn Văn Quận sinh năm 1985 (địa chỉ: Tiến Phối, Thanh Bình, Chương Mỹ, Hà Nội) trên giấy ủy quyền số công chứng 014737; quyển số 04 TP/CC-SCC-HĐGD ngày 18/4/2018 của Phòng công chứng Số 4, TPHCM là địa chỉ “không rõ ràng" nên Tòa án không triệu tập được ông Quận để “tham gia tố tụng”.

Theo ông Thắng cho biết, ông Thắng đã ủy quyền tham gia tố tụng thì phải triệu tập người được ủy quyền là ông Quận (khoản 4 điều 85 bộ luật tố tụng dân sự 2015). Ông Thắng cũng chưa bao giờ vắng mặt tại địa phương nên việc Tòa cho rằng đã niêm yết cho ông Thắng là không đúng quy định pháp luật (điều 179 bộ luật tố tụng dân sự 2015).

Ngoài ra, nếu Tòa án nhân dân TPHCM cho rằng có niêm yết thì phải niêm yết tại cửa nhà nơi cư trú một bản bản sao nhưng ông Thắng chưa hề thấy giấy triệu tập hoặc thông báo nào của Tòa án, và ngay cả bản án ông Thắng cũng chưa từng được nhận hoặc được niêm yết. Khi ông Thắng được Cục thi hành án dân sự TPHCM thông báo thì mới biết Tòa án nhân dân TPHCM đã xét xử hơn 07 tháng (xét xử ngày 18/01/2019)

Ngày 22/8/2019, ông Thắng làm đơn xin Tòa án nhân dân TPHCM cấp bản án sơ thẩm và mới được cấp bản án sơ thẩm số: 55/2019/DS-ST.

“Việc vi phạm tố tụng trong việc triệu tập và niêm yết không đúng quy định pháp luật đã thủ tiêu quyền tham gia tố tụng của tôi và người đã được tôi ủy quyền tham gia tố tụng, đồng thời “thủ tiêu quyền kháng cáo của tôi”- ông Thắng cho hay. Và đây là lý do tại sao ông Thắng không kháng cáo bản án sơ thẩm mà để cho bản án có hiệu lực pháp luật do không kháng cáo.

Theo ông Thắng, từ những việc không làm rõ nêu trên dẫn đến bản án số: 55/2019/DS-ST ngày 18/01/2019 của TAND TPHCM đã tuyên không rõ ràng, làm cho việc thi hành án gặp khó khăn và ông Thắng không biết phải thực hiện như thế nào.

Cụ thể: Theo bản án sơ thẩm số 55/2019/DS-ST ngày 18/01/2019 của TAND TPHCM (Gọi tắt là bản án ST55/2019) có những nội dung không rõ ràng như: “Những người đang cư ngụ là ai?” và tại phần 1.5 và 16 phần quyết định của bản án ST55/2019 cũng không rõ ràng nên ông Thắng không thực hiện được.

Khi chuyển nhượng hợp pháp QSDĐ thì ông Thắng đã cập nhật trên GCN QSDD ngày 24/10/2013 (trang 04 của GCN QSDĐ) sau đó ông Thắng mới tiến hành xây dựng căn nhà theo GPXD số 4757/GPXD-UBND ngày 27/12/2013 của Ủy ban nhân dân Quận 12 cấp.

Theo phần nhận định của Tòa án Tối cao trong quyết định giám đốc thẩm số 40/2022/DS-GĐT ngày 27/9/2022 thì tại thời điểm năm 2016, Tòa án nhân dân Quận 12, TPHCM đã định giá tài sản tranh chấp và xác định giá trị quyền sử dụng đất là 5.583.600.000 đồng, và đơn giá công trình xây dựng trên đất là 2.358.000 đồng (công trình xây dựng trên đất diện tích 327,643...)

Như vậy, khi TAND TPHCM tuyên theo phần 1.5 “Phải trả lại nhà và đất", hoặc nếu "Phải trả lại nhà và đất" thì ông Thắng chưa có phương án được bồi thường thỏa đáng phần tài sản của ông Thắng đã xây dựng hợp pháp.

Cũng trong nội dung đơn kêu cứu nêu rõ: Bản án sơ thẩm số 55/2019/DS-ST ngày 18/01/2019 của TAND TPHCM được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao công nhận có nội dung: Vô hiệu hợp đồng ủy quyền có công chứng số 4317 và hợp đồng đặt cọc chứng nhận quyền sử dụng đất có công chứng số 4386 với lý do vô hiệu là do giả tạo nhằm che giấu hợp đồng vay tiền.

 Căn nhà tại 98 Vườn Lài, Phường An Phú Đông, Quận 12, TPHCM

Căn nhà tại 98 Vườn Lài, Phường An Phú Đông, Quận 12, TPHCM

Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao nhận định: Tháng 9 năm 2013 ông Nhựt bà Diệp đòi lại nhà nhưng bà Tuyến không đồng ý nên có gửi đơn yêu cầu giải quyết đến Ủy Ban Nhân Dân phường An Phú Đông. Trên thực tế, hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất có công chứng số 4316 và hợp đồng ủy quyền có công chúng số 4317 muốn hủy thì hai bên cũng đến phòng công chứng để hủy, nếu một bên không đi hủy thì khởi kiện, UBND Phường An Phú Đông không có quyền giải quyết. Hơn nữa theo Bộ Luật Dân Sự 2005: hợp đồng ủy quyền thì bên ủy quyền có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền bất cứ lúc nào theo quy định tại điều 569 Bộ Luật Dân Sự 2005."

"Hợp đồng đặt cọc (để hóa nhận chuyển nhượng và hứa chuyển nhượng) giá trị chuyển nhượng ký ngày 05/02/2013 là: 1.200.000.000 (Một tỷ hai trăm triệu) là giá trị đất nông nghiệp. Tiền nợ thuế sử dụng đất là: 1.853.272.000.0 (Một tỷ tám trăm năm muơi ba triệu hai trăm bảy mươi hai ngàn) Giấy xác nhận của Chi Cục Thuế Quận 12 số: 2012/03468 - 29/03/2012 ngày 11/ 12 /2012. Người nhận thông báo ngày 24/12/2012 ký nhận Nguyễn Thị Diệp. Theo quy định của Nhà Nước và Luật Đất đai, tài sản đang nợ thuế thì không được Công chứng mua bán chuyển nhượng. Vì vậy hợp đồng đặt cọc số 4316 ngày 05/02/2013 (hứa nhận chuyển nhượng và hứa chuyển nhượng) và Hợp Đồng Ủy Quyền số: 4317 ngày 05/02/2013 là đúng pháp luật. Khi tôi thỏa thuận nhận chuyển nhượng mua bán với bà Tuyến, ông Thắng mua tài sản này là: 3.500.000.000.0 (ba tỷ năm trăm triệu đồng) bao gồm cả tiến nợ thuế. Tiền thuế nợ: 1.853.272.000.0 (một tỷ tám trăm năm ba triệu hai trăm bảy hai ngàn đồng) là tôi phải thanh toán
.

Từ hợp đồng Ủy Quyền số: 4317 ngày 05/02/2013 của Phòng Công Chứng số 5 TP.HCM, bà Tuyến công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số: 014477 QĐ- CNQSDĐ ngày 20/09/2013 và Tôi ủy quyền số: 014478 ngày 10/9/2013 cho bà Tuyến làm hồ sơ pháp lý cấp đổi GCNQSDĐ và thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà Nước.

“Trong khi chờ đợi các cơ quan tố tụng xem xét đơn, nhằm để tránh hậu quả xảy ra khó khắc phục khi đã thi hành án, tôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét và yêu cầu ngưng ngay toàn bộ bản án và quyết định cưỡng chế, thi hành án để tránh gây hệ quả nghiêm trọng đối với tôi”- ông Ngô Mạnh Thắng chia sẻ.

Về những nội dung này, kính đề nghị các cơ quan chức năng liên quan xác minh, giải quyết theo thẩm quyền, tránh oan sai, khiếu kiện kéo dài và đảm bảo thượng tôn pháp luật./.

VNEWS |

Nguồn VNEWS: https://vnews.gov.vn/news/nhieu-noi-dung-can-lam-ro-trong-vu-kien-doi-lai-tai-san-o-quan-12-tphcm-78067.htm