Nhiều hoạt động quảng bá nghệ thuật khèn của người Mông
Festival trình diễn khèn Mông và công bố Quyết định đưa Nghệ thuật khèn của người Mông vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, sẽ được tỉnh Yên Bái tổ chức vào cuối tháng 9.
Ngoài Lễ khai mạc Festival và công bố Quyết định đưa "Nghệ thuật khèn của người Mông huyện Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái" vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong khuôn khổ Festival còn có hoạt động giới thiệu "Sắc màu văn hóa dân tộc Mông" với màn diễu diễn đường phố; tái hiện không gian văn hóa dân tộc Mông; tổ chức giao lưu, trình diễn di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mông; hoạt động trải nghiệm vẽ hoa văn trên vải bằng sáp ong; tổ chức chợ phiên vùng cao; trình diễn, giao lưu khèn Mông, dân ca, dân vũ, dân nhạc và các trò chơi dân gian truyền thống của dân tộc Mông gắn với hoạt động du lịch trải nghiệm.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký Quyết định số 1401/QĐ-BVHTTDL ngày 1.6.2023 về việc công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Theo đó, nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Dân tộc Mông ở Yên Bái chiếm 8,1% dân số toàn tỉnh Yên Bái, cư trú tập trung tại 40 xã thuộc 5 huyện là Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên và Lục Yên. Để lưu giữ và phát huy những giá trị truyền thống của khèn Mông, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu và Văn Chấn đã khôi phục nhiều lễ hội có sự hiện diện của tiếng khèn, đưa múa khèn, thổi lá dân tộc vào các giờ học ngoại khóa để học sinh tìm hiểu và hứng thú với những nhạc cụ dân tộc.
Nghệ thuật khèn của người Mông ở Yên Bái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia càng khẳng định giá trị văn hóa truyền thống của cây khèn trong đời sống sinh hoạt của cộng đồng dân tộc Mông, góp phần vinh danh di sản và trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc ở các huyện phía Tây của tỉnh.