Nhiều hàng quán vẫn còn chủ quan trong phòng, chống Covid-19
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt các tỉnh giáp ranh với tỉnh ta đều bùng phát các ca F0. Thế nhưng tình trạng chủ quan trong công tác phòng, chống dịch vẫn diễn ra ở nhiều nhà hàng, khách sạn, quán cà phê…khi thiếu đi sự chủ động phòng dịch như không có mã quét QR khai báo y tế, nhân viên chưa đeo khẩu trang khi tiếp xúc…
Thực hiện quy định của Chính phủ về "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, tỉnh Tuyên Quang cũng đã có những chỉ đạo cụ thể sát với tình hình thực tế. Ngày 29-10, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 193 về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Theo đó, mục tiêu nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép “vừa quyết liệt phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện thích ứng an toàn". Văn bản cũng nêu rõ nguyên tắc “An toàn tới đâu, mở cửa tới đó và mở cửa thì phải đảm bảo an toàn”…
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khi dự họp với các cấp, các ngành cũng đã yêu cầu phải xây dựng được phương án đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch Covid-19 một cách toàn diện, cụ thể. Đối với các cơ quan, nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất kinh doanh…phải lập mã quét để khai báo y tế; trang bị nước rửa tay, đeo khẩu trang theo quy định; các huyện, thành phố phải lấy thôn, bản, tổ dân phố là pháo đài chống dịch; phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ Covid cộng đồng trong việc quản lý, giám sát người về, đến địa phương…
Rõ ràng trong thời gian qua, sự cố gắng của các cấp, các ngành, của các lực lượng tuyến đầu đã góp phần giữ Tuyên Quang là “vùng xanh”, các hoạt động sản xuất, kinh doanh diễn ra bình thường. Tuy nhiên, sự chủ quan, lơ là, chưa chủ động các biện pháp phòng chống dịch đang diễn ra hàng ngày tại nhiều cửa hàng, khách sạn, quán cà phê…sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Tuyên Quang, rất nhiều cửa hàng, quán cà phê mở cửa đón khách nhưng không chủ động trong khâu phòng, chống dịch như không trang bị mã quyét QR khai báo y tế hoặc trang bị theo kiểu cho có, khách hàng đến hầu như ít ai sử dụng, khách hàng đến đi trực tiếp đến các phòng, các khu vực của nhà hàng, tiếp xúc với các khách khác trong môi trường không khẩu trang. Cùng với đó, tại nhiều quán cà phê, chính nhân viên phục vụ cũng không đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách. Đây là điều hết sức nguy hiểm khi nhân viên hàng ngày tiếp xúc với rất đông người đến từ nhiều nơi khác nhau.
Anh Trần Văn Thành ở xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) cho biết, có lần anh đến uống cà phê ở một quán gần Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thấy nhân viên phục vụ không đeo khẩu trang anh đã nhắc nhở nhưng nhân viên cho rằng mình ở “vùng xanh” thì lo gì. Anh Thành cho rằng, đó là suy nghĩ hết sức chủ quan nên đã nhắc nhở và đề nghị nhân viên đeo khẩu trang khi tiếp xúc với mình.
Nhiều cửa hàng, khách sạn lớn, quán cà phê…ở thành phố Tuyên Quang cũng không có mã quyét QR khai báo y tế hoặc có lấy lệ. Trong vai một khách đến mua hàng và sử dụng dịch vụ, phóng viên đã vào cửa hàng Điện máy xanh trên đường Quang Trung, nhân viên ở cửa chỉ nhắc rửa tay sát khuẩn nhưng khi hỏi có quét mã QR không thì nhân viên bảo không cần, chỉ là thủ tục thôi mà. Tại quán Coffe - Tea - Fastfood Koi And You ở tổ 12, phường Tân Quang nhân viên phục vụ không đeo khẩu trang khi tiếp xúc với khách. Đến khách sạn Royal hỏi về việc đặt phòng cho khách ngoài tỉnh và hỏi khi khách đến có phải quét mã QR không thì nhân viên lễ tân bảo rằng không cần bởi khách đến Tuyên Quang đã phải qua mấy chốt kiểm dịch…
Cửa hàng, khách sạn, quán ăn, quán cà phê…là nơi thường xuyên có người tới, chính vì thế việc đăng ký mã quét QR khai báo y tế là rất cần thiết bởi khi có vấn đề xảy ra, việc truy vết, rà soát sẽ hiệu quả và nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, sự chủ quan, thiếu đi sự chủ động trong phòng, chống dịch sẽ là nguy cơ lây làn dịch bệnh trong cộng đồng làm ảnh hưởng đến thành quả chống dịch của cả tỉnh.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống Covid-19 thì đòi hỏi mỗi người dân, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…cần nêu cao tinh thần tự giác, coi “chống dịch như chống giặc”, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Bên đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 các xã, phường, thị trấn, các tổ Covid-19 cộng đồng ở tổ dân phố, thôn…trong công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, đơn vị thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Từ đó góp phần bảo vệ an toàn cho người dân trên địa bàn trước nguy cơ xâm nhập của dịch bệnh khi các tỉnh bạn giáp ranh với tỉnh ta như Phú Thọ, Hà Giang tình hình dịch bệnh Covid-19 đang rất phức tạp.