Nhiều Gen Z quay cuồng 'cai nghiện' Temu cho cha mẹ ở Mỹ

Kênh thương mại điện tử giá rẻ nổi tiếng của Trung Quốc đã thu hút giới trung niên Mỹ bằng những món đồ siêu rẻ. Nhiều người bị con cái chế giễu là 'con nghiện', 'phù thủy Temu'.

LaTonya Mullins-Mobley vô tình nhìn thấy quảng cáo Temu khi đang lướt Internet. Cô sững sờ khi đọc mức giá quá thấp trên nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc.

Mullins-Mobley, 53 tuổi, đang làm việc cho nhà mạng di động. Cô đùa rằng bản thân “đang trong mối quan hệ” với Temu. Cô mua quần áo, kính râm và hàng hóa giá hời. Thậm chí, Mullins-Mobley mua kính râm giá 3 USD trên Temu rồi bán lại với giá 15 USD.

Angeline Mobley, con gái 19 tuổi của cô, không thích điều này.

 Mullins-Mobley mua kính râm giá 3 USD trên Temu rồi bán lại với giá 15 USD.

Mullins-Mobley mua kính râm giá 3 USD trên Temu rồi bán lại với giá 15 USD.

Gần đây, Angeline tạo tài khoản TikTok rồi nhờ khán giả tìm cách tách mẹ mình khỏi ứng dụng Temu. “Nhanh lên. Càng sớm càng tốt. Ngay lập tức. Mẹ tôi đã mua 57 chiếc thìa ăn cơm chỉ vì chúng có giá 0,03 USD”, một người bình luận dưới video.

Mẹ của TikToker 19 tuổi vẫn không suy suyển. “Bạn có thể cười nhưng tôi đang mua sắm như một tỷ phú”, bà nói và trích dẫn khẩu hiệu của Temu.

Temu đã giúp tập đoàn mẹ PDD trở thành công ty thương mại điện tử có giá trị nhất Trung Quốc và hiện là một trong những đơn vị bán lẻ trực tuyến phát triển nhanh nhất nước Mỹ, theo Wall Street Journal. Ứng dụng thu hút vì danh mục giảm giá chóng mặt, từ túi xách hàng hiệu, đồ điện tử đến đồ dùng nhà bếp.

Temu đặc biệt được lòng khách hàng lớn tuổi nhờ mã giảm giá “cực sốc” làm hàng hóa có khi rẻ hơn 10 lần thị trường. Gen Z đang chế giễu cha mẹ, ông bà là “nạn nhân Temu” khi thế hệ đi trước liên tục mua những thứ rẻ tiền và vô dụng từ trang thương mại Trung Quốc.

Ám ảnh

Temu phát triển vượt bậc từ khi vào thị trường Mỹ năm 2022. Kênh thương mại điện tử Trung Quốc thu hút người tiêu dùng bằng giá thấp hơn cả các ứng dụng giá rẻ nổi tiếng như AliExpress, Wish và Shein.

Tháng 3, Temu ghi nhận nhóm khách hàng tăng trưởng nhanh nhất là người từ 55 đến 64 tuổi. Doanh số bán hàng thuộc nhóm tuổi này tăng 271% từ tháng 3/2023, theo Earnest Analytics. Ứng dụng giá “siêu rẻ” dự kiến chi gần 3 tỷ USD cho quảng cáo trong năm nay, theo JPMorgan.

Ashlyn Smith, 31 tuổi, là quản lý bán hàng ở St. Louis. Smith cho biết cha cô tìm thấy Temu từ quảng cáo trên Facebook. Từ đó, ông nhắn tin cho cô hàng ngày để gửi liên kết tải xuống của Temu. Ông sẽ nhận được hoa hồng và có tiền mua trang sức, đồ chơi cho cháu ngoại.

 Temu là nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng vì giá rẻ và giảm giá đến 80%.

Temu là nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng vì giá rẻ và giảm giá đến 80%.

“Cha tôi thích tiểu thuyết và mọi thứ trong nhà bếp, phòng khách đều có hình rồng. Ông mua phụ kiện trang trí trên Temu với giá rẻ mạt”, Smith kể.

Kelly Boyi, 29 tuổi, chuyên viên quản lý dự án ở ngoại ô Toronto, cho biết người cha 61 tuổi đã nghỉ hưu của anh thường dành thời gian nấu ăn, đọc sách và đi dạo. Ông không có thói quen lướt điện thoại hay mua sắm trực tuyến (hoặc ít nhất là Boyi nghĩ vậy).

Hai tuần trước, Boyi bất ngờ nhận được cuộc gọi nhận hàng của Temu. Kiện hàng bao gồm một áo phông, tất và giá đỡ điện thoại. “Tôi nghĩ: Temu? Thật sao? Nếu họ tiếp cận được cha tôi thì chắc họ đã tiếp cận cả thế giới trước đó”.

Người phát ngôn của Temu cho biết chiến lược tiếp thị để thu hút khách hàng mới: “Chúng tôi kêu gọi khách hàng đưa quyết định sáng suốt trước khi hoàn tất giao dịch và rất vui khi cung cấp hàng hóa với giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của họ”.

Rẻ hơn 10 lần

Karen Sacavage, 66 tuổi, là thợ thủ công ở Pennsylvania. Bà vẫn nhớ cảm giác phấn khích khi mua được chiếc rây bột với giá 1,85 USD trên Temu, rẻ hơn 10 lần so với giá 19 USD thường thấy.

“Tôi có đam mê với đồ dùng nhà bếp và phát điên khi nhìn thấy hàng giá rẻ trên Temu, Làm sao tôi không mua khi món hàng chỉ có giá 0,98 USD và chất lượng cũng không tệ?”, Sacavage nói.

 Temu đã giúp tập đoàn mẹ PDD trở thành công ty thương mại điện tử có giá trị nhất Trung Quốc.

Temu đã giúp tập đoàn mẹ PDD trở thành công ty thương mại điện tử có giá trị nhất Trung Quốc.

Temu đã trở thành chủ đề được ưa chuộng trong cuộc trò chuyện của các gia đình khắp nước Mỹ.

Aniya Lewis, 19 tuổi, vẫn nhớ như in cảm giác bàng hoàng khi trở về nhà hồi tháng 2. Cô là sinh viên năm nhất của một trường đại học tại Pennsylvania. Lewis nhận xét mẹ mình là “phù thủy Temu”. Cô kể bản thân hét lên khi bước vào phòng ngủ. Mẹ cô đã trang trí lại phòng ngủ bằng sản phẩm Temu, bà phủ giường bằng vải lanh hồng, thay tấm rèn có chữ “Xin chào người đẹp”. Rèm nhà tắm, nắp bồn cầu và thảm phòng tắm cũng chịu chung số phận.

“Mẹ tôi từng thích đồ đắt tiền nên tôi không nghĩ Temu có thể chạm đến bà”, cô nói. “Nhưng bà ấy thực sự mua hết quần áo trên Temu”.

 Bà Maria làm gia đình bất ngờ khi đột ngột dốc tiền vào Temu để sắm đồ trang trí nhà cửa.

Bà Maria làm gia đình bất ngờ khi đột ngột dốc tiền vào Temu để sắm đồ trang trí nhà cửa.

Muhammad Al-Ansari cho biết anh rất ngạc nhiên khi mẹ là bà Maria, 56 tuổi, dốc túi vào Temu để trang trí nhà cửa. Bà là người hiếm khi mua sắm nhưng gần đây lại tuyên bố sẽ mua nhẫn cho cả gia đình.

Giống như những cuộc mặc cả trong chợ, người thường xuyên đến Temu cho biết sức hấp dẫn của nơi này là tình cờ tìm thấy món đồ họ không cần đến, miễn là mua được với giá rẻ.

Chaunda Thompson, một họa sĩ 44 tuổi tại xưởng đóng tàu biển ở Newport News, Virginia, cho biết: "Bạn sống cả đời mà không có chiếc thìa gác mì ống nhưng lại vô tình thấy nó và nghĩ: 'Ồ, thật tuyệt vời và nó chỉ có giá 0,98 USD. Trông thật dễ thương', nên bạn mua nó".

Thompson cho biết cô tìm thấy quần áo, giày dép và áo khoác giá hời trên Temu. Họa sĩ 44 tuổi cũng mua các dụng cụ làm đẹp và đồ dùng nhà bếp. Cô cho biết Temu thu hút sự chú ý bằng hệ thống phần thưởng, ứng dụng sẽ tặng điểm cho người dùng thường xuyên mở Temu, đánh giá hoặc giới thiệu bạn bè.

“Tôi kiểm tra Temu hàng ngày, nếu không muốn nói là hai ngày một lần. Thành thật mà nói, điều này thật đáng xấu hổ”, Thompson nói. Con trai gọi Thompson là “con nghiện” nhưng cô không quan tâm. "Tôi chỉ phiền lòng khi phải trả nhiều tiền hơn".

Đông Tùng

Ảnh: Wall Street Journal

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhieu-gen-z-quay-cuong-cai-nghien-temu-cho-cha-me-o-my-post1506011.html