Nhiều đột phá tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, chuyển đổi số

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo nghị quyết của Quốc hội có nhiều đột phá tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, chuyển đổi số.

Sáng 15-2, theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ chín, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia.

 Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu về cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia.

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu về cơ chế tháo gỡ vướng mắc cho khoa học, công nghệ, chuyển đổi số quốc gia.

Phát biểu tại tổ về nội dung này, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, dự thảo nghị quyết là bước đầu tiên trong các bước thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Dự thảo nghị quyết có 2 mảng nội dung-khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.

Từ tổng kết thực tiễn, phản ánh của các nhà khoa học cũng như phản ánh của địa phương, cơ quan soạn thảo và Chính phủ đã lựa chọn ra những điểm nghẽn về khoa học, công nghệ cần tập trung tháo gỡ.

Đột phá thứ nhất của dự thảo nghị quyết là cho phép nhà khoa học sử dụng kết quả nghiên cứu của mình và thương mại hóa, đưa kết quả nghiên cứu khoa học vào cuộc sống.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, Nhà nước chi tiền cho hoạt động nghiên cứu khoa học và kết quả khoa học là thuộc sở hữu của Nhà nước. Điều này dẫn tới thực trạng có những kết quả nghiên cứu khoa học “đút ngăn kéo”, không được đưa vào ứng dụng trong cuộc sống.

Cũng theo quy định hiện hành, nhà khoa học là viên chức Nhà nước. Luật Viên chức quy định viên chức không được tham gia sản xuất, kinh doanh.

“Không ai có thể biến kết quả nghiên cứu của mình thành hiện thực cuộc sống say sưa, tâm huyết bằng chính người nghiên cứu”, Phó thủ tướng Thường trực nói.

 Quang cảnh phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Vì thế, dự thảo nghị quyết cho phép nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu được phép ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của mình vào sản xuất, kinh doanh. “Chúng ta lấy hiệu quả cuối cùng là kết quả nghiên cứu khoa học, thành tựu nghiên cứu khoa học mang lại lợi ích cho cuộc sống làm hiệu quả xã hội”, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Đột phá thứ hai là dự thảo nghị quyết có quy định miễn trừ trách nhiệm trong trường hợp rủi ro. Trong khoa học cũng như trong kinh doanh đều phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Khoa học có rất nhiều rủi ro. Phó thủ tướng Thường trực nêu ví dụ, để làm ra 1 cái cốc, có khi phải làm tới 10 thí nghiệm, 9 thí nghiệm đầu thất bại, đến thí nghiệm thứ 9 mới thành công. Do vậy, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đưa ra nguyên tắc quản lý khoa học là quản lý mục tiêu, chứ không phải quản lý quá trình.

Thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị, dự thảo nghị quyết của Quốc hội quy định miễn trừ trách nhiệm của nhà nghiên cứu trong trường hợp rủi ro.

Đột phá thứ ba là dự thảo nghị quyết có quy định khuyến khích huy động nguồn lực xã hội cho nghiên cứu khoa học công nghệ. Theo quy định, Nhà nước dành 2-3% GDP cho nghiên cứu khoa học công nghệ, nhưng nguồn lực của Nhà nước không thể đủ.

Dự thảo nghị quyết khuyến khích huy động nguồn lực xã hội cho nghiên cứu khoa học công nghệ bằng cách cho phép tính chi phí nghiên cứu khoa học vào chi phí sản xuất và giảm trừ các loại thuế liên quan.

“Đây là một cách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học”, Phó thủ tướng Thường trực nói.

Đột phá thứ tư là về khoán chi. Quy định hiện hành mới có khoán chi nhân công. Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình tiếp tục với ví dụ về sản xuất cái cốc, nhà khoa học phải mua nguyên vật liệu để thí nghiệm. Quy định hiện hành buộc phải tiến hành đấu thầu với hoạt động mua sắm nguyên vật liệu. Quy định này ràng buộc nhà khoa học.

“Đôi khi, kết quả nghiên cứu khoa học chỉ mỏng trăm trang, nhưng hồ sơ thanh toán có khi dày cả gang, thậm chí phải kê chi tiết đã ở khách sạn nào, đi lại ra sao…”, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu ví dụ.

Do vậy, cách khoán chi một cách toàn diện như dự thảo nghị quyết của Quốc hội giúp loại trừ tất cả các thủ tục cho nhà khoa học vốn “rất giỏi về khoa học, nhưng lại rất dở về thanh toán”-điều có thể khiến nhà khoa học “có khi bị kỷ luật oan vì câu chuyện bất đắc dĩ phải làm”.

Về chuyển đổi số, Phó thủ tướng Thường trực cho biết, dự thảo nghị quyết tập trung vào 2 hạ tầng quan trọng nhất hiện nay là đường truyền và AI.

Đường truyền ở Việt Nam hiện nay vẫn chỉ có cáp quang, nhưng thế giới đang tập trung rất mạnh cho đường truyền vệ tinh (đường truyền không gian). Nêu ví dụ, để người dân ở khu vực vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận dịch vụ công trên nền tảng số, nếu kéo cáp quang tới các vùng sâu, vùng xa đó thì hiệu quả kinh tế không cao, Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho rằng, đường truyền không gian sẽ giúp giải bài toán về đường truyền cho vùng sâu, vùng xa.

Vấn đề hạn chế của đường truyền không gian là bảo mật. Nhấn mạnh điều này, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nói: “Nhưng lấy lợi ích của người dân, ít nhất là để người dân sử dụng dịch vụ công tại nhà, người dân ở vùng rất xa xôi cũng có thể ngồi ở nhà sử dụng điện thoại để tiếp cận các dịch vụ công mà Nhà nước triển khai trên nền tảng số, chúng ta phải có giải pháp để hỗ trợ người dân trong việc này”.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/nhieu-dot-pha-thao-go-vuong-mac-trong-hoat-dong-khoa-hoc-cong-nghe-chuyen-doi-so-815811