Nhiều chính sách đột phá cho phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh

Trên cơ sở ý kiến của một số ủy ban của Quốc hội và các ban, bộ, ngành cũng như của các chuyên gia, nhà khoa học tại những cuộc hội thảo, tọa đàm, khảo sát, đến nay, dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN) và động viên công nghiệp (ĐVCN) đã được bổ sung, hoàn thiện với nhiều nội dung mới, đột phá.

Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi với Đại tá Phan Thị Hoài Vân, Phó tham mưu trưởng Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng (CNQP), thành viên Ban soạn thảo dự thảo Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN xung quanh nội dung này.

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, qua nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung, dự thảo Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN đã đưa ra nhiều chính sách mới, đặc thù, có tính đột phá như thế nào để thúc đẩy sự phát triển của Công nghiệp QPAN?

Đại tá Phan Thị Hoài Vân: Dự thảo Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN nhận được rất nhiều sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội và cơ quan chức năng. Những ý kiến tham gia đóng góp đều tập trung vào việc thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển Công nghiệp QPAN, nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù cho lĩnh vực này. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu các ý kiến, Tổng cục CNQP-Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan bổ sung, chỉnh lý dự thảo luật. Theo đó, dự thảo luật quy định 38 cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có 15 cơ chế, chính sách mới; 23 cơ chế, chính sách vượt trội so với quy định hiện hành, như: Quy định hình thành quỹ công nghiệp QPAN; quy định về tổ hợp CNQP; hoạt động sản xuất QPAN; quy định về chính sách đầu tư và khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo; chính sách đối với doanh nghiệp là cơ sở CNQP nòng cốt, đối với đội ngũ nhân lực chất lượng cao... Qua đó tạo hành lang pháp lý bảo đảm xây dựng nền CNQP chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

 Đại tá Phan Thị Hoài Vân kiểm tra, động viên công nhân Nhà máy Z111, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Đại tá Phan Thị Hoài Vân kiểm tra, động viên công nhân Nhà máy Z111, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

PV: Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm là quản lý hoạt động sản xuất QPAN. Vậy nội dung này có gì đáng chú ý, thưa đồng chí?

Đại tá Phan Thị Hoài Vân: Về cơ bản, quản lý hoạt động sản xuất QPAN được kế thừa các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tính hợp lý, hiệu quả; trong đó có nội dung về giao cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết trình tự, thủ tục giao nhiệm vụ, đặt hàng sản phẩm QPAN, dịch vụ công nghiệp QPAN. Điểm mới trong dự thảo luật so với quy định trước đây là đã đưa vào văn bản tầm luật về phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đối với sản xuất QPAN. Mặc dù hiện nay, Luật Đấu thầu và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10-4-2019 của Chính phủ đã có quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Tuy nhiên, các văn bản này không áp dụng đối với lĩnh vực sản xuất QPAN sử dụng các nguồn ngoài ngân sách chi thường xuyên. Bên cạnh đó, sản phẩm, dịch vụ QPAN là sản phẩm đặc thù, không phải là sản phẩm, dịch vụ công nên việc vận dụng, áp dụng những quy định tại các văn bản trên sẽ có khó khăn, vướng mắc nhất định. Ngoài ra, dự thảo Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN đã quy định rõ trường hợp áp dụng tương ứng với từng phương thức nhằm bảo đảm chặt chẽ, thuận tiện trong quy trình triển khai, phù hợp với đặc thù của sản xuất sản phẩm, dịch vụ QPAN.

Đại tá Phan Thị Hoài Vân.

Đại tá Phan Thị Hoài Vân.

PV: Đề nghị đồng chí chia sẻ rõ hơn về nguồn lực tài chính cho công nghiệp QPAN trong dự thảo luật?

Đại tá Phan Thị Hoài Vân: Trong dự thảo luật đã quy định rõ có 4 nguồn lực tài chính cho công nghiệp QPAN, gồm: Ngân sách nhà nước; nguồn tài chính của doanh nghiệp; các quỹ hợp pháp chi cho công nghiệp QPAN; các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong đó, trên cơ sở tiếp thu những ý kiến đóng góp cho dự thảo luật, đã đề xuất sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư và hình thành quỹ công nghiệp QPAN để đáp ứng nhu cầu về nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp QPAN. Quỹ hỗ trợ đầu tư đang được Chính phủ xây dựng nghị định trên cơ sở Nghị quyết số 110/2023/QH15 ngày 29-11-2023 của Quốc hội. Quỹ có chức năng hỗ trợ, khuyến khích và thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp thuộc một số lĩnh vực ưu tiên, hỗ trợ cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Công nhân Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) tiến hành tổng lắp đạn.

Công nhân Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) tiến hành tổng lắp đạn.

Còn quỹ công nghiệp QPAN là quỹ mới, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Đây là các nguồn lực tài chính hiệu quả, góp phần giải quyết những vướng mắc, khó khăn về nguồn vốn thực tế đang gặp phải như: Ngân sách nhà nước bảo đảm cho công nghiệp QPAN còn chưa đáp ứng so với nhu cầu (theo thống kê giai đoạn 2012-2021, kinh phí vốn ngân sách nhà nước cho CNQP chỉ đạt 56% so với kế hoạch đăng ký; cho công nghiệp an ninh đạt khoảng 17,5% so với kế hoạch đăng ký); cần nguồn lực tài chính linh hoạt để triển khai kịp thời các nhiệm vụ cấp bách hoặc các sản phẩm mới, công nghệ cao, có tính rủi ro lớn; hỗ trợ ngân sách nhà nước trong triển khai những đề án, chương trình có tính chiến lược mà ngân sách chưa thể bố trí vốn hoặc chỉ bố trí được một phần vốn kế hoạch đề ra; việc hạn chế trong sử dụng một số quỹ (quỹ phát triển khoa học-công nghệ theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ; quỹ đổi mới công nghệ quốc gia theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao theo quy định của Luật Công nghệ cao; quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp...) để triển khai những dự án, chương trình lớn. Qua tham khảo kinh nghiệm ở các quốc gia có nền CNQP phát triển, thấy rằng họ đều có quỹ tương tự như quỹ công nghiệp QPAN để phục vụ phát triển CNQP.

PV: Trong dự thảo luật lần này, việc huy động công nghiệp dân sinh, nhiệm vụ ĐVCN được quy định như thế nào, thưa đồng chí?

Đại tá Phan Thị Hoài Vân: Có thể nói, dự thảo Luật Công nghiệp QPAN và ĐVCN đã có cách tiếp cận mới, bảo đảm hiệu quả huy động công nghiệp dân sinh, trong đó đã mở rộng lĩnh vực tham gia vào hoạt động công nghiệp QPAN đối với công nghiệp dân sinh, mở rộng các hình thức hợp tác giữa cơ sở CNQP nòng cốt và cơ sở công nghiệp dân sinh, quy định chính sách ưu đãi phù hợp. Đồng thời, dự thảo luật đã đưa cơ sở công nghiệp dân sinh được huy động vào hệ thống cơ sở CNQP, hệ thống cơ sở công nghiệp an ninh, đây là điểm mới so với quy định hiện hành. Đặc biệt, trong nhiệm vụ ĐVCN, cách tiếp cận mới được thể hiện rất rõ trên 5 nội dung sau:

Thứ nhất, mở rộng đối tượng ĐVCN cho tất cả thành phần kinh tế, kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Mở rộng lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp về sản phẩm ĐVCN, gồm: Vũ khí, trang bị kỹ thuật được sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa, tăng hạn sử dụng, vật tư kỹ thuật được sản xuất phục vụ QPAN; về đối tượng sử dụng sản phẩm (bổ sung thêm đối tượng dân quân tự vệ).

Thứ hai, ĐVCN được tiến hành trên cơ sở huy động năng lực đã có của doanh nghiệp; tập trung vào các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, quy mô sản xuất lớn, hạn chế huy động những doanh nghiệp nhỏ lẻ, sản xuất không ổn định; xây dựng mạng lưới cơ sở công nghiệp động viên rộng khắp, đa dạng về sản phẩm; đồng thời gắn kết chặt chẽ với hệ thống cơ sở CNQP nòng cốt.

Thứ ba, chuẩn bị ĐVCN được tiến hành, thực hiện từ thời bình và trong suốt quá trình động viên. ĐVCN là quá trình khép kín, có phát triển trong thực hành chiến tranh và sau chiến tranh. Quy định nguyên tắc cơ bản đối với những vấn đề mà thực tiễn chưa đủ cơ sở để luật hóa hoặc cần có tính mở, tính dự báo làm cơ sở cho triển khai khi có tình huống trong tương lai.

Thứ tư, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương, các quân khu trong việc khảo sát, lựa chọn, quản lý năng lực của các doanh nghiệp để ĐVCN trong những tình huống quốc phòng; xây dựng dữ liệu quốc gia quản lý năng lực các doanh nghiệp đáp ứng điều kiện ĐVCN.

Thứ năm, nâng cao hiệu quả, tính khả thi, thu hút doanh nghiệp tham gia ĐVCN thông qua việc bổ sung quy định về cơ chế, chính sách ưu đãi; tăng cường, gắn kết về quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ ĐVCN.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

SƠN BÌNH (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nhieu-chinh-sach-dot-pha-cho-phat-trien-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-778142