Nhiệm vụ bất khả thi của Nhà Trắng khi đàm phán thương mại ồ ạt

Những lời đe dọa của Mỹ về thuế quan khiến Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều nước khác vội vã tìm cách đàm phán dù chưa rõ Nhà Trắng muốn gì, trong khi leo thang căng thẳng với Trung Quốc.

Đối với một tổng thống tự tin về khả năng đàm phán như ông Donald Trump, 11 tuần tới là quãng thời gian thử thách quan trọng, khi các cố vấn đang chạy đua hoàn thành nhiệm vụ chưa chính quyền Mỹ nào từng thực hiện trước đây: Đạt thỏa thuận thương mại với hàng chục quốc gia.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định Nhà Trắng đang đặt ra một nhiệm vụ gần như bất khả thi, vì đàm phán các thỏa thuận thương mại truyền thống cần mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Ông Trump tìm cách dùng thuế quan làm đòn bẩy. New York Times nhận định các khoản thuế dẫn tới hỗn loạn và thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp, song không thể đưa một số đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, như Trung Quốc, vào bàn đàm phán.

Mỹ - Trung đóng băng đàm phán?

Mỹ và Trung Quốc đã tạm dừng một số hoạt động thương mại sau khi hai nước áp mức thuế quan 3 chữ số. Viễn cảnh về làn sóng phá sản, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu Trung Quốc, đang ở ngưỡng cửa nếu các rào cản thương mại được duy trì.

Một số quan chức Mỹ thừa nhận tình hình hiện tại sẽ không kéo dài và đã vạch ra chiến lược giảm thuế giữa 2 nước. Một nguồn tin tiết lộ các quan chức đang lo ngại về tác động đến thị trường chứng khoán, khi S&P 500 giảm 10% phần trăm kể từ khi ông Trump nhậm chức hôm 20/1.

Cho đến nay, Mỹ và Trung Quốc dường như không tham gia đàm phán thương mại. Chính quyền Trump tin rằng nền kinh tế Trung Quốc dễ bị tổn thương do phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.

 Mỹ - Trung liên tục leo thang căng thẳng thương mại. Ảnh: Reuters.

Mỹ - Trung liên tục leo thang căng thẳng thương mại. Ảnh: Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gần đây bác bỏ đồn đoán ông Trump đang cân nhắc đơn phương hạ mức thuế quan với Trung Quốc trước khi đàm phán với Chủ tịch Tập Cận Bình. Ông nhấn mạnh mọi động thái hạ nhiệt căng thẳng đều cần có sự đồng thuận từ 2 bên.

Trong khi đó, Guo Jiakun - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - khẳng định nước này sẽ không chùn bước trước lời đe dọa từ Washington. "Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, họ nên ngừng đe dọa và ép buộc, và đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi. Muốn đạt thỏa thuận với Trung Quốc trong khi liên tục gây sức ép không phải cách làm đúng đắn và sẽ không hiệu quả", ông Guo nói.

Không hiểu Nhà Trắng muốn gì

Ngược lại, lời đe dọa của ông Trump lại khiến nhiều nước khác nhanh chóng muốn đối thoại với Mỹ. Tuy nhiên, việc đàm phán quá nhiều thỏa thuận cùng một lúc đặt ra những thách thức lớn.

Nhiều bộ phận trong chính quyền mới vẫn còn thiếu nhân sự, khi nhiều quan chức cấp trung vẫn chưa được xác nhận. Theo Torsten Slok - nhà kinh tế trưởng tại Apollo Global Management, các thỏa thuận thương mại do Mỹ ký kết trung bình mất 18 tháng để đàm phán và 45 tháng để thực hiện.

"Trong khi thị trường chờ đợi đàm phán với 90 quốc gia cùng lúc, thương mại toàn cầu đình trệ vì những vấn đề tương tự thời kỳ Covid-19: Rào cản về chuỗi cung ứng dẫn tới tình trạng thiếu hụt tại các cửa hàng Mỹ trong nhiều tuần, lạm phát cao hơn và lượng khách du lịch đến Mỹ thấp hơn", ông Slok viết.

Theo các nguồn tin, một rào cản khác là nhiều nước không rõ Nhà Trắng muốn gì. Với những yêu cầu khó lường của ông Trump, họ không chắc các cấp phó có đủ thẩm quyền để chốt thỏa thuận.

Theo phân tích từ tiến sĩ James Scott thuộc khoa Kinh tế Chính trị của Đại học King's College London, các tuyên bố công khai ít khi nhất quán với nhau, và hầu như không ai giải thích rõ ràng Nhà Trắng cần đạt được gì. Một số luận điểm vô lý, song chính quyền Trump không ngừng nói đi nói lại.

Ông Scott cũng nhận thấy Nhà Trắng đang thiếu định hướng. Họ công bố thuế quan, rồi hoãn, rồi lại áp dụng, sau đó hủy bỏ một phần, rồi lại tăng lên khi các nước đáp trả. Mọi chuyện cứ thế tiếp diễn trong một chuỗi thông điệp mâu thuẫn và lộn xộn.

"Chính yếu tố này làm dấy lên câu hỏi: Liệu cách tiếp cận này mang tính chiến lược, khi Nhà Trắng cố tình dàn dựng hỗn loạn để các đối tác thương mại sẵn sàng nhượng bộ vì không rõ chuyện gì xảy ra tiếp theo? Hay mọi thứ thực sự đang không ổn định, không có nền tảng chiến lược mà chỉ là quyết định tùy hứng của một tổng thống Mỹ không hiểu và không quan tâm tới chính sách công?", ông Scott viết.

 Các quan chức châu Âu thất vọng khi chính quyền Trump thiếu mục tiêu rõ ràng. Ảnh: Reuters.

Các quan chức châu Âu thất vọng khi chính quyền Trump thiếu mục tiêu rõ ràng. Ảnh: Reuters.

Greta Peisch - đối tác tại công ty luật Wiley Rein - cho hay mốc thời gian eo hẹp đặt ra câu hỏi liệu thỏa thuận được ký kết trong vài tháng tới "mang tính thử nghiệm và tham vọng" hơn là mang tính thực tế không.

Dù một số thỏa thuận có thể hoàn tất nhanh chóng, những diễn biến ban đầu cho thấy mọi chuyện khá phức tạp, đặc biệt với các đối tác lớn như Nhật Bản. Hai quốc gia có các tranh chấp thương mại kéo dài hàng thập niên trong ngành công nghiệp như thép và phụ tùng ôtô. Một số thỏa thuận đang được thảo luận - như dự án Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư vào đường ống để xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Alaska - có thể mất ít nhất 5 năm để nhìn thấy kết quả.

"Tokyo muốn duy trì liên minh và hòa bình với Trump, nhưng không từ bỏ lợi ích cá nhân", Daniel Russel - Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á - nhận định. "Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng tăng đầu tư vào và mua thêm hàng hóa Mỹ, nhưng sẽ không bị thúc ép cho các thỏa thuận không công bằng".

Bộ trưởng Tài chính Anh Rachel Reeves cũng cho rằng London không vội vã ký kết thỏa thuận thương mại với Mỹ. Bà Reeves - người đã lên lịch gặp ông Bessent - cho biết bà muốn xóa bớt rào cản thương mại giữa Anh và các quốc gia khác, nhưng có những ranh giới cứng rắn không thể vượt qua, như thay đổi tiêu chuẩn an toàn thực phẩm hoặc ôtô.

Các quan chức châu Âu thất vọng khi chính quyền Trump thiếu các mục tiêu rõ ràng. Valdis Dombrovskis - ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế - cho biết Brussels đã đưa ra những đề xuất cụ thể, như mua thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng và áp dụng thuế quan bằng 0 với hàng hóa công nghiệp, nhưng Mỹ cần làm rõ hơn những gì họ muốn.

"Chúng tôi muốn tìm ra giải pháp và cách thức tiến lên phía trước", ông Dombrovskis cho biết. "Nhưng nếu không có giải pháp, chúng tôi sẵn sàng bảo vệ các công ty của mình".

EU đã lập danh sách hàng hóa Mỹ nằm trong tầm ngắm thuế quan và nỗ lực đa dọa hóa mạng lưới thương mại.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay bà đã trò chuyện với hàng loạt "nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới muốn hợp tác với chúng tôi về trật tự mới". "Phương Tây chúng ta từng biết không còn tồn tại nữa", bà nói.

Trí Ân

Nguồn Znews: https://znews.vn/nhiem-vu-bat-kha-thi-cua-nha-trang-khi-dam-phan-thuong-mai-o-at-post1548701.html