Nhật ký những ngày giãn cách xã hội: Xa mặt nhưng không cách lòng

Dù ai ở nhà nấy nhưng mọi người vẫn thăm hỏi, quan tâm, giúp đỡ nhau theo những cách mới, tuy có phần lạ lẫm nhưng chất chứa ân tình

Bạn đọc Nguyễn Thị Thanh Thủy (phường 7, quận Phú Nhuận):

Nhớ nhau thì gọi điện thoại

Sáng nay, tôi nhận được cuộc gọi hỏi thăm sức khỏe từ anh bạn ở quận Tân Bình (TP HCM). Gia đình anh nằm trong khu phong tỏa đã nhiều tuần qua. Anh tâm sự sống trong khu cách ly rất nhiều bất tiện, từ công việc đến thói quen sinh hoạt của cả gia đình đều bị ảnh hưởng, xáo trộn nhưng anh vẫn cảm thấy rất may mắn khi mọi người trong gia đình vẫn bình an bên nhau.

Nghe anh tâm tình, tôi tự dưng lại thấy trân quý hơn khoảng thời gian được sống trong "vùng xanh", dù những bất tiện cũng không ít. Con đường Nhiêu Tứ (phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM) nối dài đến đường Phan Xích Long, "khu ẩm thực" với vô số quán hàng rong buôn bán nhộn nhịp thâu đêm suốt sáng, lại còn có khá nhiều phòng trọ. Nhưng từ những ngày cuối tháng 5, khi thành phố áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, hàng quán đã tự động "nghỉ dịch".

Rồi từ những ngày đầu tháng 7, khi toàn thành phố bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 6 giờ sáng, không còn cảnh mọi người í ới gọi nhau đi tập thể dục. Thay vào đó là tiếng loa di động tuyên truyền về các biện pháp phòng chống dịch. Sau cánh cổng nhà đóng kín, nhiều người tranh thủ khoảng không gian có phần hạn chế để vận động, nhảy dây, hít thở…

Gần nhà, nhưng hễ... nhớ nhau lại cầm điện thoại lên gọi. Có hôm, bên kia điện thoại, giọng chị hàng xóm "réo": "Chị có ít dưa chuột, cà, bí là quà quê gửi vô. Chị bỏ bọc, treo trước cổng nhà em, em ra lấy nha!". Hôm khác, lại có người hớn hở: "Cô mới làm mẻ bánh mì, lần đầu làm mà thơm, ngon lắm! Cô để ngoài cửa nhà rồi, ăn rồi góp ý cho cô với!"... Giãn cách là xa mặt chứ không cách lòng. Mọi người xung quanh vẫn thăm hỏi, quan tâm, giúp đỡ nhau theo những cách mới, tuy có phần lạ lẫm nhưng chất chứa ân tình.

Sống trong "vùng xanh", mọi người không chủ quan mà ngược lại rất thận trọng, hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc. Bởi ai cũng hiểu, virus không chừa một ai, tự bảo vệ mình là cách tốt nhất để bảo vệ cộng đồng.

Đường Nhiêu Tứ, phường 7, quận Phú Nhuận, TP HCM vắng lặng sau 18 giờ và phần rau củ chị Thanh Thủy nhận được từ hàng xómẢnh: Nguyễn Thị Thanh ThủyBạn đọc Đặng Nguyên Đức (cư dân chung cư Jamona City, quận 7, TP HCM):

Ở nhà và làm cho bản thân tốt lên

Tôi vừa nhảy việc cũng là lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tôi thất nghiệp. Những chuỗi ngày sau đó rơi vào sự lười biếng: ăn, ngủ, xem phim...

Sau chuỗi ngày "làm vua" trong 4 bức tường, tôi quyết tâm phải thay đổi. Trước hết là tập tính siêng năng, kỷ luật. Dọn đồ đạc, sách vở cho gọn gàng; ngày ngày tự nấu ăn. Thậm chí rau củ nào có thể trồng được, tôi tìm hiểu rồi trồng, hiện đã có một vườn rau nhỏ với mấy loại rau thơm, hành, ngò. Tiếp đó, những quyển sách chưa kịp đọc, tôi đem ra nghiền ngẫm. Thời gian còn lại, tôi tập thể dục, mày mò học những gì mình thích và gọi điện thăm hỏi người thân.

Sau những nỗ lực hoàn thiện bản thân, công việc mới cũng đến. Một việc làm online đỡ đi phần nào mối lo về tài chính. Bây giờ, tôi đã quen với nếp sống tự làm mọi thứ và biết quan tâm đến người xung quanh.

Thì ra, những lúc bất tiện, hay khó khăn cũng là lúc ta khám phá sức mạnh và trui rèn bản lĩnh. Ở nhà và làm cho bản thân tốt lên là lựa chọn khiến tôi thật sự hạnh phúc.

Mỗi ngày ta đang sống đều thật sự ý nghĩa

Nhiều năm nay, vợ chồng tôi lao đầu vào công việc, thời gian dành cho con chỉ đúng 1 giờ mỗi tối. Hơn 2 tháng dịch bùng phát, chúng tôi ở nhà nhiều hơn. Trong khả năng của mình, chúng tôi quyết định mua thực phẩm về nấu bữa cơm phát cho bà con còn khó khăn ở gần đó. Cả nhà quây quần bên nhau vừa rửa rau củ, vo gạo, xào nấu... vừa trò chuyện, chia sẻ cho nhau mọi chuyện trong cuộc sống. Sau nhiều ngày phụ ba mẹ và chị nấu cơm, phát quà cho người nghèo, con trai út thường ngày nghiện game, nghịch ngợm giờ đã biết yêu thương mọi người, bỏ chơi game và có ý thức tự giác học tập.

Giãn cách xã hội chắc chắn gây nhiều bất tiện và ảnh hưởng không nhỏ cho nhiều người nhưng nếu nhìn ở góc độ tích cực, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để vun vén tình cảm gia đình và làm chút việc giúp ích cho cộng đồng thì mỗi ngày ta đang sống đều thật sự ý nghĩa.

Nguyễn Thị Hòa (phường 10, quận 8, TP HCM)

Ý Linh - Xuân Huy ghi

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/nhat-ky-nhung-ngay-gian-cach-xa-hoi-xa-mat-nhung-khong-cach-long-2021073020373688.htm