Nhất giống,...
Kiểm tra sản xuất đầu năm tại Tân Yên và trực tiếp xuống đồng trồng sâm núi Dành cùng nông dân, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương lưu ý cần đặc biệt quan tâm khâu giống để mở rộng diện tích và phát triển sâm núi Dành bền vững.
Theo báo cáo của huyện Tân Yên, hiện nay trên địa bàn huyện đã có 71,5 ha sâm núi Dành. Đáng lưu ý, riêng năm 2022 diện trồng mới khoảng 47,5 ha, lớn hơn tổng diện tích của nhiều năm trước cộng lại.
Diện tích sâm tăng mạnh là do huyện đã có quy hoạch vùng trồng sâm quy mô 100 -150 ha, cấp ủy, chính quyền trong huyện tích cực vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân đầu tư sản xuất, chế biến sâm; sản phẩm chế biến đa dạng, mẫu mã đẹp, tiêu thụ thuận lợi, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây sâm.
Nhìn vào biểu đồ mở rộng diện tích sâm núi Dành trong những năm gần đây thấy rằng diện tích sâm tăng rất nhanh, nhất là năm 2022 vừa qua. Như vậy việc cung ứng giống sẽ ra sao để bảo đảm chất lượng. Đáng lưu ý chu kỳ thu hoạch củ sâm từ 3-5 năm, nếu giống không bảo đảm chất lượng thì người trồng sâm sẽ phải gánh thiệt hại.
Hiện nay tại vùng sản xuất sâm núi Dành có hai loại giống là sâm lá to và sâm lá nhỏ. Giống lá to sau 3 – 5 năm năng suất có thể đạt 5- 7kg/gốc, trong khi năng suất giống lá nhỏ thấp hơn khoảng 2 kg/gốc. Hiện chưa có khuyến cáo nên mở rộng diện tích bằng loại giống nào, tuy nhiên diện tích sâm nhân rộng chủ yếu là giống lá nhỏ.
Từ thực tế trên, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương lưu ý ngành chức năng cần sớm nghiên cứu, phân tích ưu điểm của từng loại giống để khuyến cáo người sản xuất mở rộng diện tích bằng giống nào cho hiệu quả kinh tế cao. Đồng chí nói rằng, không làm được giống, giống không tốt thì không có sản phẩm tốt, muốn có sản phẩm tốt phải có giống tốt. Với khâu làm giống, lúc sản xuất ít thì không sao, khi làm đại trà thì giống sẽ bị thay đổi. Vì thế cần ưu tiên quy hoạch vùng núi Dành là nơi sản xuất, bảo tồn giống gốc, giống chuẩn.
Sau giống, yếu tố quan trọng thứ hai là quy trình sản xuất. Thực tế sản xuất nông nghiệp ở các nước tiên tiến và nhiều mô hình sản xuất xanh trong nước cho thấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ bảo đảm phát triển bền vững. Do vậy, ngành nông nghiệp cần củng cố quy trình sản xuất và phổ biến cho người trồng sâm áp dụng để có chất lượng sản phẩm đồng đều.
Người xưa đúc kết, “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Trong sản xuất nông nghiệp hiện đại thì khâu giống là quan trọng nhất bởi nó quyết định đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Có giống tốt cùng với ứng dụng khoa học công nghệ vào thu hoạch, chế biến bảo đảm chất lượng, giá thành hạ thì hàng hóa sẽ có sức cạnh tranh trên thị trường. Sâm núi Dành cũng không là ngoại lệ trong sản xuất theo chuỗi giá trị như những hàng hóa nông nghiệp có thương hiệu khác.
Để phát triển sâm núi Dành bền vững, một doanh nghiệp, một ngành không thể thực hiện mà cần có sự vào cuộc đồng bộ, sự liên kết chặt chẽ của “bốn nhà” trong đó khoa học, công nghệ cần có vai trò dẫn đầu trong tất cả các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương nhấn mạnh.
Trần Anh
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/theo-dong-su-kien/399065/nhat-giong-.html