Nhập khẩu nguyên liệu, cần những nguồn cung hợp pháp

Trong sản xuất công nghiệp, Đồng Nai phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu từ các nước. Có những ngành sản xuất, nguyên liệu nhập khẩu chiếm từ 50-70% như: dệt may; giày dép; xơ sợi dệt; sản phẩm sắt thép; máy tính, điện tử, linh kiện; sản phẩm gỗ; máy móc thiết bị và phụ tùng…

Đơn cử, quý I-2025, kim ngạch xuất khẩu của Đồng Nai đạt hơn 5,9 tỷ USD thì nhập khẩu nguyên liệu hơn 4,1 tỷ USD. Các mặt hàng Đồng Nai nhập khẩu nhiều là: chất dẻo, hóa chất, bông, vải, nguyên phụ liệu cho ngành giày dép, sắt thép các loại, nguyên liệu gỗ…

Theo các chuyên gia kinh tế, không chỉ thị trường Mỹ mà các thị trường khác như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Đông… cũng ngày càng đòi hỏi chặt chẽ hơn về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm. Có những thị trường còn đòi hỏi chi tiết từ quá trình sản xuất nguyên liệu đầu vào phải đảm bảo các tiêu chí về sản xuất xanh, tuần hoàn. Vì thế, các doanh nghiệp (DN) muốn sản xuất, xuất khẩu bền vững cần phải kiểm soát tốt nguồn cung nguyên liệu trong nước và nhập khẩu. Cụ thể, nguồn cung nguyên liệu phải hợp pháp, quá trình sản xuất nguyên liệu phải thân thiện với môi trường, ít phát thải khí carbon, không có nguy cơ gây mất rừng…

Thực tế lâu nay, nhiều DN ở Đồng Nai cũng như trong cả nước, khi nhập khẩu nguyên liệu chưa chú trọng tới quá trình sản xuất nguyên liệu qua từng công đoạn, truy xuất nguồn gốc. Hiện hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ, châu Âu đòi rất kỹ về việc này; mục đích nhằm hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa bền vững, bảo hộ sản xuất trong nước. Trong cuộc đua này, DN ở những quốc gia nào đi trước về xanh hóa sản xuất từ khâu nguyên liệu sẽ nắm bắt được cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu nhiều hơn.

Tại Đồng Nai, số lượng hàng hóa sản xuất ra có đến 70% xuất khẩu qua khoảng 180 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, 5 thị trường xuất khẩu chính của tỉnh là: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, châu Âu. Cả 5 thị trường chính này ngày càng đặt ra các hàng rào kỹ thuật cao hơn, đồng thời cũng kiểm soát nghiêm ngặt hơn. Vì vậy, DN chọn nguồn nguyên liệu xanh, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng các tiêu chí về môi trường, lao động sẽ đảm bảo được sản xuất, xuất khẩu, dễ dàng mở rộng thị trường qua nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. DN đa dạng được thị trường xuất khẩu sẽ giảm bớt rủi ro khi một số thị trường thay đổi chính sách thuế quan hoặc lập thêm hàng rào kỹ thuật cho các ngành hàng.

Khánh Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202504/nhap-khau-nguyen-lieu-can-nhung-nguon-cung-hop-phap-2c94c1f/