Nhân rộng giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới

Có thể nói, trải qua biến thiên của lịch sử, cùng những tác động không nhỏ của mặt trái cơ chế thị trường, của nền kinh tế số, nhưng gia đình Việt Nam vẫn được gìn giữ với những giá trị chuẩn mực tốt đẹp và ngày càng được vun đắp, phát huy qua nhiều thế hệ. Việt Nam đã và đang thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với mục tiêu: 'Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao...; xây dựng xã hội phồn vinh, dân chủ, công bằng, văn minh, trật tự, kỷ cương, an toàn, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân...'. Trong sự nghiệp chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của từng gia đình Việt Nam.

Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội Gia đình hạnh phúc năm 2023. Trong ảnh: Ban Tổ chức trao tặng cây xanh lưu niệm cho 10 gia đình tiêu biểu trên địa bàn quận Gò Vấp. Ảnh: Minh Phương

Quan điểm nhất quán và nhân văn của Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam

Gia đình và giá trị gia đình được Đảng và Nhà nước đặt ở một vị trí quan trọng, ngang tầm với dân tộc, thời đại và được khẳng định qua các kỳ Đại hội Đảng, thể hiện trong nhiều văn kiện. Trong văn kiện Ðại hội XII của Đảng nêu rõ: "Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Xây dựng mỗi trường học thật sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người".

Kế thừa và phát triển quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng qua các kỳ Đại hội và các Hội nghị Trung ương về lĩnh vực văn hóa trước đây, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII xác định: "Xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới".

Tháng 12/2021, Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 2238/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng đặt mục tiêu, xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, là hạt nhân, tế bào lành mạnh của xã hội, tổ ấm của mỗi người; là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, lối sống tôn trọng đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc; phát huy, nhân rộng các giá trị tốt đẹp góp phần thúc đẩy phát triển bền vững đất nước.

Đây là những văn bản quan trọng thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng về gia đình và công tác gia đình trong tình hình mới. Đồng thời, tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán và nhân văn của Đảng về xây dựng gia đình Việt Nam.

Gìn giữ giá trị chuẩn mực của gia đình

Ngày nay, trong sự phát triển chung của toàn xã hội, mỗi gia đình Việt Nam cũng ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống, là nền tảng để mỗi cá nhân vun đắp thêm hệ giá trị gia đình. Mỗi thành viên trong các gia đình có xu hướng vươn tới cái mới, đề cao lợi ích, hạnh phúc, nguyện vọng và tính độc lập của mỗi cá nhân, để đời sống ngày một phong phú hơn, lan tỏa các giá trị sống trong thời kỳ hiện đại, làm đa dạng hơn bản sắc đa văn hóa của gia đình Việt Nam.

Bên cạnh đó, không chỉ ở thành thị, mà ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các gia đình cũng đề cao mối quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ, yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm để tạo nên một gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Gia đình là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, nhân rộng các giá trị tốt đẹp để hướng tới xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc. Ảnh: Minh họa

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, mỗi thành viên trong gia đình cũng đã chọn lọc, tiếp thu những tinh hoa văn hóa từ bên ngoài để xây dựng thêm các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình mới, tích cực, phù hợp với thời kỳ hội nhập và phát triển. Song, không vì thế mà làm mất đi những nét đẹp vốn có, gia đình hiện đại vẫn phát triển trên nền tảng gia đình truyền thống, một nền móng cơ bản và vững chắc với các giá trị chuẩn mực mang tính bền vững, đó là lòng hiếu thuận, kính trên nhường dưới, lấy đức làm trọng trong lối sống, phong cách ứng xử.

Cho đến bây giờ, nhiều ngôi làng cổ vẫn được giữ gìn, những mái nhà xưa của cha ông vẫn được trùng tu, bảo tồn bên cạnh những ngôi nhà hiện đại cao tầng hàng ngày mọc lên. Điều này như một minh chứng cụ thể, sinh động về việc gìn giữ gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam. Ngược lại, chính truyền thống văn hóa trong mỗi gia đình Việt Nam trở thành một “sức mạnh nội sinh” để chống lại những tiêu cực, những ảnh hưởng ngoại lai từ bên ngoài.

Những thách thức

Tuy nhiên, bên cạnh việc gìn giữ những nét đẹp trên thì việc phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời đại mới hiện nay cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. Đó là mặt trái của nền kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa đang tạo ra những khoảng cách không nhỏ với những rạn nứt trong quan hệ gia đình, bởi nhịp sống công nghiệp, vòng xoáy công việc đang khiến thời gian bên gia đình của mỗi người dường như hạn hẹp hơn. Điều này khiến sợi dây gắn kết giữa các thành viên trong gia đình đang dần trở nên lỏng lẻo hơn, tạo nên những nguy cơ làm thay đổi hệ giá trị gia đình Việt Nam.

Hơn nữa, trước tác động đa chiều của xã hội hiện đại, sự phát triển như vũ bão của Internet và mạng xã hội cũng đang là một mối lo, đặt ra nhiều thách thức với các gia đình Việt. Nhiều sản phẩm văn hóa phẩm độc hại trôi nổi, trong đó, cổ súy cho lối sống nhanh, sống gấp, đề cao sự hưởng thụ, đi ngược với những giá trị, đạo đức, thuần phong mỹ tục đang len lỏi vào trong một số gia đình, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Xác định được tầm quan trọng của gia đình trong việc phát triển xã hội, ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Chỉ thị đã khẳng định: Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước.

Để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngoài những giải pháp mang tính đồng bộ từ Trung ương đến địa phương như: Nâng cao nhận thức về vai trò của gia đình đối với sự phát triển của xã hội; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình..., thiết nghĩ, vấn đề cốt lõi nhất vẫn thuộc về ý thức của mỗi con người.

Mỗi thành viên trong gia đình phải biết tôn trọng, nâng niu các giá trị chuẩn mực của gia đình truyền thống, dành thời gian quan tâm, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tạo ra môi trường lành mạnh, tràn ngập yêu thương. Bởi, một “gia đình bình an” chính là tiền đề quan trọng của một “xã hội hạnh phúc”.

Nhằm lan tỏa những nét đẹp trong văn hóa gia đình cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh, tháng 5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 28/6 hằng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Đây đã trở thành một sự kiện văn hóa lớn, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam, hướng tới sự phát triển bền vững của gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hà Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhan-rong-gia-tri-tot-dep-cua-gia-dinh-viet-nam-trong-thoi-ky-moi-post463062.html