Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng: Đạo Phật chỉ có một, đơn giản là giác ngộ

Mật thừa đã phát triển ở Việt Nam rất sớm, từ di tích các trụ đá khắc bản kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Phật Mẫu vào năm 973 thời Đinh và 995 thời Lê Đại Hành tại Hoa Lư, Ninh Bình, được phát hiện vào các năm 1963, 1964, 1978. Nhân dịp tháng Phật đản, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng – người cùng con gái Phan Tường Linh dịch cuốn sách 'Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng' của học giả người Anh Robert Beer vừa ra mắt độc giả Việt Nam.

PV: Hơn 30 năm làm việc và nghiên cứu tại nhiều nước ở vùng núi Himalaya, học giả người Anh Robert Beer đã viết 2 cuốn sách “Bách khoa thư và Mô típ Tây Tạng” (1999), và cuốn “Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng” (2003). Vì sao ông lựa chọn cuốn “Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng” để dịch trước?

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Việt Quỳnh.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng. Ảnh: Việt Quỳnh.

Nhà nghiên cứu PHAN CẨM THƯỢNG: Cuốn trên xuất bản năm 1999, cuốn dưới năm 2003. Tôi được người bạn cho bản PDF cuốn trên sớm, nhưng mãi năm 2015 mới mua được cuốn dưới. Ban đầu tôi nghĩ cuốn “Bách khoa thư” khó hơn, nên mới định dịch cuốn “Sổ tay”.

Khi làm mới biết cuốn “Sổ tay” gồm ghi chép nghiên cứu, có nhiều điều khá trừu tượng, do chính tác giả còn nghi hoặc, nên khó hơn rất nhiều. Lúc đầu tôi e ngại không dịch được, sau càng xem, càng thấy các thuật ngữ Phật giáo ở đó mình đã biết, nên cũng dễ dàng, và các thuật ngữ đó đã có ở Việt Nam trong 2.000 năm qua. Tôi nghĩ là mình làm được.

Là người nghiên cứu về văn hóa dân tộc Việt Nam, vì sao ông quan tâm tới Phật giáo Tây Tạng?

- Nghệ thuật Phật giáo nằm trong nghiên cứu của tôi ngay từ thời sinh viên, tôi quan tâm đến mọi di sản Phật giáo không phân biệt ở đâu, Đại thừa, Tiểu thừa, hay Kim cương thừa. Tôi cũng đã đi Tây Tạng, năm 2005, và rất yêu thích văn hóa Tây Tạng.

Sau 2 năm làm công việc dịch thuật, ông đã có những trải nghiệm và hiểu biết ra sao về Mật thừa Tây Tạng?

- Tôi chỉ quan tâm đến nghệ thuật Phật giáo, còn về cơ bản không nghĩ đến thừa nào. Tôi nghĩ rằng Đạo Phật chỉ có một, và đơn giản là giác ngộ. Phật có lời mà tôi nghĩ là sâu sắc nhất: Không nên nương tựa bất cứ thứ gì được gọi là hữu vi (Kinh Kim cương). Giác ngộ xong thì cũng nên bỏ luôn giáo lý, điều này cũng là Phật dạy: Chính pháp tắc xả, hà huống phi pháp (Chính pháp còn phải bỏ đi, nữa là phi pháp).

Trong quá trình dịch sách, ông đã gặp những vấn đề gì khi các từ trong Phật giáo Tây Tạng không hề phổ biến nhất là với tiếng Việt.

- Tiếng Anh không phải là vấn đề lớn khi dịch cuốn sách này, mà toàn bộ thuật ngữ Phật giáo trong cuốn sách dùng tiếng Phạn và Tạng nguyên gốc, hầu như không có chú giải, và coi như đó là tiếng Anh. Nên khi dịch buộc phải tìm ra khái niệm tương đương bằng Hán/ Việt, đã được dùng lâu đời trong Phật học Việt Nam truyền thống.

Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam hơn 2.000 năm qua, đi cùng với Phật giáo là những khái niệm thuật ngữ đã được Việt hóa, và Việt - Hán hóa tới mức rộng rãi và sâu sắc, kho ngôn ngữ này có vẻ bị lãng quên, tôi đã trình bày những cái đó trong chú dịch cuốn sách. Ví dụ Buddha/ Bụt, bsang/ Nhang, Jambudvipa/ Diêm phù đề… đó là thời phiên âm đầu tiên chưa bị ảnh hưởng của Phật giáo Đại thừa từ Trung Quốc, mà Phật giáo từ Ấn Độ và Tây Tạng vào thẳng Việt Nam.

Sau này thì thuật ngữ đó được phiên lại dưới sự ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc là Phật, Hương, Nam Chiêm bộ châu… Thật sự là các thuật ngữ Phật giáo Ấn/ Tạng rất phổ biến trong tiếng Việt. Tôi mất hơn một năm để lập ra một bảng tra riêng cho cuốn sách, gồm các ngôn ngữ Anh, Phạn, Tạng, Hán/ Trung và Hán/ Việt.

Cuốn sách “Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng” vừa ra mắt. Ảnh: Thư Hoàng.

Cuốn sách “Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng” vừa ra mắt. Ảnh: Thư Hoàng.

Trên thực tế, trong việc chuyển ngữ, các vị Đạo sư Tạng truyền cho rằng, tiếng Trung gần gũi với tiếng Tạng hơn nhiều, so với việc chuyển ngữ từ tiếng Tạng sang tiếng Anh, rồi từ tiếng Anh dịch về tiếng Việt đã có sự sai khác về ý niệm?

- Trong cuốn sách, tác giả thuần dùng tiếng Phạn và Tạng, không quan tâm đến tiếng Hán, nên tôi ở từng phần đều chú thích bằng các thứ tiếng: Anh (E), Phạn (Skt), Tạng (Tib), Hán Trung (HT), Hán Việt (HV) và Việt (V).

Do tiếng Trung Quốc thay đổi nhiều và cách dùng thuật ngữ Phật giáo cũng thay đổi so với thời Trần Huyền Trang nhà Đường, còn ở Việt Nam vẫn giữ nguyên truyền thống. Ví dụ Hán Trung là thân ngữ ý, Hán Việt là thân khẩu ý. Dịch thì luôn vừa đúng vừa sai, khi chuyển từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Tôi dịch đối chiếu bản tiếng Anh và Trung song song.

Mật thừa đã phát triển ở Việt Nam rất sớm. Như chúng ta đã biết vào các năm 1963, 1964, 1978, các di tích các trụ đá khắc bản kinh Phật Đỉnh Tôn Thắng Phật Mẫu, vào năm 973 thời Đinh tại Hoa Lư, Ninh Bình và 995 thời Lê Đại Hành được phát hiện. Từ các công trình kiến trúc Phật giáo, có thể thấy Mật tông phát triển thịnh vượng vào thời Đinh, Tiền Lê ở Việt Nam. Vào thế kỷ thứ VI, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ đã đến Việt Nam. Tại chùa Pháp Vân, ngài đã dịch Bộ kinh của Mật giáo, liên quan nhiều đến Thiền là “Đại thừa phương quảng tổng trì” (theo cuốn “Thiền uyển tập anh”)… Từ thực tế, ông có thấy Mật thừa vẫn tiếp tục tồn tại ở Việt Nam theo phương cách riêng và ẩn mật như thế nào?

- Đạo Phật du nhập vào Việt Nam một cách trực tiếp từ đầu Công nguyên, có lẽ từ Phật giáo Ấn Độ và Tây Tạng. Các di tích của sự du nhập này vẫn tiếp tục còn đến thế kỷ 17, mà chùa Bút Tháp là một ví dụ. Tôi ở Bút Tháp lâu năm, nên chính vì thế muốn tìm nguồn gốc Ấn Độ, Tây Tạng của các di tích này.

Cuốn sách của Robert Beer đã lý giải cho tôi điều đó. Nên ban đầu, tôi chỉ có ý định đọc cho mình hiểu vấn đề, ghi chép dần, rồi một ngày sự ghi chép nhiều lên trở thành bản thảo này. Con gái tôi học chuyên Anh, nên giúp tôi nhiều trong quá trình dịch thuật. Việc Mật thừa ẩn mình hay tiếp tục tồn tại, rồi được tiếp nối thế nào cho đến ngày nay (ở Việt Nam) có lẽ là việc của những người muốn tu Kim cương thừa.

Tôi không suy nghĩ nhiều về điều đó. Trên thực tế, nếu ta đọc phần Phụ lục 4 trong cuốn sách, sẽ thấy quan điểm của tác giả và nhiều người phương Tây, về việc có tu được Kim cương thừa hay không, tức là có khả năng chuyển kiếp của mình hay không, thì không phải ai cũng làm được, và cũng được các bậc Đại thành tựu truyền thừa cho.

Tác giả gián tiếp chỉ ra những phần cao siêu trong tâm thức và tu hành, không quá phổ biến, mà hầu hết người ta chỉ cảm nhận được hình thức của Phật giáo Tây Tạng, chứ không có khả năng thực hiện được.

Ông có thấy dấu ấn Mật thừa Tây Tạng tại chùa Hương và chùa Thầy?

- Tôi chưa vào bất cứ một ngôi chùa theo Mật thừa nào ở Việt Nam, nên không dám nói gì. Tôi yêu thích sự dấn thân, dâng hiến hơn là những hình thức màu mè làm che lấp bản chất bác ái và đơn giản của Đạo Phật. Tuy nhiên, tôi cũng suy nghĩ đâu là nguyên nhân chính để Kim cương thừa tái du nhập, khi Phật giáo hiện nay có nhiều vấn đề.

Các giả thuyết tái lập Tu Di đăng và Tu Di tòa Thích Ca Sơ Sinh. Ảnh do PGS.TS Trần Trọng Dương cung cấp.

Các giả thuyết tái lập Tu Di đăng và Tu Di tòa Thích Ca Sơ Sinh. Ảnh do PGS.TS Trần Trọng Dương cung cấp.

Trong cuốn sách mà ông đã dịch, sẽ giúp cho các Phật tử Việt Nam nắm được hệ thống Mật thừa Tây Tạng bài bản ra sao?

- Về mặt học thuật, những công trình của Robert Beer là kinh điển, chắc chắn giúp cho những người hướng về Đạo Phật và có thể là cả những bậc tu hành một hệ thống biểu tượng và ý nghĩa của nó trong lịch sử phát triển của Phật giáo Ấn Độ tiếp diễn thành Phật giáo Tây Tạng.

Người ta thường căn cứ vào cá nhân mình mà tu tập, nhưng có lẽ tu tập và giác ngộ là điều lớn lao hơn. Cá nhân nào cũng phải sinh lão bệnh tử, nhưng cái bản chất sống, tồn tại cuối cùng là tan hòa trong vũ trụ vô tận, mà mỗi sự vật chỉ là một hạt cát nhỏ. Do đó, khi hiểu được điều này thì nên hành xử thế nào trong cuộc sống thực tại. Đức Phật chỉ chỉ ra như vậy, còn làm thế nào là việc của từng cá nhân.

Các bản vẽ trong cuốn sách, khoảng hơn 100 minh họa, đều do tác giả tự vẽ trong 8 năm. Các bản vẽ này cũng là kinh điển về biểu tượng và mô típ Tây Tạng. Trong sách, tác giả cũng nói lời cảm ơn đến các nghệ sĩ thần thánh đã giúp đỡ ông về việc minh họa sao cho chính xác.

Nhìn các Pháp khí, biểu tượng Phật giáo Tây Tạng, ông thấy có những điểm chung gì với các pháp khí, biểu tượng Phật giáo Mật thừa Việt vẫn được thờ cúng trong các chùa cổ?

- Rất nhiều biểu tượng và pháp khí tượng tự như nhau, đến mức có thể nói, có một giai đoạn nào đó trong quá khứ, Kim cương thừa đã rất phổ biến ở Việt Nam. Đơn cử như hình tượng người lùn đỡ trụ đấu thường thấy chạm khắc trên kiến trúc cổ Việt Nam, chính là Đại hắc Thiên thần/ Panjara Mahakala, được mô tả là “người lùn cường tráng” (Tib. mi’u-thung get-ba). Cuốn sách này có thể giải thích khá nhiều biểu tượng, mô típ trong nghệ thuật Phật giáo cổ Việt Nam.

Từ cuốn sách mà ông đã dịch có thể liên hệ tới các di sản Phật giáo, hay biểu tượng Phật giáo Việt Nam. Tôi nhớ tới Cửu phẩm Liên hoa chùa Bút Tháp mà ông từng đưa tôi tới thăm quan. Về sau này, tôi cảm thấy đây cũng là một hình thái của Kinh luân xoay mà biểu tượng cũng tương tự như núi Tu di?

- Ở Việt Nam xưa có nhiều cây cửu phẩm, theo văn bia các chùa. Nhưng hiện chính thức còn lại ba cây Cửu phẩm vào cuối thế kỷ 17, là Cửu phẩm Liên hoa chùa Bút Tháp (Bắc Ninh), chùa Cập Nhất và chùa Phẩm (Hải Dương). Cây Cửu phẩm Liên hoa Bút Tháp có chạm khắc nhiều biểu tượng và hoạt cảnh Phật giáo, trong đó có hình tượng núi Tu Di (Meru). Các này cũng được giải thích trong cuốn Phật Tổ thống kỷ, sách cổ Phật giáo.

Khi tìm hiểu thêm từ nghiên cứu của PGS.TS Trần Trọng Dương, tôi được biết, chùa Một Cột nằm trong hệ thống chùa Diên Hựu, cũng sáng tỏ thêm đó là đồ hình của Mandala, phần trung tâm thờ Phật Thích Ca chứ không phải Bồ Tát Quan Âm như hiện nay?

- Mặt bằng Mandala thấy được ở chùa Một Cột (Diên Hựu tự) và chùa Bách Môn (Bắc Ninh), ngoài ra các chùa Phật Tích, chùa Dạm cũng coi như là mặt bằng Mandala (một phần). Hình tượng Quan Âm xuất hiện trong Phật giáo Việt Nam liên tục và chính thống, đến mức người ta coi thờ Quan Âm là một đạo riêng trong Phật giáo.

Ông có nói, Mật thừa Việt Nam ẩn tàng phía trong của dòng chảy Đại thừa, ông giải thích thêm được không?

- Kim cương thừa có lẽ du nhập rất sớm vào Việt Nam, rồi không rõ lý do gì chìm lẩn trong Đại thừa. Có lẽ yếu tố huyền hoặc và song tu không phù hợp với đạo đức Nho giáo cũng phổ biến trong xã hội phong kiến Việt Nam. Về cơ bản, Thần Phật được thờ tự ở Việt Nam mang tính nhất thân không có phối ngẫu. Cho nên có ảnh hưởng, nhưng sau đó chìm lẩn dần, tới mức người ta không nhận ra diện mạo ban đầu nữa. Cái này cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn.

Trong nhiều chùa ở Bắc bộ có thờ Phật Chuẩn đề, Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn, đây là hai vị Phật của Đại thừa nhưng cũng được tu tập thực hành phổ biến trong Kim cương Thừa?

- Trong chùa Việt cổ thờ rất nhiều loại Quan Âm khác nhau: Quan Âm Chuẩn đề, Quan Âm Vô úy, Quan Âm Tọa sơn, Quan Âm thị giả (Trong bộ Di Đà Tam tôn), Quan Âm Thiên thủ Thiên nhỡn, Quan Âm Nam Hải. Cho đến nay giới nghiên cứu ở ta chưa phân định hình tượng nào thuộc về Kim cương thừa. Tùy từng địa phương và tín ngưỡng vùng mà người ta đề cao hình tượng nào. Ví dụ gần sông biển, thì thường hay thờ Quan Âm Nam Hải, còn nói chung, Quan Âm Thiên thủ Thiên nhỡn thường ở các chùa lớn. Quan Âm Chuẩn đề cũng phổ biến.

Đúng như ông nói, các thừa trong Phật giáo cũng chỉ là một, mục đích cuối cùng vẫn là sự giác ngộ. Mọi phương pháp chỉ là phương tiện, đến đích rồi thì mọi pháp cũng phải bỏ đi để về Không. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Người ta thường căn cứ vào cá nhân mình mà tu tập, nhưng có lẽ tu tập và giác ngộ là điều lớn lao hơn. Cá nhân nào cũng phải sinh lão bệnh tử, nhưng cái bản chất sống, tồn tại cuối cùng là tan hòa trong vũ trụ vô tận, mà mỗi sự vật chỉ là một hạt cát nhỏ. Do đó, khi hiểu được điều này thì nên hành xử thế nào trong cuộc sống thực tại. Đức Phật chỉ chỉ ra như vậy, còn làm thế nào là việc của từng cá nhân.

Theo ông, chúng ta cần hiểu rõ về truyền thống văn hóa Mật thừa Việt Nam thông qua các nghiên cứu từ truyền thống Mật thừa Tây Tạng ra sao? Khi cùng có điểm chung là xuất phát từ các Đạo sư Mật thừa đến từ Ấn Độ. Để từ đó định vị và phát triển lại văn hóa Mật thừa Việt, thông qua sự giữ gìn bảo tồn truyền thống mật giáo ngàn năm không gián đoạn của Tây Tạng?

- Tôi thích câu nói của Đức Dalai Lama: Người ta không nhất thiết phải theo tôn giáo, cứ dùng đạo đức thế tục là đủ.

Ông có dự định gì tiếp theo cho việc nghiên cứu Mật thừa tại Việt Nam?

- Tôi sẽ cố gắng dịch nốt cuốn “Bách khoa thư về Biểu tượng và mô típ Tây Tạng”, trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!

"Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng” là công trình nghiên cứu được đông đảo công chúng quốc tế đón nhận, trở thành cuốn sách kinh điển và đã dịch ra nhiều thứ tiếng. Sau 2 năm, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng và con gái đã hoàn thành bản dịch tiếng Việt.

Sách do NXB Thế giới và Zen Books phối hợp xuất bản. Qua những khảo cứu, điền dã và tiếp xúc với các vật phẩm, công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ thực tế của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, ông thấy rất nhiều biểu tượng Phật giáo có nguồn gốc giống Tây Tạng. Năm 2005, sau khi đi Tây Tạng, ông càng khẳng định điều đó. Như vậy, Mật thừa tồn tại hơn nghìn năm tại Việt Nam theo phương cách riêng và ẩn mật.

NGUYỄN QUỲNH TRANG (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nha-nghien-cuu-phan-cam-thuong-dao-phat-chi-co-mot-don-gian-la-giac-ngo-10280969.html