Nhà giáo ưu tú gần 30 năm cống hiến cho giáo dục Địa lý

Gần 30 năm miệt mài cống hiến cho ngành giáo dục Địa lý, PGS.TS Nguyễn Phương Liên vinh dự được trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho PGS.TS Nguyễn Phương Liên

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú cho PGS.TS Nguyễn Phương Liên

Nhiều công trình nghiên cứu giá trị

Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Việt Bắc năm 1995; bảo vệ Thạc sĩ năm 1998, bảo vệ Tiến sĩ năm 2009 và được phong chức danh PGS năm 2016, PGS.TS Nguyễn Phương Liên - Trưởng Khoa Địa lý (Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên) đã có hành trình dài nghiên cứu về khoa học Địa lý và phương pháp dạy học Địa lý.

Trong gần 30 năm công tác, bà là tác giả của hàng trăm công trình, bài báo khoa học được đăng trên tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước. Có thể kể đến các bài: Tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh trong dạy học địa lý lớp 11; Cần tăng cường sử dụng các phương tiện - thiết bị dạy học trong việc dạy học địa lý ở trường THPT;

Tổ chức hoạt động nhận thức cho học sinh trong dạy học Địa lý lớp 11- Lấy ví dụ qua bài “Trung Quốc”; Phương pháp rèn luyện kỹ năng vẽ biểu đồ trong dạy học địa lý ở trường phổ thông; Các phương pháp giáo dục kiến thức biến đổi khí hậu toàn cầu trong dạy học địa lý ở trường phổ thông…

 PGS.TS.NGƯT Nguyễn Phương Liên (thừ 3 bên phải) tại đợt tập huấn cho giáo viên phổ thông ở Đà Nẵng.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Phương Liên (thừ 3 bên phải) tại đợt tập huấn cho giáo viên phổ thông ở Đà Nẵng.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, lĩnh vực nghiên cứu PGS.TS Nguyễn Phương Liên theo đuổi là lý luận và phương pháp dạy học địa lý. Các đề tài, công trình, sản phẩm nghiên cứu của bà hướng đến 3 đối tượng là sinh viên, giáo viên và học sinh phổ thông.

Bà chủ trì nhiều công trình nghiên cứu khoa học các cấp, tiêu biểu như: Nghiên cứu và vận dụng phương pháp tự học của sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên THPT miền núi; Hiện trạng và một số giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học môn địa lý kinh tế xã hội ở trường THPT thuộc các tỉnh Trung du phía Bắc;

Vận dụng quan điểm hệ thống để thiết kế bài giảng Địa lý lớp 11 bằng chương trình phần mềm tin học; Xây dựng hệ thống tư liệu địa lý phục vụ soạn bài cho sinh viên khoa Địa lý trong quá trình tập giảng và thực tập sư phạm…

Các đề tài của bà được giới chuyên môn đánh giá cao; cùng với đó, những giáo trình, sách, tài liệu về môn địa lý của bà được sinh viên, học sinh, giáo viên nhiệt tình đón nhận.

Ngoài biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo dùng trong đào tạo đại học, sau đại học; sách bài tập địa lý, sách tham khảo cho giáo viên Địa lý ở trường phổ thông, PGS.TS Nguyễn Phương Liên còn là chủ biên, đồng chủ biên, tác giả tài liệu Giáo dục địa phương cho nhiều tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên, Lai Châu, Thái Bình, Lạng Sơn, Hà Giang, Yên Bái, Quảng Bình...

 PGS.TS Nguyễn Phương có nhiều đóng góp cho ngành khoa học Địa lý.

PGS.TS Nguyễn Phương có nhiều đóng góp cho ngành khoa học Địa lý.

Đóng góp quan trọng cho khoa học Địa lý

Chia sẻ về môn địa lý, PGS.TS Nguyễn Phương Liên cho biết: Địa lý là môn học mang tính tổng hợp, vừa thuộc lĩnh vực khoa học xã hội, vừa thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, vì vậy, để học tốt môn Địa lý, người học cần phải có tư duy logic, tường minh, mạch lạc chứ không chỉ học thuộc lòng.

Chương trình GDPT 2018 được xây dựng theo hướng mở, ngoài những nội dung cốt lõi, bắt buộc thì các địa phương, các nhà trường được chủ động trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp; hầu hết các giờ học địa lý được thiết kế dưới dạng hoạt động cả trong và ngoài không gian lớp học. Đây là cơ hội để giáo viên thỏa sức sáng tạo với từng nội dung bài học.

PGS.TS Nguyễn Phương Liên phấn khởi khi thấy rằng, ở cấp THPT, môn Địa lý đã được nhiều học sinh lựa chọn; đa số các em đã có những nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của môn Địa lý trong nhà trường và đối với việc định hướng nghề nghiệp. Các nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông môn Địa lý đã được triển khai tập huấn đầy đủ, giúp giáo viên chủ động trong việc thực hiện chương trình.

“Trong quá trình công tác, tôi từng dự nhiều giờ dạy của giáo viên phổ thông và thấy rằng, hầu hết thầy cô, nhất là đội ngũ giáo viên trẻ có kiến thức và kỹ năng sư phạm rất tốt. Các thầy cô tâm huyết, sáng tạo, say mê với từng tiết học; thiết kế nhiều hoạt động bổ ích, lý thú, tạo sức hấp dẫn cho môn học và lôi cuốn học sinh tích cực tham gia”, bà Liên chia sẻ.

 PGS.TS.NGƯT Nguyễn Phương Liên (giữa) tham gia hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Địa lý.

PGS.TS.NGƯT Nguyễn Phương Liên (giữa) tham gia hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Địa lý.

Từ thực tế đó, PGS.TS Nguyễn Phương Liên cho rằng, làm nhà giáo, chỉ tâm huyết là chưa đủ mà cần có kiến thức chuyên môn vững chắc, chuyên sâu; như vậy mới có thể thiết kế các hoạt động dạy học hấp dẫn.

PGS.TS Nguyễn Phương Liên lạc quan cho rằng, đa số sinh viên hiện nay có định hướng nghề nghiệp rõ ràng nên khi quyết định xét tuyển/thi tuyển vào khoa Địa lý, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên), phần lớn các em đều học tập chăm chỉ, rèn luyện đạo đức, kỹ năng, kiến thức, cho kết quả đào tạo rất tốt.

Cũng có số ít sinh viên đến với ngành Sư phạm Địa lý, ban đầu là do trúng tuyển nguyện vọng 2 nhưng chỉ sau khoảng nửa kì học, các em đã bắt nhịp và yêu thích chương trình.

Tại lễ trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú nhân dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự ghi nhận, đánh giá rất cao đối với đóng góp của các thầy cô, trong đó có PGS.TS.NGƯT Nguyễn Phương Liên cho ngành giáo dục, cũng như cho sự nghiệp khoa học và đổi mới sáng tạo của đất nước trong suốt thời gian qua.

Vân Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-giao-uu-tu-gan-30-nam-cong-hien-cho-giao-duc-dia-ly-post709549.html