Nguy kịch do uống thuốc nam chứa chì

Sau khi uống thuốc nam với mục đích chữa bệnh, chữa lành vết thương, tẩm bổ, kích thích ăn uống, không ít người đã phải nhập viện trong tình trạng nguy hiểm tính mạng

Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi (ở Thanh Hóa), bị ngộ độc chì nguy kịch do cha mẹ cho trẻ dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để chữa bệnh động kinh.

Gia đình cho biết trước đó 3 tháng thấy bé co giật nhiều hơn, gia đình đi mua thuốc nam dạng viên, không rõ nguồn gốc, về cho trẻ uống.

Trẻ nguy kịch vì ngộ độc được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Nhi trung ương

Sau khi uống thuốc, tình trạng co giật có giảm, nhưng khoảng 1 tháng nay trẻ bị rối loạn hành vi, khóc buồn vô cớ, hay kêu đau đầu…

Trẻ nhập viện Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng co giật, nôn nhiều, rối loạn ý thức, da xanh tái. Kết quả xét nghiệm cho thấy trẻ bị ngộ độc chì rất nặng.

Một trường hợp khác là trẻ 9 tuổi (ở Hà Tĩnh) nhập viện trong tình trạng lơ mơ, co giật nhiều và kéo dài, giảm tri giác. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc chì rất nặng và có tổn thương não. Gia đình cho biết thường mua thuốc cam về cho trẻ uống và tin tưởng đây là thuốc đông y có thành phần tự nhiên, lành tính và không độc hại.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 60 tuổi có tiền sử uống thuốc nam trị sỏi thận.

Sau khi dùng thuốc được 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện các dát đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác khắp tay chân, thân mình. Sau đó, các tổn thương này lan ra toàn thân.

Bệnh nhân được chẩn đoán dị ứng thuốc thể hoại tử thượng bì nhiễm độc do thuốc chứa chì.

Bệnh nhân bị lở loét sau khi uống thuốc nam trị sỏi thận

Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng Khoa điều trị tích cực, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cảnh báo ngộ độc chì vô cùng nguy hiểm, đặc biệt đối với sự phát triển của trẻ. Triệu chứng về thần kinh cấp tính là tình trạng kích thích, co giật, lơ mơ, hôn mê, liệt. Về tiêu hóa, trẻ có thể bị nôn, đau bụng, chán ăn…

Các biểu hiện lâu dài, không điển hình có thể xảy ra như: trẻ chậm phát triển nhận thức, tinh thần, giảm khả năng nghe, mất các kỹ năng học tập, thay đổi thái độ hành vi, mệt mỏi, da xanh xao, cơ thể gầy yếu.

Ngoài ra, bác sĩ cũng cảnh báo, không ít ca mẹ sử dụng loại thuốc bột màu cam (thường gọi là thuốc cam) không rõ nguồn gốc cho trẻ uống với mục đích giúp trẻ tăng cân, tưa lưỡi, chữa loét miệng và chữa lành một số bệnh thông thường. Sai lầm này khiến nhiều trẻ phải nhập viện do ngộ độc.

Theo bác sĩ Nam, chì vào cơ thể có thể tích lũy lâu trong nội tạng gây tổn thương nhiều cơ quan như thần kinh, xương, hệ huyết học, máu, gan, thận, hệ tiêu hóa, tim mạch và phải mất hàng chục năm mới có thể thải trừ ra ngoài.

Bác sĩ Nam khuyên cha mẹ không làm theo những phương pháp truyền miệng chưa được kiểm chứng, tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam không rõ nguồn gốc, không có giấy phép lưu hành. Đối với người bệnh có bệnh mạn tính, nên tuân thủ điều trị của bác sĩ cũng như tái khám theo đúng hẹn tại cơ sở y tế uy tín.

D.Thu

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nguy-kich-do-uong-thuoc-nam-chua-chi-1962405120735345.htm