Nguy cơ mất đất, mất nhà vì hợp đồng ủy quyền

Đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sớm làm rõ bản chất, giải quyết vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công bằng cho các bên.

Mẹ con bà Trậm đã có đơn gửi đến nhiều cơ quan

Mẹ con bà Trậm đã có đơn gửi đến nhiều cơ quan

Theo trình bày của bà Đỗ Thị Trậm (78 tuổi, ở thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, Nam Sách), do tuổi cao, sức yếu, bà muốn chuyển quyền sử dụng thửa đất đang ở rộng 315 m2 cho con gái là chị Vương Thị Châm (40 tuổi). Chị Châm có quen biết với anh Mai Xuân Quang (38 tuổi, ở phường Quang Trung, TP Hải Dương). Do tin tưởng, mẹ con bà Trậm đã nhờ anh Quang làm hộ thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Để thực hiện công việc trên, ngày 25.6.2020, tại Văn phòng Công chứng Bùi Văn Hản ở phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương), bà Trậm ký hợp đồng ủy quyền cho anh Quang thực hiện các thủ tục pháp lý, trong đó có nội dung quản lý, sử dụng, chuyển nhượng, tặng cho, thuê cho, cho mượn, thế chấp vay vốn...

Bà Trậm cho biết sau nhiều lần thúc giục về việc làm thủ tục sang tên thửa đất nhưng anh Quang khất lần, không trả lời. Gia đình bà đã kiểm tra thông tin thì phát hiện thửa đất đã bị anh Quang chuyển nhượng cho người khác. Sau đó, anh Quang nói việc chuyển nhượng là để trừ vào số tiền 650 triệu đồng bà Trậm vay của anh Quang.

Làm việc với phóng viên, mẹ con bà Trậm cho biết việc bà Trậm ký hợp đồng ủy quyền là có nhưng do thiếu hiểu biết pháp luật và không nghiên cứu kỹ các nội dung trong hợp đồng. Từ ngày 22.6.2020-28.3.2021, chị Châm đã nhiều lần vay của anh Quang tổng số tiền 100 triệu đồng, lãi suất thỏa thuận là 1.000 đồng/triệu/ngày. Sau này anh Quang có tăng tiền lãi. Cũng theo chị Châm, sau 2 lần trả tổng số tiền 130 triệu đồng, chị chỉ còn nợ anh Quang 34 triệu đồng chứ không phải 650 triệu đồng. Tuy nhiên, việc vay, trả tiền không có giấy tờ chứng minh các khoản vay, lãi suất mà chỉ thỏa thuận miệng giữa 2 người.

Tương tự như mẹ con bà Trậm, anh Đinh Văn Phúc ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) cũng vay tiền của anh Quang và ký hợp đồng ủy quyền cho anh này thực hiện các công việc liên quan đến quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất của gia đình mình ở số 26 Hàn Giang, phường Quang Trung. Khi anh Phúc làm thủ tục bán nhà cho một người khác thì mới phát hiện nhà đất của mình đã ủy quyền cho anh Quang và được anh Quang gửi cho giấy biên nhận tiền với nội dung anh Phúc nhận 1,2 tỷ đồng tiền bán nhà mình cho anh Quang. Vì không có khả năng chi trả số tiền 300 triệu đồng vay của anh Quang; tiền đặt cọc, tiền bồi thường cho người mua nhà; lo lắng vi phạm pháp luật vì bán 1 thửa đất cho 2 người, anh Phúc đã phải trả anh Quang trên 1 tỷ đồng để anh Quang làm thủ tục chấm dứt hợp đồng ủy quyền.

Theo anh Phúc trình bày, khi vay 300 triệu đồng của anh Quang, hai bên cũng đã đến Văn phòng Công chứng Bùi Văn Hản để ký hợp đồng vay tài sản. Việc có chữ ký của anh ở hợp đồng ủy quyền có thể do anh Quang để lẫn cùng các giấy tờ trong hồ sơ vay tiền mà anh Phúc không để ý nên đã ký. Đối với giấy biên nhận số tiền 1,2 tỷ đồng tiền bán nhà, anh Phúc cho rằng lần đó anh chỉ vay thêm anh Quang 15 triệu đồng và ký xác nhận, còn thời gian ký giấy, nội dung bán nhà và nhận 1,2 tỷ đồng là do anh Quang ghi vào sau. Điều này cần được làm rõ đúng hay sai.

Phóng viên đã liên hệ với anh Quang để có thêm thông tin làm rõ vụ việc nhưng anh này trả lời không có mặt ở TP Hải Dương nên chưa thể gặp. Theo tìm hiểu của phóng viên, cả 2 trường hợp trên đều thừa nhận có ký hợp đồng ủy quyền liên quan đến quyền sử dụng đất của mình cho anh Quang, trong đó anh Phúc thừa nhận ký giấy biên nhận tiền bán nhà; bà Trậm cho biết có ký một giấy biên nhận do anh Quang đưa cho không rõ nội dung như thế nào. Vụ việc có nhiều điểm bất thường. Đó là việc vay tiền giữa anh Quang với chị Châm, anh Phúc đều không thể hiện lãi suất rõ ràng và không có xác nhận mỗi lần vay, trả. Nếu bà Trậm, anh Phúc thực sự có ý định bán đất, nhà cho anh Quang thì vì sao các bên lại không ký hợp đồng chuyển nhượng mà lại thực hiện hợp đồng ủy quyền vốn có nhiều rủi ro pháp lý hơn? Thời điểm các hợp đồng ủy quyền được xác lập cách không xa thời điểm vay tiền; lúc này số tiền gốc và lãi chưa tăng lên quá cao khiến việc người vay phải bán đất, nhà với giá trị gấp nhiều lần tiền vay để trả nợ cũng thiếu thuyết phục. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất (nếu có) giữa bà Trậm và anh Quang cũng không thể hiện việc chuyển nhượng tài sản trên đất, trong đó có ngôi nhà mà mẹ con bà đang ở. Đặc biệt, nếu anh Phúc có ý định và đã bán nhà đất cho anh Quang thì tại sao lại tiếp tục làm thủ tục bán nhà đất cho một người khác để tự gây rắc rối pháp lý, thiệt hại tài sản cho chính mình và có thể phạm tội hình sự. Việc cả 2 thửa đất trên đều do một người đứng tên quyền sử dụng đất (bà Trậm và anh Phúc) cũng khiến việc ký nhận, thực hiện các hợp đồng ủy quyền có thể có sơ hở dễ bị lợi dụng...

Theo luật sư Nguyễn Kiều Đông, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, trong trường hợp này nếu bà Trậm, anh Phúc cho rằng hợp đồng ủy quyền được giao kết không đúng pháp luật, không đúng ý chí của bản thân thì cần có chứng cứ để chứng minh, đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

Có thể thấy, vụ việc trên không đơn thuần là tranh chấp dân sự từ việc chuyển nhượng nhà đất mà có nhiều biểu hiện bất minh, có dấu hiệu liên quan đến hoạt động "tín dụng đen". Gia đình bà Trậm và anh Phúc đã có đơn thư phản ánh gửi đến nhiều cơ quan trong tỉnh, trong đó có Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, Công an TP Hải Dương.

HẠO NHIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te/nguy-co-mat-dat-mat-nha-vi-hop-dong-uy-quyen-201537