Người 'xây tổ ấm' trên mảnh đất biên cương Pa Ủ
Ở nơi khó khăn, thiếu thốn nhất, Thiếu tá QNCN Lý Văn Hướng (y sĩ Đồn Biên phòng Pa Ủ, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) luôn tìm thấy hạnh phúc trong công việc cũng như cuộc sống. Mùa xuân của người lính Biên phòng không chỉ có hậu phương vững chắc mà còn là giúp đồng bào La Hủ xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.
Người thầy thuốc mẫn cán
Đầu những năm 1990, cái tên Pa Ủ, Ka Lăng, Thu Lũm được biết đến là miền đất xa xôi, khó khăn bậc nhất của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, nhưng chàng lính trẻ Lý Văn Hướng đã không ngại đi thuyền, đi bộ cả mấy ngày để đến được nơi cần tới. Bởi vậy mà sau khi tốt nghiệp Trung cấp Y tế tỉnh Lai Châu, anh vui vẻ quay trở lại Đồn Biên phòng Pa Ủ vì biết rằng nơi ấy có nhiều người đang cần mình. Khi đó, ở Pa Ủ bệnh phổ biến nhất là sốt rét. Điều kiện cơ sở vật chất không đủ nên những ca sốt rét ác tính phải chuyển tuyến. Người khỏe khênh người ốm cứ thế vượt rừng để ra bến sông Đà đưa lên thuyền chở về thị trấn Mường Tè. Là quân y nên dù đang lên cơn sốt, anh Hướng cũng phải gắng gượng để điều trị cho anh em. Bên nhau lúc ở giữa lằn ranh sự sống và cái chết càng khiến tình đồng chí, đồng đội thêm gắn bó.
Những năm trước, người La Hủ gần như sống cách biệt với bên ngoài nên hầu hết đều không biết tiếng phổ thông. Khi thấy bộ đội nói được tiếng của đồng bào, họ bớt ngại ngần rồi tin tưởng, yêu quý, coi như người thân, chia sẻ nhiều thứ. Và, với Thiếu tá Lý Văn Hướng, việc học tiếng La Hủ trước tiên xuất phát từ nhu cầu thực tế ấy. Năm 2002, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ khi ấy là ông Ly Sà Pu. Một lần ông Pu bị sốt rét, nằm nhà ở bản Nhú Ma. Hôm ấy, đứa cháu họ của ông Ly Sà Pu hớt hải chạy lên đồn báo bác ốm quá rồi, sợ không qua khỏi. Nghe vậy, Thiếu tá Lý Văn Hướng chỉ kịp đeo theo túi thuốc quân y rồi cứ thế nhằm hướng bản Nhú Ma mà đi, mặc lúc ấy trời bắt đầu chuyển tối. Tới nơi, thấy Bí thư Ly Sà Pu đã rất yếu, người mê man, co quắp, dấu hiệu của sốt rét ác tính. Thế nhưng, khi anh lấy thuốc ra tiêm thì gia đình nhất định không đồng ý vì “Thầy mo chưa cúng, thuốc không thể vào được”. Thế nhưng, Thiếu tá Lý Văn Hướng đã điều trị và ông Ly Sà Pu qua cơn nguy kịch. Cũng từ đó, người lính Biên phòng này đã trở thành thành viên của gia đình.
Người La Hủ vốn tin con ma rừng làm người ốm đau và phải nhờ thầy mo cúng mới khỏi. Không tính đến chuyện tốn kém vì giết gà, lợn để cúng mà còn không thể khỏi bệnh bởi vậy, “cuộc chiến” của người lính quân y khó khăn hơn rất nhiều. Đã nhiều lần, Thiếu tá Lý Văn Hướng “gặp riêng” thầy mo nhưng vì niềm tin và lợi ích nên kết quả gần như bằng không. Cho đến một ngày, thầy mo Ly Si Pu (bản Thăm Pa) bị sốt rét. Thiếu tá Lý Văn Hướng khám xong rồi nói: “Tôi chữa bệnh khỏi rồi thì không được nói với mọi người là ốm phải cúng mới khỏi nhé!”. Thực ra, chẳng cần thầy mo Ly Si Pu phải đi nói, mọi người thấy quân y Biên phòng chữa cho thầy mo khỏi ốm thì hiểu được giá trị của uống thuốc chữa bệnh. Người này nói với người kia, và rồi, người La Hủ ốm đều tìm đến thầy thuốc. Ngay cả việc sinh nở của phụ nữ, nếu như trước đây tự sinh nở ở ngoài rừng, ở nhà thì nay hầu hết đã đến trạm y tế.
…xây những tổ ấm trên biên cương
Ngay gần Đồn Biên phòng Pa Ủ có 1 căn nhà gỗ nhỏ nhắn nằm giữa vườn cây ăn quả mùa nào cũng sai trĩu. Đó chính là tổ ấm của Thiếu tá Lý Văn Hướng cùng vợ là chị Lù Thị Chiên. 18 năm trước, chị Chiên từ Mường Tè lên Pa Ủ để vợ chồng, cha con được gần nhau. Ngày mới lên, anh Hướng bàn với vợ: “Vợ chồng mình cố gắng phát triển kinh tế để có của ăn cửa để, lo các con học hành. Anh cũng muốn xây dựng 1 mô hình vườn ao chuồng để đồng bào La Hủ nhìn vào mà học hỏi theo”. Nghe những lời tâm sự của chồng, chị Chiên không tiếc sức lực, sáng lên nương trồng lúa ngô, chiều lại chăm sóc đàn gà, lợn. Ngày nghỉ, anh Hướng lại mày mò chiết, ghép mận, quýt để ươm vườn cây ăn quả. Nhờ chịu khó lại được chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cây ăn quả của gia đình Thiếu tá Lý Văn Hướng năm nào cũng cho thu hoạch vài tấn. Đàn lợn, gà luôn có khách đặt trước bởi vậy mà thu nhập luôn “dư sức” cho các con ăn học và phụng dưỡng cha mẹ ở quê nhà.
Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8-10-2018 của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ đội Biên phòng về việc "Phân công đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới", Thiếu tá Lý Văn Hướng nhận đỡ đầu gia đình ông Phản Le Pha, vợ là Ly Mì Pư (bản Tân Biên). Anh đã giúp gia đình khai hoang làm lúa nước, về nhà chiết cành mận, cam, quýt để gia đình ông Pha trồng vườn cây ăn quả; đến giờ gia đình đã có thu nhập.
Năm 2021, Thiếu tá Lý Văn Hướng được cử tham gia sinh hoạt tại chi bộ bản Trà Kế, một bản cách trung tâm xã hơn chục cây số và được giao phụ trách gia đình ông Phản Chừ Xa, bà Lò Mì Pư ở bản Trà Kế này. Hoàn cảnh của ông Xa, bà Pư rất đặc biệt. Hai vợ chồng đã hơn 50 tuổi, các con gái lấy chồng ở riêng, con trai thì đang thụ án vì tội mua bán trái phép chất ma túy nên cuộc sống vốn khó khăn lại càng thiếu trước hụt sau. Thiếu tá Lý Văn Hướng động viên ông bà mở rộng thêm diện tích lúa nước, anh cũng mang cây giống đến để ông bà trồng và động viên: “Ngoài việc để có thêm thu nhập, cũng là tạo lập tài sản để con trai sau này về có cái phát triển kinh tế, không còn dính dáng đến ma túy nữa”.
Bận bịu với công tác thế nhưng Thiếu tá Lý Văn Hướng vẫn luôn dành thời gian giúp vợ phát triển kinh tế gia đình, quan tâm đến việc học của con cái. Học hết cấp 2 ở Pa Ủ, anh Hướng đưa 2 con về thị trấn Mường Tè để học lên cao. Dạy con tính tự lập từ bé nên khi đi học xa nhà, hai con gái của vợ chồng Thiếu tá Lý Văn Hướng vẫn học rất giỏi, chăm ngoan. Cô con gái đầu đỗ vào Đại học Y Hà Nội (hiện đang công tác ở Hà Nội), con gái thứ 2 cũng tốt nghiệp Trường Đại học Nội vụ Hà Nội và làm cho Công ty Viettel tại thị trấn Mường Tè.
Cứ thế, trên mỗi cung đường đi qua, Thiếu tá Lý Văn Hướng đã viết nên câu chuyện tình quân dân như những nốt vui trong bản nhạc mùa xuân nơi biên cương.