Người mua khí đốt Nga ở châu Âu gấp rút tìm giải pháp né lệnh trừng phạt ngân hàng của Mỹ

Các quốc gia châu Âu vẫn tiếp tục mua khí đốt từ Nga đang chạy đua để tìm cách thanh toán nguồn cung trước ngày 20/12 mà không vi phạm các lệnh trừng phạt bất ngờ từ Mỹ.

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Gazprombank, ngân hàng mà một số quốc gia Trung Âu sử dụng để thanh toán cho Nga. Ảnh RT

Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt lên Gazprombank, ngân hàng mà một số quốc gia Trung Âu sử dụng để thanh toán cho Nga. Ảnh RT

Tuần trước, Washington áp đặt lệnh trừng phạt lên Gazprombank, ngân hàng mà một số quốc gia Trung Âu sử dụng để thanh toán cho Nga, làm gia tăng nguy cơ cắt đứt nguồn cung khí đốt. Trước đây, Gazprombank được miễn trừ các lệnh trừng phạt nhằm tránh gây gián đoạn nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, động thái mới này của Mỹ dường như là một phần trong chiến lược siết chặt nguồn tài chính của Nga để gây khó khăn cho nỗ lực chiến tranh của Tổng thống Vladimir Putin.

Mặc dù Mỹ không giải thích lý do tại sao áp dụng các biện pháp trừng phạt này vào thời điểm hiện tại, nhưng rõ ràng là cơ chế mua bán và thanh toán khí đốt giữa châu Âu và Nga đang có những thay đổi lớn.

Nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt

Trước khi lệnh trừng phạt được công bố, thị trường khí đốt chủ yếu tập trung vào việc liệu hai bên có thể đạt được thỏa thuận để tiếp tục dòng chảy khí đốt qua Ukraine trong năm tới hay không. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt mới có thể khiến các quốc gia châu Âu không thể thanh toán, dù có đạt được thỏa thuận, dẫn đến việc nguồn cung khí đốt bị gián đoạn.

Những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là Slovakia và Hungary, vốn phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga theo hợp đồng dài hạn với Gazprom.

Hungary cảnh báo rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đe dọa an ninh năng lượng và làm tăng nguy cơ Nga sớm ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine. Slovakia chưa đưa ra bình luận chính thức, nhưng tập đoàn khí đốt lớn nhất nước này, Slovensky Plynarensky Priemysel AS, đã tích cực kêu gọi tìm giải pháp để duy trì dòng khí đốt qua Ukraine trong năm tới.

Áo cũng có thể bị ảnh hưởng vì nước này vẫn nhận khí đốt qua Slovakia, mặc dù công ty tiện ích lớn nhất nước này, OMV AG, đã bị Gazprom ngừng cung cấp khí đốt trong tháng này sau khi họ dừng thanh toán do phán quyết của tòa trọng tài.

Các giải pháp khả thi

Torbjörn Törnqvist, nhà đồng sáng lập và CEO của Gunvor Group, cho biết: “Đây là một vấn đề đối với các công ty từng sử dụng ngân hàng này để giao dịch khí đốt”.

Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia vận chuyển khí đốt Nga đến châu Âu qua đường ống Turkstream, cũng lo ngại về các lệnh trừng phạt. Ankara đang đàm phán với Mỹ để xin miễn trừ, cho phép tiếp tục sử dụng Gazprombank để thanh toán nhập khẩu khí đốt. Điều này mở ra khả năng Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trung gian để các công ty châu Âu tiếp tục thanh toán cho khí đốt Nga.

Châu Âu vốn đã chuẩn bị tinh thần cho nguy cơ chấm dứt dòng chảy khí đốt từ Nga qua Ukraine khi hợp đồng vận chuyển hết hạn vào cuối năm nay. Giá khí đốt kỳ hạn ở châu Âu hiện đang ở mức cao nhất trong năm do dự báo nguồn cung toàn cầu ngày càng thắt chặt.

Theo Fernando Ferreira, Giám đốc dịch vụ rủi ro địa chính trị tại công ty tư vấn Rapidan Energy Group, vẫn có các cách để các công ty châu Âu tiếp tục mua khí đốt Nga mà không vi phạm lệnh trừng phạt với Gazprombank.

Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) của Mỹ có thể cấp giấy phép chung cho Gazprombank, cho phép thực hiện các giao dịch liên quan đến năng lượng như một biện pháp cuối cùng để tránh gián đoạn năng lượng. Các ngân hàng lớn khác của Nga như Sberbank, Alfa-Bank, VTB Bank và Vnesheconombank đã có giấy phép như vậy đến ngày 30/4 năm sau, theo OFAC.

Một lựa chọn khác là cho phép khách hàng của Gazprom ở châu Âu thanh toán thông qua các ngân hàng Nga đã được cấp phép, mặc dù điều này cần sự chấp thuận từ phía Moscow để thay đổi các chi tiết thanh toán trong hợp đồng xuất khẩu của Gazprom.

Tuy nhiên, việc thay đổi cơ chế thanh toán có thể kích hoạt đàm phán lại hợp đồng, kéo dài quá trình thương thảo về các điều khoản khác, theo các nhà phân tích của Energy Aspects Ltd.

Mỹ cũng có thể cấp giấy phép hạn chế cho một số khách hàng cụ thể của Gazprom để tiếp tục thanh toán qua Gazprombank.

Triển vọng từ chính quyền mới của Mỹ

Ngoài ra, Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể gỡ bỏ lệnh trừng phạt hoặc gia hạn đến cuối tháng 4 ngay sau khi nhậm chức vào ngày 20/1, trùng thời điểm các khách hàng của Gazprom phải thanh toán khí đốt tháng 12.

Victor Gao, Chủ tịch Viện An ninh Năng lượng Trung Quốc, cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại London tuần này: “Chúng ta không thể đoán trước được, nhưng điều đó hoàn toàn có khả năng xảy ra”. Ông nói thêm, mối quan hệ giữa Mỹ và Nga “có thể được cách mạng hóa” sau khi ông Trump trở lại.

Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của Liên minh Châu Âu (EU), đang theo dõi sát sao tác động của các lệnh trừng phạt, theo lời một phát ngôn viên.

Các cuộc thảo luận với các đối tác Mỹ đang diễn ra và cả hai bên sẵn sàng hợp tác nếu cần thiết để đưa ra những biện pháp giảm thiểu cụ thể hơn trước ngày 20/12, nhằm hạn chế tối đa khả năng gián đoạn nhập khẩu, theo lời phát ngôn viên này.

Hiện vẫn chưa rõ các hạn chế đối với Gazprombank sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các khoản thanh toán liên quan đến xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), một nguồn thu quan trọng của Nga từ việc bán khí đốt ra nước ngoài. Nga hiện chủ yếu xuất khẩu LNG từ các dự án Yamal LNG và Sakhalin-2.

Các lệnh trừng phạt đã miễn trừ các giao dịch liên quan đến dự án Sakhalin-2 ở phía bắc Nhật Bản đến ngày 28/6/2025. Chính phủ Nhật Bản vẫn cam kết nhận khí tự nhiên hóa lỏng từ dự án này, gọi đây là một dự án quan trọng đối với an ninh năng lượng của quốc gia này.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nguoi-mua-khi-dot-nga-o-chau-au-gap-rut-tim-giai-phap-ne-lenh-trung-phat-ngan-hang-cua-my-721335.html