Người lao động vui mừng khi được làm thêm giờ

Có một nghịch lý ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người lao động hiện nay là lương không tăng, trong khi mọi chi phí sinh hoạt lại liên tục tăng, khiến thu nhập hằng tháng của họ thu không đủ để bù chi. Vì vậy, làm thêm giờ là giải pháp hiệu quả nhằm giúp người lao động (NLĐ) có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong thời “bão giá” hiện nay.

Nghị quyết về tăng giờ làm thêm đã kịp thời hỗ trợ đời sống người lao động cũng như đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. (Dây chuyền sản xuất bình nước nóng lạnh của Công ty Cổ phần Prime Trường Xuân, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên).

Nghị quyết về tăng giờ làm thêm đã kịp thời hỗ trợ đời sống người lao động cũng như đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn. (Dây chuyền sản xuất bình nước nóng lạnh của Công ty Cổ phần Prime Trường Xuân, phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên).

Một tin vui đối với NLĐ cả nước nói chung, tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng là vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 17 quy định về số giờ làm thêm của NLĐ.

Theo đó, trong trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ, được sử dụng NLĐ làm thêm tối đa 300 giờ/năm, không quá 60 giờ/tháng.

Nghị quyết được thông qua đã nới trần giờ làm thêm của NLĐ từ 40 giờ lên tối đa 60 giờ/tháng.

Nghị quyết yêu cầu việc thực hiện quy định về số giờ làm thêm phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ Luật lao động. NLĐ từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; NLĐ là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; NLĐ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi sẽ không được áp dụng tăng giờ làm thêm.

Khi tổ chức làm thêm giờ, người sử dụng lao động phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc UBND cấp tỉnh theo quy định.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho NLĐ có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động…

Việc tăng giờ làm thêm thì phía DN sẽ được hưởng lợi hơn cả, bởi họ sẽ không phải thuê thêm công nhân khi “vào vụ”, tiết kiệm được các khoản nghĩa vụ đóng bảo hiểm và các quỹ. NLĐ cũng được hưởng lợi vì có thêm thu nhập, với điều kiện phải đảm bảo sức khỏe để làm thêm giờ.

Chia sẻ lý do muốn tăng giờ làm thêm của mình, chị Nguyễn Thị Dung, phường Đồng Xuân (Phúc Yên) cho biết: “Với mức lương được trả trên 5 triệu đồng để làm việc 8 giờ/ngày, những khoản chi phí cho sinh hoạt hằng ngày cũng hết số tiền lương của 2 vợ chồng, chưa kể những chi phí khác.

Vì vậy, nếu không làm thêm giờ thì sẽ không đủ trang trải. Dẫu biết rằng, việc làm thêm giờ sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe, không có nhiều thời gian để chăm lo cho gia đình, nhưng lại có thêm thu nhập. Vì vậy, hai vợ chồng phải động viên nhau để vượt qua thời điểm khó khăn này".

Cùng chung nỗi niềm với chị Dung, chị Nguyễn Hồng Quyên, công nhân Công ty Cổ phần Prime Trường Xuân, phường Khai Quang (Vĩnh Yên) cho biết: “Việc làm thêm giờ thì chẳng ai mong muốn, nhưng với thời giá leo thang hiện nay, mức lương công nhân làm 8 giờ/ngày sẽ không đủ để chi phí.

Vì vậy, nếu ai không có thêm “nghề tay trái” thì giải pháp duy nhất hiện nay là phải làm thêm giờ để kiếm thêm thu nhập. Thêm giờ làm việc, ngoài lương, công nhân còn có thêm khoản phụ cấp, thưởng định mức, thưởng chuyên cần; được thêm bữa ăn ca, bữa ăn phụ…

Nhờ vậy, cuộc sống của NLĐ vơi bớt khó khăn. Cả 2 vợ chồng tôi còn trẻ, vì vậy muốn tận dụng thời gian này để có thể làm việc nhiều hơn, có thêm thu nhập, từ đó có điều kiện chăm lo cho cuộc sống và tích lũy".

Theo đại diện lãnh đạo nhiều DN trên địa bàn tỉnh, Nghị quyết về tăng giờ làm thêm đã kịp thời đáp ứng nhu cầu của các DN khi nền kinh tế đang phục hồi và phát triển. DN sẽ rút ngắn được thời gian sản xuất, dễ dàng đáp ứng các đơn hàng của đối tác.

Khi DN và NLĐ đã cam kết, theo quy định, NLĐ sẽ được trả tiền lương làm thêm giờ tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm vào ngày thường bằng 150%; ngày nghỉ hằng tuần ít nhất bằng 200%; vào ngày nghỉ lễ, Tết ít nhất bằng 300%.

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định, còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết…

Việc Quốc hội ban hành Nghị quyết tăng giờ làm thêm đã nhận được sự đồng tình của các DN, sự mừng vui của công nhân lao động tại thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, tăng giờ làm thêm đồng nghĩa với nhu cầu tuyển dụng lao động từ phía DN có thể giảm, NLĐ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng.

Thực tế, có sự mâu thuẫn đã xảy ra, nếu NLĐ “quá hăng say” làm thêm giờ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, dẫn đến năng suất lao động giảm và không có thời gian chăm sóc bản thân và gia đình.

Trong khi đó, muốn tăng năng suất thì NLĐ cần phải có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Vì vậy, về lâu dài, rất cần những quyết sách mang tầm vĩ mô để hài hòa lợi ích của DN và quyền lợi cũng như thu nhập của NLĐ.

Bài, ảnh: Thành An

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/76256/nguoi-lao-dong-vui-mung-khi-duoc-lam-them-gio.html