Người lao động phía Nam đi làm việc tại Nhật, Hàn còn thấp
Do nhiều khó khăn mà số lượng người lao động (NLĐ) tại 23 tỉnh, thành phía Nam xuất cảnh đi làm việc tại Nhật, Hàn còn thấp hơn các khu vực khác.
Ngày 29/8, tại TP Cần Thơ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức hội thảo “Thúc đẩy đưa người lao động phía Nam làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận”.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, thời gian qua công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt. Thị phần của lao động Việt Nam tại một số nước, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc… gia tăng đáng kể. Trong đó việc thực hiện các chương trình như: EPS của Chính phủ Hàn Quốc, chương trình IM Japan, chương trình Osaka tại Nhật Bản; chương trình Hand in Hand tại Cộng hòa liên bang Đức… do Trung tâm Lao động ngoài nước (gọi tắt là Trung tâm) thực hiện ngày càng đạt hiệu quả.
Theo ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm, từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã đưa được trên 133.000 NLĐ đi làm việc tại nước ngoài. Khi tham gia các chương trình do Trung tâm thực hiện có mức chi phí thấp, cách thức triển khai công khai minh bạch tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ tiếp cận các chương trình, đặc biệt là NLĐ có hoàn cảnh khó khăn, thuộc đối tượng chính sách. Qua đó, đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.
“23 tỉnh, thành phía Nam có tiềm năng, nguồn lực lao động rất lớn. Các địa phương đều có chính sách hỗ trợ đối với NLĐ đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, NLĐ của các địa phương phía Nam tham gia các chương trình của Trung tâm còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Số lượng NLĐ của 23 tỉnh, thành phố đi làm việc tại nước ngoài thông qua Trung tâm chỉ chiếm hơn 10% so với cả nước”, ông Đặng Huy Hồng thông tin.
Cụ thể, số lượng NLĐ các địa phương phía Nam xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc là 11.918/123.395 người trên cả nước, chiếm tỷ lệ 9,6%. Thực tập sinh đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản theo chương trình IM Japan xuất cảnh từ năm 2017 đến nay có 335/3.690 người trên cả nước, chiếm tỷ lệ 9,6%. Một số tỉnh như Đồng Tháp, Long An có tỷ lệ NLĐ tham gia các chương trình do Trung tâm thực hiện chỉ chiếm 3%-4%. Tại TP Cần Thơ, năm 2022 chỉ có 27 người đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và 8 tháng đầu năm nay là 25 người, chiếm tỷ lệ lần lượt là 5,23% và 5,48% so với tổng số lao động Cần Thơ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Theo lý giải của lãnh đạo Trung tâm, nguyên nhân NLĐ phía Nam chưa mặn mà với các chương trình đi Nhật hay Hàn Quốc do họ có tâm lý ngại thay đổi, ngại đi xa gia đình và còn nhiều nghi ngại khi đi làm việc ở nước ngoài. Các địa phương mặc dù quan tâm nhưng chưa tạo được phong trào, chưa xây dựng được các điển hình là thôn, xóm, xã, huyện có đông đảo người lao động lao động đi làm việc ở nước ngoài như các tỉnh miền Bắc và miền Trung.
Để thực hiện hiệu quả trong hoạt động đưa lao động đi làm việc nước ngoài, bà Trần Thị Xuân Mai, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ mở rộng đối tượng cho vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đặc biệt là những đối tượng tham gia nghĩa vụ quân sự đã xuất ngũ trong thời hạn 12 tháng.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng Trung tâm cần trao đổi với phía đối tác và triển khai mở các lớp đào tạo tiếng Nhật, đào tạo định hướng cho lao động tham gia chương trình IM Japan, EPS; đặt phòng thi tiếng Hàn tại khu vực ĐBSCL để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ tham gia các chương trình.