Người lao động được hưởng nhiều quyền lợi về an toàn, vệ sinh lao động

Theo quy định Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ), người lao động được trang bị các trang thiết bị ATVSLĐ, cung cấp thông tin về ATVSLĐ. Thời gian người lao động nghỉ chế độ tai nạn lao động được hưởng lương và chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội.

Buổi Đối thoại – giao lưu trực tuyến – truyền thông chính sách chuyên đề “Tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATVSLĐ và bảo hiểm xã hội” đã được Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức ngày 12/6 tại Hà Nội.

Các chuyên gia trả lời câu hỏi của đoàn viên công đoàn, người lao động về an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội. Ảnh: LĐTĐ.

Các chuyên gia trả lời câu hỏi của đoàn viên công đoàn, người lao động về an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội. Ảnh: LĐTĐ.

Tại buổi Đối thoại – giao lưu trực tuyến – truyền thông chính sách, các đoàn viên công đoàn đã gửi đến chuyên gia nhiều câu hỏi liên quan đến quyền lợi về ATVSLĐ.

Liên quan đến quyền lợi về ATVSLĐ, TS Đỗ Thị Lan Chi – Phó Trưởng khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp, Trường Đại học Công đoàn cho hay: Theo Luật Lao động, người lao động được đảm bảo an toàn, trang bị các trang thiết bị ATVSLĐ và cung cấp thông tin về ATVSLĐ (ví dụ người lao động được thông báo về môi trường làm việc của mình).

Trong quá trình làm việc, người lao động phát hiện ra các yếu tố có thể gây nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng thì báo cáo với lãnh đạo công ty và có quyền rời bỏ nơi làm việc mà không vi phạm quy định. Người lao động chỉ quay lại nơi làm việc khi công ty, cán bộ ATVSLĐ đã kiểm tra, thông báo nơi làm việc đã an toàn. Ngoài ra, người lao động cũng có quyền khiếu nại tố cáo nếu như phản ánh không được giải quyết.

Người lao động nhờ chuyên gia giải đáp về các chế độ được hưởng khi bị tai nạn lao động. Ảnh: LĐTĐ.

Người lao động nhờ chuyên gia giải đáp về các chế độ được hưởng khi bị tai nạn lao động. Ảnh: LĐTĐ.

Đối với câu hỏi, khi công nhân chưa ký hợp đồng lao động mà đang trong quá trình thử việc, nếu xảy ra tai nạn lao động thì có được hưởng các chế độ, quyền lợi về ATVSLĐ không, TS Đỗ Thị Lan Chi phản hồi: Luật ATVSLĐ quy định rõ, người lao động trong giai đoạn thử việc, tập nghề, nếu chẳng may bị tai nạn lao động thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đưa họ đi sơ cứu, cấp cứu, thanh toán chi phí... đến khi sức khỏe ổn định. Ngoài ra, người sử dụng lao động còn phải bồi thường cho người lao động khi sức khỏe bị suy giảm. “Người lao động thử việc được hưởng các chế độ về ATVSLĐ giống như người đã ký hợp đồng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động sẽ thanh toán toàn bộ chi phí chứ không phải cơ quan bảo hiểm xã hội” – TS Lan Chi nhấn mạnh.

Về câu hỏi, người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ 6 tháng, khi về hưu có bị trừ thời gian này vào năm công tác để đóng bảo hiểm xã hội không, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho biết: người lao động bị tai nạn lao động thì được nghỉ chế độ tai nạn lao động. Thời gian người lao động nghỉ vẫn được hưởng lương và người sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội. Do đó người lao động không bị trừ vào năm đóng bảo hiểm xã hội. Trừ trường hợp sau khi người lao động nghỉ hết chế độ tai nạn lao động và xin nghỉ không lương thì thời gian nghỉ không lương sẽ bị trừ vào năm đóng bảo hiểm xã hội.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/nguoi-lao-dong-duoc-huong-nhieu-quyen-loi-ve-an-toan-ve-sinh-lao-dong.html