Người đàn bà chắp nối yêu thương

Là trẻ mồ côi, đến khi lập gia đình thì lại rơi vào cảnh tan vỡ, thế nên chị Lâm Thị Huệ thấm thía cảnh cô độc, không người thân thuộc. Vì vậy, khi gặp anh Nguyễn Văn Cưng cùng cảnh phụ rẫy mà phải nuôi 2 con nhỏ, chị đã thương cảm rồi quyết cùng anh gầy dựng, chắp nhặt lại những vỡ tan…

Lớn lên ở trại cô nhi, khi ra đời, chị Huệ làm công nhân vệ sinh môi trường ở Đồng Nai, sau đó lập gia đình và có một đứa con gái. Những tưởng đó là hạnh phúc vẹn tròn, bù đắp cho phận mồ côi. Vậy mà, năm con gái 7 tuổi thì gia đình tan rã vì chồng chị đi theo người khác. Còn anh Cưng - chồng chị bây giờ, sống ở Cần Thơ, cũng có gia đình và có được 2 đứa con (một gái, một trai), thì vợ bỏ đi theo người khác, nên anh muộn phiền dắt hai con nhỏ bỏ xứ ra đi.

Tại Đồng Nai, anh chị gặp nhau, cám cảnh đơn chiếc nên gắn lại để chăm mấy đứa nhỏ, và để có một gia đình. Với chị Huệ, cuộc hôn nhân dù chắp nối, hai đứa con dù không phải do chị dứt ruột sinh ra, thế nhưng, chị luôn xem như con ruột của mình, luôn hết lòng và trân trọng những gì đang có. Rồi gia đình nhỏ bé có thêm tiếng cười khi chị sinh thêm được cô con gái Ngọc Hân.

Gia đình chị Lâm Thị Huệ

Năm 2019, chị Huệ bỗng bị suy nhược, khô máu não, tay chân run rẩy, không làm được việc nặng. Vậy là gánh nặng gia đình đổ dồn lên vai anh Cưng. Rồi 2 năm dịch Covid 19 ập đến, không có việc làm, nhà cửa thì ở thuê, con cái nheo nhóc, gia đình lâm vào bế tắc. Không cầm cự nổi, nên tháng 10/2021 cả nhà dắt díu nhau về lại Cần Thơ xin ở nhờ nhà của mẹ, rồi sang thiếu lại bầy vịt của bà để chăn nuôi mà kiếm trứng cho con ăn, mà kiếm chút gọi là lời lãi… Ngặt nỗi, vịt chết, vậy là nợ này lại chồng nợ kia.

Tháng 9/2022, tai họa lại ập đến khi anh Cưng đi làm phụ hồ về, bị té xe, gãy 4 xương đòn. Không có tiền trả viện phí, nên anh trốn viện về nhà bó thuốc Nam. Giờ thì sức khỏe yếu, lại mắc thêm bệnh viêm đa khớp, nên chỉ có thể trồng bông, trồng mướp trên nửa công đất của mẹ, bán kiếm ít tiền cho gia đình sinh sống. Hoa quả thất mùa nên cũng chẳng được bao nhiêu, cả nhà hái rau muống thuê, lặt lá, lấy cọng đem bỏ ngoài chợ. Chục ký thì được 50 ngàn, mà 3 - 4 ngày mới có người thuê hái. Cái ăn đã khó, mà cái ở lại thêm chật vật, bởi căn nhà cũ đã xuống cấp trầm trọng. Anh Cưng che cái lùm phía sau nhà để tạm tránh nắng tránh mưa.

3 con nhỏ và vợ chồng chị Huệ trú tạm trên cái gọi là "nhà" để che nắng che mưa

Sợ mình là gánh nặng của chồng con nên dù sức có yếu, tay chân có run rẩy, chị Huệ cũng ráng tỏ vẻ mình vẫn có thể quán xuyến được nhiều thứ. Như việc nhắc con gái lớn lo cho bà nội, việc trông chừng đứa con gái Út khi chồng ra đồng, rồi chỉ bảo đứa con trai thứ làm cái này cái kia phụ việc kia trong nhà…. Chị ráng gắng gượng là vậy, giấu nỗi đau bệnh tật vào lòng là vậy. Cố cười, cố nói, thế nhưng, di chứng của căn bệnh khô não hiện hữu trên dáng dấp lẩy bẩy, ốm khô của chị. Ánh mắt âu lo dường như tuyệt vọng cũng in hằn sâu trên khuôn mặt… Ước muốn của chị giờ chỉ là có được sức khỏe bình thường để có thể chăm chút gia đình nhỏ bé của mình… để dù là có rau ăn rau, có cháo ăn cháo, chị cũng cam tâm tình nguyện.

Chia sẻ xin gửi về: Gia đình chị Lâm Thị Huệ - Địa chỉ: Ấp Trường Phú A, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ - hoặc BTC chương trình Khát Vọng Sống: số9/15 Võ Trường Toản. P. 2. Q.Bình Thạnh. TP.HCM - ĐT: 028.3841 8084

Thông tin về chương trình và tấm lòng vàng xin vui lòng truy cập: www.khatvongsong.net

***Chương trình do Báo Phụ nữ Việt Nam bảo trợ thông tin

Nguồn: Khát vọng sống

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-dan-ba-chap-noi-yeu-thuong-20230829105743702.htm