Ngư dân bắt được cá lấp lánh, nghi là sủ vàng quý hiếm tại biển Vũng Áng
Một ngư dân ở Hà Tĩnh khi thả lưới đã bắt được con cá nặng gần 6kg toàn thân với lớp vảy vàng óng ánh kỳ lạ, nhiều người cho rằng đây là loài cá sủ vàng quý hiếm.
GD&TĐ - Một ngư dân ở Hà Tĩnh khi thả lưới đã bắt được con cá nặng gần 6kg toàn thân với lớp vảy vàng óng ánh kỳ lạ, nhiều người cho rằng đây là loài cá sủ vàng quý hiếm.
Theo thông tin từ anh Nguyễn Tiến Hiếu (trú tại xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), khoảng 3h sáng ngày 5/3, anh Hiếu cùng một số người đang thả lưới tại vùng biển Vũng Áng thì bắt được con cá nặng gần 6kg, dài khoảng 90cm với bộ vảy có màu sắc vàng óng ánh kỳ lạ.
Theo anh Hiếu, đây là lần đầu tiên anh bắt được con cá có màu sắc đặc biệt như vậy. Nhiều người dân đến xem cho rằng đây là loài cá sủ vàng quý hiếm.
Theo lãnh đạo UBND xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) xác nhận, gia đình anh Hiếu bắt được con cá màu lạ, màu vàng óng. Còn có phải là cá sủ vàng quý hiếm hay không thì cần có cơ quan chuyên môn đánh giá.
Cá sủ vàng là loại cá quý hiếm, tên khoa học là Otolithoides biauritus, còn gọi là cá sủ vây vàng, cá sủ vàng kép, cá thủ, cá đường - là loại cá lớn nhất trong họ cá đù, thuộc bộ cá vược (họ Sciaenidae), phân bố ở Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Trung Quốc, Việt Nam.
Theo các nhà nghiên cứu, hiện loài cá sủ vàng ở Việt Nam còn rất ít, gần như tuyệt chủng. Tuy nhiên, chúng chưa được đưa vào sách đỏ vì vẫn có thể đánh bắt được, vì vậy cá sủ vàng trở thành loài cá quý hiếm, có giá trị đắt như vàng ở Trung Quốc và Việt Nam.
Cá sủ vàng được trả giá cao bởi nó có giá trị cao trong dinh dưỡng và y học, đặc biệt trong lĩnh vực y học. Riêng bong bóng cá được thương lái Trung Quốc, Nhật Bản mua để làm chỉ khâu tự tiêu trong vi phẫu thuật và phẫu thuật.
Chỉ tự tiêu làm từ bong bóng cá sủ vàng được y học các nước phát triển sử dụng rất hữu hiệu.
Việt Nam chưa có công nghệ sản xuất chỉ khâu phẫu thuật từ bóng hơi của cá, mà chỉ Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước khác mới có thể sản xuất được loại chỉ khâu này. Vì vậy thương lái Việt thường xuất khẩu loài cá này sang các nước đó.