Ngôi làng của những bông hoa giấy

'Xanh xanh, đỏ đỏ, vàng vàng. Cứ tới tháng Chạp cả làng làm hoa' đó là câu ca dao nổi tiếng về ngôi làng hoa giấy Thanh Tiên, nằm cách trung tâm TP. Huế khoảng 10km, thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Vẻ đẹp truyền thống xứ Huế

Cứ đến tháng Chạp, người dân làng Thanh Tiên lại tất bật, tỉ mỉ cắt từng mảnh giấy, nhuộm từng cánh hoa đủ màu sắc để chuẩn bị làm ra những khóm hoa giấy ngũ sắc dâng cúng thần linh, tổ tiên, sau là để trang hoàng nhà cửa trong những ngày Tết.

Với sự nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của cha ông mà làng hoa giấy Thanh Tiên đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế công nhận là làng nghề truyền thống vào năm 2013.

Ông Nguyễn Hóa,người đã có hơn 40 năm theo nghề hoa giấy, một trong những người làm hoa giấy lâu đời của làng Thanh Tiên cho biết: “Từ năm 10 tuổi, tôi đã bắt đầu làm hoa phụ với ông bà, cha mẹ. Đến bây giờ gia đình tôi vẫn tiếp tục và duy trì nghề mà ông bà ngày xưa để lại.

Ngày trước, làng Thanh Tiên làm hoa giấy nhiều lắm, giờ kinh tế khó khăn chỉ còn lại trên dưới 10 hộ theo nghề, không biết hết đời vợ chồng tôi, con cái còn ai theo đuổi nghề này nữa không”.

Hơn 30 năm theo nghề làm hoa giấy truyền thống, ông Nguyễn Văn Hiến cho biết: “Để làm ra được một cành hoa người làm hoa phải chuẩn bị trước nhiều tháng. Tre phải lựa những cây thuộc loại lồ ô dẻo dai nhất, chẻ nhỏ vót tròn rồi đem phơi khô làm cành và cuống hoa.

Giấy màu sau khi nhuộm phải cắt thành hình bông hoa, tạo nếp cánh hoa, ghép nhụy tạo thành những bông hoa, dán hồ tạo hình rồi sau đó ghép hoa vào cành. Một điểm đặc trưng của hoa giấy Thanh Tiên đó là tất cả các công đoạn sản xuất đều hoàn toàn được làm thủ công”.

Với đôi bàn tay khéo léo, người dân nơi đây đã mô phỏng những loại hoa như hoa hoa cúc, hoa mai, lan, trúc, đồng tiền, thược dược,…

Gửi gắm nhiều ý nghĩa

Theo ông Hiến, hoa giấy được người dân ưa chuộng trong việc thờ cúng, đặc biệt là ngày cúng ông Công, ông Táo.

Mỗi cành hoa giấy Thanh Tiên mang ý nghĩa Tam Cương - Ngũ Thường, ba bông hoa lớn ở chính giữa tượng trưng cho Trung - Hiếu - Nghĩa. Trong đó, luôn có một bông hoa màu vàng hoặc màu đỏ được làm to nhất, tượng trưng cho Mặt trời, đấng minh quân. Năm bông hoa hai bên tượng trưng cho Nhân - Lễ - Nghĩa - Trí - Tín.

Hoa giấy không chỉ có ý nghĩa sâu xa về mặt tín ngưỡng trong nếp sống cổ truyền người Huế mà làng hoa giấy không tàn này còn có ý nghĩa như một tín hiệu báo Tết đang về rất gần.

“Trước đây, người dân làng Thanh Tiên dùng một số loại lá cây, nhựa cây theo công thức gia truyền để nhuộm màu giấy hoa. Chẳng hạn như màu tím được nhuộm từ hạt mồng tơi, màu vàng từ trái dành dành… Tuy nhiên 15 năm trở lại đây, hoa giấy Thanh Tiên đã được làm bằng giấy thủ công, với tiêu chí vẫn giữ nguyên bản màu sắc truyền thống của hoa.

Ngày nay, bông hoa giấy truyền thống đã không còn là sản phẩm được ưa chuộng, do hạn chế về tính thời vụ cũng như nguồn tiêu thụ, thay vào đó là những bông hoa phục vụ trang trí với giá trị nghệ thuật cao, giấy làm hoa cũng có đủ sắc màu được bán sẵn trên thị trường nên người làm hoa đỡ tốn công sức hơn trước rất nhiều” , bà Tâm (vợ ông Hóa) cũng là một trong số người làm hoa giấy Thanh Tiên lâu đời của làng chia sẻ.

Ông Nguyễn Hóa cho biết từ, ngoài bông hoa giấy truyền thống, ngày nay, một số người dân làng Thanh Tiên còn khôi phục được cách làm hoa sen giấy.

Ông Nguyễn Hóa, người làm hoa giấy từ lúc 10 tuổi ở làng Thanh Tiên, xã Phú Mậu, thành phố Huế.

Giữ hồn di sản làng nghề

Đầu tháng Chạp năm nay, gia đình ông đã nhận đơn đặt hàng gần 10.000 cành hoa giấy từ khách gần xa. Tuy nhiên hoa giấy Thanh Tiên có giá bán trên thị trường không cao. Vì hoa giấy được làm hoàn toàn bằng thủ công, đòi hỏi người làm hoa phải hết sức tỉ mỉ và tốn rất nhiều thời gian, nhưng giá bán ra chỉ có giá từ 5.000-7.000 đồng một cành.

Đối với dòng hoa trang trí như hoa sen, lại bán được giá hơn so với hoa truyền thống, với giá từ 22-45.000 đồng tùy vào kích cỡ của hoa nhưng để làm được hoàn thiện một bông hoa sen từ các công đoạn chuẩn bị cho đến ghép cánh thì không phải ai cũng làm được. Đây cũng là một trong các nguyên nhân khiến cho số người làm hoa giấy tại địa phương giảm đi theo thời gian.

Để giữ hồn cho một di sản làng nghề, giữ hồn cho loài hoa không hương này được lan tỏa và lưu truyền mãi, chính quyền địa phương cần quan tâm hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát triển, bồi dưỡng lớp nghệ nhân trẻ kế cận, tạo điều kiện mở rộng thị trường tiêu thụ để duy trì làng nghề, tiếp nối phát triển di sản mà ông cha để lại; hợp tác chặt chẽ với các trung tâm du lịch nhằm tăng số lượng khách đến tham quan và tăng cường quảng bá giá trị tinh hoa của nghề làm hoa giấy đến du khách.

Hải Yến

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/ngoi-lang-cua-nhung-bong-hoa-giay-416723.html