Ngô Xuân Khôi – 'Người họa sĩ của những hình minh họa'
Kiên trì, bền bỉ và luôn đổi mới trong ý tưởng hội họa để 'chắp cánh' thành công nhiều tác phẩm văn học và báo chí, họa sĩ Ngô Xuân Khôi - 'người vẽ linh vật SEA Games 31' - được bạn bè mến mộ gọi là 'người họa sĩ của những hình minh họa' khi sáng tác nhiều hình minh họa độc đáo, riêng biệt.
Nuôi dưỡng ước mơ họa sĩ từ trong quân ngũ
Ngô Xuân Khôi sinh năm 1961 tại TP. Vinh, Nghệ An. Ngay từ những năm học THCS, ông đã đam mê cháy bỏng với hội họa. Họa sĩ Xuân Khôi nhớ lại, thời điểm ông vào quân ngũ phục vụ cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc, do có năng khiếu hội họa, viết lách nên cấp trên cân nhắc ông làm việc ở phòng Tuyên huấn. Mọi việc đến với ông như sự tình cờ khi trong quân ngũ ông là người vẽ khẩu hiệu, phóng tranh cổ động… bên cạnh kiêm việc thủ thư, đảm nhận giữ sách thư viện cho Trung đoàn.
Làm việc miệt mài, hăng say và tích lũy nhiều kinh nghiệm từ quân ngũ, ông Xuân Khôi khi đó nuôi dưỡng giấc mơ sau này trở thành một họa sĩ cống hiến cho nước nhà. Tuy nhiên, để trở thành một họa sĩ thực thụ thì bắt buộc phải thi được đại học, mà mục tiêu của ông là thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội.
“Thời điểm khi ra quân, chế độ chỉ cho mỗi người lính 6 tháng có tem để mua gạo, hết 6 tháng mà chưa xin được việc thì rất khó khăn về lương thực. Tôi rất lo lắng và phía gia đình có xin cho làm kiểm lâm nhưng tôi không đi vì vẫn nuôi giấc mơ làm họa sĩ” - họa sĩ Xuân Khôi nhớ lại.
Xuất ngũ năm 1982, mãi đến năm 1985 thì họa sĩ Ngô Xuân Khôi mới thi đỗ Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Những năm theo học, ông luôn đạt được thành tích học tập xuất sắc và khi tốt nghiệp năm 1991 (chuyên ngành tranh tường, tranh hoành tráng) cũng là lúc khó khăn về việc làm đối với sinh viên sau khi ra trường. May mắn, ông xin được về làm ở NXB Ngoại Văn mà sau đổi thành NXB Thế giới. Khoảng thời gian làm việc ở đây là khởi đầu cho sự phát triển nghề hội họa sau này.
Họa sĩ Xuân Khôi kể lại, khi đó ông bắt đầu làm quen với công việc mới, cái mới khác xa với trường học. Ở trường học hoành tráng là vẽ những bức tranh to, gắn với kiến trúc, còn ở NXB Ngoại Văn thì tranh lại rất nhỏ (nhỏ hơn tờ A4 với kích thước 13x19), buộc ông phải làm quen, thích nghi dần. “Làm việc ở môi trường này tôi được tiếp xúc với nhiều nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, từ các đồng nghiệp trong nhà xuất bản đến làm quen với các tòa soạn báo thời đó” - họa sĩ Ngô Xuân Khôi kể lại.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi chủ động trong mọi việc, ông còn tự vẽ tranh (biếm họa) để gửi các báo như: Báo Tiền Phong, Báo Nhân Dân, Báo Lao động… Niềm vui với ông khi đó giống như niềm vui khám phá, tự tìm hiểu về giới hạn của bản thân. Theo họa sĩ Ngô Xuân Khôi, thể loại tranh biếm họa có tính hài hước cao, người họa sĩ phải tìm ra được cấu tứ nào, cách vẽ hơi cường điệu.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi kể lại, trong lúc đang làm ở NXB Thế giới thì may mắn ông được một nhà thơ giới thiệu sang Báo Văn Nghệ và ở đây cộng tác thử một vài số đầu. Kiến thức tốt, kinh nghiệm nhiều nên ông vẽ thường xuyên hơn cho Báo Văn Nghệ. “Tại đây, tôi cũng làm việc cho nhiều báo khác như Báo Văn nghệ Công an, Văn nghệ quân đội… Từ đó mọi người biết tôi và dần hình thành nên thương hiệu hình minh họa của Ngô Xuân Khôi” - họa sĩ bộc bạch.
Mang văn hóa Việt vào hình minh họa và kỷ niệm đáng nhớ với biểu trưng SEA Games 31
Họa sĩ 63 tuổi tâm sự, công việc đã tự chọn ông chứ ông không được lựa chọn công việc. Đây là cơ duyên, may mắn hay sâu xa hơn là số phận muốn ông phải theo nghề hội họa. Đến bây giờ, họa sĩ Xuân Khôi vẫn không nghĩ mình sẽ làm đồ họa thiết kế bìa sách và vẽ hình minh họa.
“Trong suy nghĩ của các nhà báo từng đến hỏi tôi về những tác phẩm hội họa, từng có người viết về tôi với chủ đề: “Người họa sĩ mắc nợ những gam màu”, bởi hầu hết ai cũng nghĩ họa sĩ là phải vẽ những bức tranh to để treo tường, không phải vẽ hình minh họa, bìa sách. Không hẳn vậy, hội họa có thể vẽ rất nhiều thứ và tôi đang vẽ là nhánh nhỏ của mỹ thuật bởi không được chọn từ đầu nhưng do số phận, cơ duyên đưa đẩy trở thành người sáng tạo lên những hình minh họa và nhiều người biết đến tôi qua chính những bức hình đó” - họa sĩ Ngô Xuân Khôi nói.
Chia sẻ về nghề, ông cho rằng người họa sĩ muốn thành công, vẽ được những bức tranh đẹp và để lại nhiều cảm xúc cho độc giả thì trên hết là tình yêu với việc mình đang làm. Với những họa sĩ vẽ hình minh họa trong văn chương, báo chí thì ngoài đam mê cần phải chú trọng và dành thời gian để đọc nhiều, tìm hiểu về nền văn hóa các vùng miền khác nhau. Biết nhiều câu chuyện, tính cách nhân vật trong văn chương, báo chí… thì khi hạ bút vẽ mới thẩm thấu để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo nhất.
“Người vẽ hình minh họa cần cảm thụ được thông điệp mà văn chương mang đến, ngoài chuyện hiểu được nội dung tác phẩm thì người họa sĩ cần có kiến thức sâu rộng về văn hóa vùng miền. Một nhà văn thì đa phần họ thâm canh trên một thửa ruộng quen thuộc và có thể xào đi, xáo lại môi trường đó. Nhưng người họa sĩ gần như bị đặt hàng, và cái cần nhất của họa sĩ ngoài chuyện thấu hiểu tác phẩm văn chương thì cần có phông nền văn hóa, tư liệu, am hiểu và cần bồi đắp kiến thức hằng ngày. Và đặc biệt hơn là vẽ thế nào để độc giả nhận ra đây là phong cách của mình” - họa sĩ chia sẻ.
Là một người yêu thích văn hóa truyền thống Việt Nam nên mỹ thuật dân gian thấm sâu vào tâm thức của họa sĩ Ngô Xuân Khôi từ lâu. Có một nét thú vị ở ông là bất kể hình minh họa trong văn chương hay báo chí, thì họa sĩ đều mang vào đó văn hóa của dân tộc, cùng ý biểu đạt trên từng tác phẩm.
Chính sự “lạ” ấy mà họa sĩ Ngô Xuân Khôi được lựa chọn vẽ minh họa cho truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê” của nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp khi mới chỉ cộng tác với Báo Văn Nghệ được một vài số. Sau đó, ông còn được tín nhiệm vẽ cho nhiều tác phẩm văn học khác như “Đội gạo lên chùa”, “Mẫu thượng ngàn” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh; “Những thói thường” của nhà văn Nguyễn Bình Phương… và những bìa sách này đã đoạt giải bìa đẹp, sách đẹp của Hội Xuất bản.
Tuy nhiên, một trong những kỷ niệm ấn tượng nhất trong quá trình làm nghề mỹ thuật của người họa sĩ 63 tuổi chính là hình minh họa Sao La ở kỳ SEA Games 31 tại Việt Nam. Ông kể lại, để tạo ra tác phẩm biểu trưng cho nước chủ nhà đăng cai Đại hội thể thao Đông Nam Á năm 2022 thì cảm xúc của ông như hình sin, lên tận cùng và xuống đáy cảm xúc. Nhờ quá trình tích lũy kiến thức từ việc đọc sách, đọc báo... ông lựa chọn vẽ cách điệu hình tượng Sao La.
Họa sĩ Ngô Xuân Khôi tâm sự, mỗi linh vật biểu trưng cho quốc gia đăng cai sự kiện thể thao đều mang ý nghĩa về văn hóa đặc trưng của nơi đó, chẳng hạn Olympic Bắc Kinh người ta chọn gấu trúc, Olympic Nga năm 1980 nước chủ nhà chọn linh vật là gấu Misa. Linh vật Sao La của chủ nhà Việt Nam đặc biệt ở chỗ, con vật này được phát hiện đầu tiên ở Việt Nam và hiện nằm trong sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới và Sách đỏ Việt Nam.
“Vẽ biểu tượng hay logo, họa sĩ cần phân biệt ra hai vấn đề, trong đó các sản phẩm văn hóa thì phải có bản sắc, còn sản phẩm mà hàng hóa thì phải có tính toàn cầu, tính nhân loại. Vẽ các linh vật cho các sự kiện thể thao thì phải có bản sắc vùng miền là nơi diễn ra hay đang tổ chức” - họa sĩ Ngô Xuân Khôi nói.
Với báo chí, ông tâm sự họa sĩ muốn vẽ cho báo chí thì phải rất năng động, tác nghiệp nhạy bén. Yếu tố về mặt thời gian, tính thời sự trong báo chí đòi hỏi người họa sĩ phải nhanh nhạy, xử lý kịp thời các tác phẩm. Gắn bó với công tác xuất bản gần 30 năm, họa sĩ Ngô Xuân Khôi đã sáng tác hàng trăm tác phẩm độc đáo và hấp dẫn trên nhiều tờ báo.
Thành công trong hội họa, là tác giả của nhiều hình minh họa văn chương, báo chí nổi tiếng, họa sĩ Ngô Xuân Khôi tâm đắc rằng, cứ tận tâm, hết lòng thì công việc dù nhỏ sẽ vẫn được người khác ghi nhận, đánh giá đúng với sự cống hiến. Nếu đi tận cùng với hội họa thì sẽ tạo ra thương hiệu cho chính mình. Cùng với sự bồi bổ thường xuyên kiến thức và văn hóa thông qua đọc sách, báo, trải nghiệm thực tế người họa sĩ chỉ cần chạm đến là có thể sử dụng và tự tin sáng tác nghệ thuật.