Nghiên cứu quy hoạch công nghiệp quốc phòng, công nghiệp an ninh bảo đảm tính thống nhất, khả thi

Công nghiệp quốc phòng (CNQP), công nghiệp an ninh (CNAN) là hai ngành có tính đặc thù và có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng LLVT tinh nhuệ, chính quy, từng bước hiện đại (và tiến lên hiện đại vào năm 2030) trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Càng đặc thù, đặc biệt, quan trọng thì càng cần phải có quy hoạch ngành để bảo đảm định hướng và tính thống nhất, tạo động lực phát triển. Tuy nhiên, Luật Quy hoạch hiện hành chưa quy định quy hoạch CNQP, quy hoạch CNAN là một loại quy hoạch ngành. Đây là một thiếu sót lớn, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quy phạm pháp luật chỉ có thể được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó. Do vậy, chỉ Quốc hội mới có thẩm quyền ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch hiện hành bằng một văn bản quy phạm pháp luật khác. Bằng việc ban hành Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp, Quốc hội có thể thiết kế 1 điều hoặc 1 khoản quy định CNQP, CNAN là quy hoạch ngành quốc gia; đồng thời dùng Luật CNQP, an ninh và động viên công nghiệp để bổ sung quy định CNQP, CNAN vào Phụ lục I của Luật Quy hoạch. Như vậy là hoàn toàn đúng về thẩm quyền và trình tự, thủ tục.

 Sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Ảnh: QĐND

Sản xuất sản phẩm quốc phòng tại Nhà máy Z115 (Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng). Ảnh: QĐND

Có một vấn đề có thể nảy sinh trong thực tế là giải quyết mối quan hệ giữa quy hoạch CNQP với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Theo quy định của Luật Quy hoạch hiện hành, quy hoạch ngành quốc gia phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Trường hợp quy hoạch ngành quốc gia có mâu thuẫn với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia hoặc các quy hoạch ngành quốc gia có mâu thuẫn với nhau thì phải điều chỉnh theo quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Như vậy, với tư cách là quy hoạch ngành, quy hoạch CNQP phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Tuy nhiên, nếu do yêu cầu cấp thiết của công tác quân sự, quốc phòng, an ninh, nhất là khi tình hình có sự biến đổi dẫn tới phải bổ sung các quy hoạch ngành quốc gia về quân sự, quốc phòng (trong đó có quy hoạch CNQP) mà chưa kịp bổ sung quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thì phải giải quyết như thế nào? Trường hợp này, nếu phải chờ bổ sung quy hoạch cao hơn theo đúng quy định thì có thể làm lỡ thời cơ vàng trong hoạt động bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Do vậy, có lẽ chúng ta cần bổ sung quy định loại bỏ trong mối quan hệ giữa các quy hoạch theo quy định tại Điều 6 Luật Quy hoạch. Cụ thể là cần bổ sung cụm từ "trừ trường hợp vì yêu cầu cấp thiết của quân sự, quốc phòng", đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết thực hiện quy định này.

Cùng với đó, khoản 5 Điều 4 Luật Quy hoạch quy định nguyên tắc bảo đảm tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, khả thi, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước; bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, tính bảo tồn. Nội dung này cũng cần có quy định loại trừ quy hoạch ngành quốc gia liên quan tới quốc phòng, an ninh, bởi những quy hoạch này cần được bảo vệ theo quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước.

NGUYỆT MINH (Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/nghien-cuu-quy-hoach-cong-nghiep-quoc-phong-cong-nghiep-an-ninh-bao-dam-tinh-thong-nhat-kha-thi-778823