Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp: Doanh nghiệp mong ngóng, Chính phủ thúc giục hoàn thiện hồ sơ
Theo các tổ chức và doanh nghiệp, nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp được ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Do vậy, cần nhanh chóng ban hành để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị đầu tư...
Từ đầu năm đến nay, Bộ Công Thương và Chính phủ liên tục họp bàn, ban hành các văn bản liên quan đến cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA). Nghị định về cơ chế DPPA hiện được rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp quan tâm.
KIẾN NGHỊ MỞ RỘNG TỆP KHÁCH HÀNG MUA BÁN ĐIỆN
Về dự thảo nghị định quy định cơ chế DPPA, Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, cấu trúc dự thảo dự kiến gồm 6 Chương, 34 Điều và 2 Phụ lục.
Đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn tham gia cơ chế DPPA phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành.
Đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp qua lưới điện Quốc gia, dự thảo 2 nghị định quy định việc mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia áp dụng cho đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện mặt trời, nhà máy điện gió có công suất thiết kế từ 10 MW trở lên trực tiếp tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh và khách hàng sử dụng điện lớn đấu nối cấp điện áp từ 22kV trở lên và sản lượng tiêu thụ trung bình hàng tháng từ 500.000 kWh.
Với hoạt động này, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, do các bên sử dụng đường dây riêng nên tác động đến hệ thống điện quốc gia không đáng kể. Như vậy, VCCI đề nghị mở rộng cho mọi khách hàng có nhu cầu tham gia, thay vì giới hạn vào nhóm khách hàng sử dụng điện lớn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, cơ chế DPPA trong trường hợp sử dụng hệ thống lưới điện quốc gia, sản lượng của khách hàng sẽ được thanh toán theo hai thành phần. Trong đó, phần sản lượng tiêu thụ của khách hàng được đáp ứng từ đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sẽ thanh toán theo cơ chế thị trường, phần sản lượng tiêu thụ điện còn lại sẽ được thanh toán theo quy định hiện hành.
Bên cạnh đó, để định lượng nhu cầu của các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo, khách hàng sử dụng điện đối với cơ chế DPPA, tháng 5/2022, tư vấn quốc tế đã thực hiện một cuộc khảo sát đánh giá.
Theo đó, về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên bán (đơn vị phát điện năng lượng tái tạo), trong số 106 dự án có công suất đặt từ 30 MW trở lên (42 dự án điện mặt trời và 64 dự án điện gió) trong danh sách Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phiếu khảo sát đã được gửi tới 95 dự án và có 67 dự án.
Phản hồi nhận được là 24 dự án (công suất đặt 1.773 MW) mong muốn tham gia; 17 dự án (công suất đặt 2.836 MW) cân nhắc về điều kiện tham gia, khả năng tìm và ký hợp đồng với khách hàng và 26 dự án trả lời không có nhu cầu tham gia.
Về nhu cầu tham gia cơ chế DPPA của bên mua điện (khách hàng sử dụng điện là các tổ chức đang mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất từ cấp điện áp từ 22 kV trở lên), phiếu khảo sát đã gửi tới 41 khách hàng. Trong đó, có 20 khách hàng trả lời mong muốn tham gia cơ chế DPPA với tổng nhu cầu 996 MW (ước tính).
TỔ CHỨC VÀ DOANH NGHIỆP MONG NGÓNG
Trong thời gian vừa qua, nhiều nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và khách hàng sử dụng điện bày tỏ sự quan tâm tham gia cơ chế DPPA và mong muốn Chính phủ Việt Nam sớm ban hành cơ chế này với kỳ vọng đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, phù hợp với xu hướng chung của thế giới.
Theo đó, liên quan đến cơ chế bên phát điện sẽ bán trực tiếp qua đường dây riêng, ông Kim Yong Sup, Phó Tổng giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam bày tỏ mong muốn có hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn để thực hiện ngay và không phải chờ đợi hướng dẫn mới.
Với cơ chế mua bán điện thông qua phát lên lưới tải điện quốc gia, Samsung mong muốn Bộ Công Thương cân nhắc tính giá để đảm bảo tính công bằng và sự cạnh tranh giữa các đơn vị phát điện cũng như khách hàng.
Bà Virginia Foote, thành viên Ban quản trị Nhóm công tác điện và Năng lượng lượng, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá cao dự thảo DPPA và dự thảo nghị định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời lắp đặt mái nhà dân, công sở, khu công nghiệp.
Theo bà Virginia Foote, hiện tại các công ty lớn thuộc VBF cũng như những khu công nghiệp, các nhà máy sản xuất có nhu cầu tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Do vậy, VBF sẵn sàng góp ý để thúc đẩy quá trình ra được các nghị định.
Chúng tôi sẽ có một văn bản gửi góp ý đến Bộ Công Thương, nếu các dự thảo Nghị định được thông qua, và Nghị định được ban hành sẽ thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ ASEAN tại Việt Nam Bùi Thị Việt Lâm nhấn mạnh, việc triển khai dự thảo về nghị định có ý nghĩa quan trọng với các doanh nghiệp.
Do vậy không nên trì hoãn hơn nữa bởi nếu tiếp tục trì hoãn sẽ ảnh hưởng tới thu hút nước ngoài của Chính phủ. Bà Lâm cho rằng Bộ Công Thương cần ban hành càng sớm càng tốt, thúc đẩy năng lượng tái tạo và giúp cho nhà đầu tư nước ngoài an lòng, nhất là doanh nghiệp có kế hoạch đầu tư mới.
Trong khi đó, ông Aguin Toru, Trưởng đại diện Ngân hàng hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JBIC) cho biết, cần có thời gian dự kiến ban hành giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn. Với DPPA, bước đầu tiên JBIC phải tập trung vào điện mặt trời và điện gió. Giai đoạn 2 là điện sinh khối, halogen…
JBIC quan tâm tới việc hỗ trợ phát triển năng lượng (chính sách, pháp lý) và các dự án triển khai tại Việt Nam. Công ty sẽ làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam mở rộng quy mô hỗ trợ tại Việt Nam.
“Chúng tôi kiến nghị về điện rác, khách hàng sử dụng điện tại khu công nghiệp truyền tải qua hệ thống riêng họ sẽ có thể tham gia vào thành phần DPPA sớm hơn. Đối với các công ty cần kế hoạch đầu tư cụ thể thời gian tới, nên cần có thời gian dự kiến ban hành giúp doanh nghiệp chuẩn bị tốt hơn”, ông Aguin Toru nhấn mạnh.
KHẨN TRƯƠNG HOÀN THIỆN NGHỊ ĐỊNH TRONG THÁNG 5
Cùng với sự ủng hộ của các tổ chức và doanh nghiệp, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản số 205/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về tình hình xây dựng, trình ban hành và nội dung chính của nghị định cơ chế DPPA; cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu; cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG.
Theo Thường trực Chính phủ, 3 nghị định trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các nguồn điện, nhất là các nguồn điện sạch và bền vững, huy động nguồn lực từ xã hội để phát triển nguồn điện, góp phần giảm áp lực phát triển nguồn điện lên Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đồng thời, các cơ chế này góp phần làm cho thị trường điện lực trở lên công khai, minh bạch, cạnh tranh và lành mạnh hơn.
Để xây dựng các nghị định này, từ năm 2022 đến nay, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, tiến độ triển khai xây dựng, trình ban hành các văn bản này còn chậm, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu của người dân doanh nghiệp.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của các Nghị định nêu trên, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương, các bộ liên quan phải nghiêm túc thực hiện đầy đủ, đúng yêu cầu của Thường trực Chính phủ.
Đối với nghị định quy định cơ chế DPPA, trong quá trình xây dựng nghị định cần nghiên cứu các quy định về cơ chế giá, phí truyền tải và các chi phí phát sinh khác, đánh giá tác động đến các chủ thể, nhất là EVN. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ trước ngày 15/5/2024.
Đối với tiến độ xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, Thường trực Chính phủ đề nghị Bộ Công Thương bổ sung, làm rõ các nội dung chính sách, bảo đảm thực hiện đúng mục tiêu khuyến khích một cách thực chất, khả thi trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Song song với đó là rà soát kỹ lưỡng để đảm bảo việc đề xuất chính sách không được sơ hở dẫn đến việc lợi dụng chính sách.
Cụ thể, nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu cần làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; quy định rõ trách nhiệm của các Bộ trong việc quy định các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, xây dựng, điều kiện kỹ thuật để có thể thực hiện ngay khi được ban hành, không phải chờ thông tư hướng dẫn.
Nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào? Nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện…
Đối với nghị định quy định cơ chế phát triển các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và khí LNG, cần xác định rõ vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp nhà nước trong đầu tư xây dựng và cung cấp hạ tầng dùng chung cho sản xuất, nhập khẩu, lưu trữ, phân phối khí và tác động của các chính sách nhất là với giá và sản lượng…
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương hoàn thiện 2 nghị định trình Chính phủ trong tháng 5/2024.