Nghệ sĩ thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong xây dựng đời sống văn hóa

Ngày 6/3, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) lần thứ 10 cho những cá nhân có nhiều cống hiến, đóng góp và gắn bó lâu dài trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, có trí tuệ và phẩm giá, hết lòng, hết sức, tận tụy phục vụ nhân dân, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Tại buổi lễ, có 125 nghệ sĩ được trao/truy tặng NSND, 264 nghệ sĩ được trao/truy tặng NSƯT. Trong đó, lực lượng Quân đội có 22 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT. BĐBP vinh dự có 2 nghệ sĩ được vinh danh đợt này, đó là NSND Hà Vy và NSƯT Ngọc Dung.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao tặng danh hiệu NSND cho nghệ sĩ Hà Vy. Ảnh: Ngô Khiêm

Ngay sau Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 10, chiều 6/3, tại Hà Nội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã gặp mặt, tuyên dương 22 nghệ sĩ Quân đội được vừa được phong tặng cấp Nhà nước danh hiệu NSND (12 đồng chí), NSƯT (10 đồng chí) lần thứ 10 năm 2024. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam đã ghi nhận, biểu dương, chúc mừng, đánh giá cao tinh thần lao động nghiêm túc, sáng tạo và những đóng góp rất quan trọng của đội ngũ các thế hệ văn nghệ sĩ Quân đội đối với nền văn hóa, nghệ thuật nước nhà nói chung và hoạt động văn hóa, nghệ thuật trong Quân đội nói riêng.

Đại tướng Lương Cường cũng mong muốn, các đồng chí được phong tặng NSND, NSƯT ở bất cứ cương vị, lĩnh vực, môi trường hoạt động nào cũng tiếp tục gương mẫu, đề cao trách nhiệm, tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có chủ đề tư tưởng, tính nghệ thuật sâu sắc và sức chiến đấu cao, phản ánh sinh động về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng, về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”; thực sự là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong xây dựng đời sống văn hóa và tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật của toàn quân, toàn quốc.

Đồng thời, Đại tướng Lương Cường cũng yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật; thực hiện nghiêm túc Kết luận số 1172 ngày 16/6/2022 của Quân ủy Trung ương về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; khơi dậy được tiềm năng, sức sáng tạo, cống hiến của các nghệ sĩ để ngày càng có nhiều tác phẩm hay, tính nghệ thuật cao, phản ánh, quảng bá, động viên, khích lệ kịp thời tinh thần của bộ đội trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, công tác, học tập, lao động sản xuất. Thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên của đơn vị có bản lĩnh chính trị vững vàng, chuyên môn giỏi, trách nhiệm cao, tâm huyết với sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật của Đảng, của Quân đội.

Được biết, qua 10 lần trao tặng (lần thứ nhất là năm 1984), đến nay, Đoàn Văn công BĐBP (tiền thân là Đoàn Văn công Công an nhân dân vũ trang) đã có 6 đồng chí được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, 21 đồng chí được phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”. Tại buổi lễ, nghệ sĩ Hà Vy không giấu được sự vui mừng, hạnh phúc, tự hào khi được trao tặng danh hiệu NSND. Bà cho biết, bà được NSND Lê Đóa tuyển chọn vào Đoàn Văn công BĐBP khi đang hát phục vụ một hội nghị tổng kết ở quê nhà Hải Phòng. "Những ngày đầu vào đoàn, tôi học ngâm thơ từ NSND Trần Thị Tuyết rồi học các lớp nhạc lý cơ bản từ các NSND Trung Kiên, Quý Dương. Năm 2003, tôi học thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam cùng lớp với Tùng Dương. Tôi là thủ khoa đầu vào, đầu ra của khóa ấy. Tôi đi học khi đã là ca sĩ chuyên nghiệp và được NSND Quang Thọ nhận xét: “Hiếm có người nào thành danh mà lại đi học đại học âm nhạc” - NSND Hà Vy kể.

Các nghệ sĩ giao lưu, trò chuyện trong Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ảnh: Thống Nhất

Trong ký ức, NSND Hà Vy còn nhớ chuyến biểu diễn tại quần đảo Trường Sa năm 1989, với NSND Ngọc Lan, NSND Thanh Xuân. Đây cũng là 3 nữ nghệ sĩ đầu tiên của Đoàn Văn công BĐBP đến với quần đảo Trường Sa. “Năm đó, chúng tôi đi đến 5 đảo của quần đảo Trường Sa. Chúng tôi gặp trận bão lớn tưởng đã không thể trở về đất liền, nhưng rồi cuối cùng, tinh thần người lính đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả. Trường Sa năm đó chưa có nhiều nước ngọt. Mỗi sáng, cán bộ, chiến sĩ và cả những nghệ sĩ trong đoàn chỉ có 1 bát nước để vừa đánh răng, vừa rửa mặt, còn tắm thì phải đợi trời mưa. Biết bao kỷ niệm trong chuyến công tác nhiều ý nghĩa đó và tôi chỉ ước có lần thứ 2 được trở lại mảnh đất thiêng liêng, máu thịt ấy” - chị tâm sự.

Trong cuộc trò chuyện, chị cũng nhắc đến người chồng và cũng là người đồng chí, đồng nghiệp trong đơn vị - nghệ sĩ trống Hoàng Bình. Họ đã đồng hành cùng nhau trên mọi chặng đường, đi biểu diễn khắp các nẻo biên cương. Cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn nương tựa vào nhau để sống, cống hiến cho nghệ thuật, cho lực lượng quân hàm xanh. Tình yêu của họ dành cho nhau đẹp như những bông hoa sim trên dọc dài biên cương. Tình yêu và trách nhiệm, vinh dự, song hành cùng nhau để đạt tới đỉnh cao nghệ thuật. Tiếng hát tha thiết, tình cảm của Hà Vy cùng tiếng trống điêu luyện của Hoàng Bình đã vang vọng khắp núi rừng biên cương, mang theo niềm tin, động lực để cổ vũ cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc thiểu số trong công việc cũng như trong cuộc sống.

NSND Hà Vy đã bám sát các trận địa từ cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (năm 1978) đến chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (năm 1979), hát dưới làn đạn, trên các đồn, chốt Biên phòng, thậm chí nơi nguy hiểm nhất của các địa bàn biên giới thuộc các tỉnh Hà Giang, Lào Cai (năm 1979, 1983), Cao Bằng (năm 1985). Chị đã gặt hái được nhiều giải thưởng như: Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt IV (năm 1985), Huy chương Vàng Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (năm 1990), Huy chương Bạc Hội diễn ca múa nhạc toàn quốc (năm 1995), Bằng khen Liên hoan giọng hát vàng Hà Nội ASEAN (năm 1996)... Tên tuổi của chị gắn với những ca khúc, như: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới’, “Ngày mai anh lên đường”, “Hoa sim biên giới”, “Chiều biên giới” (nhạc Trần Chung, thơ Lò Ngân Sủn), “Hành khúc ngày và đêm”...

Ở tuổi 70, NSND Hà Vy vẫn luôn đau đáu trong lòng là mong muốn làm điều gì đó ý nghĩa cho nghệ thuật, cho cuộc đời. Bởi thế, chị đã cùng các nghệ sĩ sáng lập và có nhiều chuyến biểu diễn ý nghĩa trong Đoàn Nghệ thuật truyền thống BĐBP thành phố Hà Nội. Chị bảo, ca hát là nghề không có tuổi nên tuy đã nghỉ hưu, nhưng trong tôi luôn mang tinh thần người lính, luôn sẵn sàng biểu diễn, cống hiến ở mọi lúc, mọi nơi” - NSND Hà Vy bộc bạch.

Ngô Khiêm

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nghe-si-thuc-su-la-luc-luong-nong-cot-di-dau-trong-xay-dung-doi-song-van-hoa-post473424.html