Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih đưa vẻ đẹp văn hóa dân tộc ra thế giới

Bén duyên với nhạc cụ dân tộc từ năm 12 tuổi, đến nay, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Rơ Châm Tih (làng Jút 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã có gần 40 năm gắn bó với âm nhạc truyền thống.

Nhen nhóm từ niềm vui giản đơn sau những buổi biểu diễn trong làng, theo thời gian, anh đã góp phần đưa vẻ đẹp của văn hóa dân tộc ra thế giới, như một lời khẳng định giá trị và sức sống của di sản âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Không gian âm nhạc giữa lòng quê hương

Đến thăm nhà NNƯT Rơ Châm Tih vào buổi chiều nắng ấm, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước một không gian tràn ngập các loại nhạc cụ dân tộc, từ đàn t’rưng, k’lông pút, k’ni, glơng glơh đến ting ning…

 Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih canh chỉnh thanh âm cho đàn klek klok. Ảnh: P.N

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih canh chỉnh thanh âm cho đàn klek klok. Ảnh: P.N

Chia sẻ với chúng tôi, NNƯT Rơ Châm Tih hào hứng kể: “Khi còn nhỏ, tôi thường ngồi bên cha, say sưa ngắm nhìn ông chế tác những nhạc cụ từ tre nứa. Những âm thanh du dương phát ra từ cây tre, cây nứa đã thấm sâu vào tâm hồn tôi.

Thay vì theo bạn bè đi chơi, tôi lại chọn cách ngồi bên cha, lắng nghe từng nốt nhạc và học hỏi cách chế tác nhạc cụ dân tộc. Mỗi buổi chiều, những giai điệu từ đàn như những ngọn lửa thổi bùng niềm đam mê mãnh liệt trong tôi đối với âm nhạc dân tộc”.

Với Rơ Châm Tih, đam mê không chỉ dừng lại ở việc chơi nhạc mà còn là mong muốn khám phá và phát triển các loại nhạc cụ dân tộc. Vì vậy, anh quyết định chế tác cây đàn klek lok-nhạc cụ không chỉ mang tính năng riêng biệt mà còn thể hiện tâm huyết và tài năng của anh trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

 Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih chọn nguyên liệu để chế tác nhạc cụ. Ảnh: P.N

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih chọn nguyên liệu để chế tác nhạc cụ. Ảnh: P.N

Chia sẻ về quá trình hoàn thiện chiếc đàn klek klok, anh cho biết: “Đầu tiên, tôi lựa chọn những cây nứa cao 3-4 m. Sau khi chặt, tôi phơi khô dưới ánh nắng cho đến khi đạt độ ẩm lý tưởng.

Tiếp theo, tôi tỉ mỉ vót những đường cong để tạo ra âm thanh hoàn hảo. Công đoạn làm khung đàn và ráp từng phần lại với nhau cũng rất quan trọng nhằm đảm bảo mọi thứ hòa quyện một cách hoàn hảo. Cuối cùng, tôi lắp ráp chân đàn, tạo nên một nhạc cụ không chỉ đẹp mắt mà còn mang trong mình linh hồn của quê hương”.

Thông qua cây đàn klek klok, Rơ Châm Tih muốn truyền tải những câu chuyện, cảm xúc và ký ức văn hóa của xứ sở nơi anh sinh ra, lớn lên, trưởng thành, gắn bó cùng với niềm yêu thương và tự hào.

Mỗi bản nhạc anh chơi đều mang một thông điệp sâu sắc về tình yêu quê hương, về cuộc sống và con người nơi đây. Đó không chỉ là âm nhạc mà còn là một phần tâm hồn vô cùng phóng khoáng, lãng mạn, đắm say của cộng đồng cư dân.

Gần 40 năm “giữ lửa” văn hóa dân tộc

Sinh ra và lớn lên nơi vùng quê giàu bản sắc văn hóa, Rơ Châm Tih đã nhận ra âm nhạc không chỉ là nghệ thuật mà còn là một phần của bản sắc dân tộc, là cuộc sống. Với niềm đam mê cháy bỏng, anh không chỉ biết chơi nhạc mà còn sáng tạo và phát huy cái hay, cái đẹp từ những nhạc cụ để biến chúng thành cầu nối giữa các thế hệ.

 Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih hướng dẫn học trò chế tác nhạc cụ. Ảnh: P.N

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih hướng dẫn học trò chế tác nhạc cụ. Ảnh: P.N

Khơi-học trò đã theo học NNƯT Rơ Châm Tih-tâm sự: “Em đến đây để học chơi đàn và rất tự hào khi được góp phần gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc. Cảm giác ấy càng làm em thêm yêu và trân trọng nguồn cội của mình hơn bao giờ hết”.

Việc giới thiệu và giảng dạy âm nhạc dân tộc không chỉ giúp gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương mà còn góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của cộng đồng. Bởi vậy, lớp học của NNƯT Rơ Châm Tih ngày một đông. Anh cũng thường xuyên tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, từ đó truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, khuyến khích họ tìm hiểu và học cách chơi nhạc cụ dân tộc.

 Xưởng chế tác nhạc cụ của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: P.N

Xưởng chế tác nhạc cụ của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih. Ảnh: P.N

Tham gia nhiều buổi diễn ở các nước như: Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Phần Lan, Thụy Điển, Lào, Campuchia… NNƯT Rơ Châm Tih đã tạo được ấn tượng sâu sắc với khán giả quốc tế. Mỗi màn trình diễn không chỉ là dịp để giới thiệu nhạc cụ truyền thống mà còn là cơ hội để anh khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc Jrai nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. “Tôi muốn truyền tải những câu chuyện, phong tục tập quán và âm nhạc quê hương đến bạn bè thế giới”-anh tâm sự.

 Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih biểu diễn đàn klek klok. Ảnh: P.N

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih biểu diễn đàn klek klok. Ảnh: P.N

Nghệ nhân Ưu tú Rơ Châm Tih hiểu rằng, việc giữ gìn văn hóa dân tộc không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân mà là sứ mệnh của cả cộng đồng. Với tâm huyết và nỗ lực không ngừng, anh chứng minh rằng âm nhạc có thể trở thành cầu nối giữa các thế hệ, giúp âm nhạc dân tộc mãi mãi sống động.

Trong lòng tre nứa luôn có những thanh âm sống động, trong lòng người luôn có đam mê cháy bỏng. Một cuộc hạnh ngộ giữa giá trị văn hóa truyền thống và cái tài tình của nghệ nhân. Rơ Châm Tih trở thành người “giữ lửa” văn hóa để di sản quý báu này không bị mai một theo thời gian.

PHAN NGUYÊN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nghe-nhan-uu-tu-ro-cham-tih-dua-ve-dep-van-hoa-dan-toc-ra-the-gioi-post309204.html