Ngày 9/4: Số ca tử vong và mắc mới COVID-19 đều giảm mạnh

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính từ 16h ngày 8/4 đến 16h ngày 9/4 ghi nhận 34.140 ca nhiễm mới, trong đó 2 ca nhập cảnh.

Số ca mắc COVID-19 giảm mạnh

Các tỉnh ghi nhận số ca mắc mới nhiều có Hà Nội (2.202), Bắc Giang (1.956), Nghệ An (1.656), Phú Thọ (1.652), Yên Bái (1.608), Lào Cai (1.544), Đắk Lắk (1.210), Bắc Kạn (1.118), Quảng Ninh (1.097);

Quảng Bình (1.037), Lạng Sơn (990), Tuyên Quang (959), Vĩnh Phúc (954), Thái Bình (931), Hải Dương (820), Thái Nguyên (793), Bắc Ninh (720), Cao Bằng (708), TP. Hồ Chí Minh (636);

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó Hà Nội (-695), Bắc Giang (-546), Yên Bái (-507).

Hiện nay dịch COVID-19 đang có chiều hướng giảm mạnh.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.169.929 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 102.850 ca nhiễm).

Cũng theo Bộ Y tế, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 41.857 ca nâng tổng số ca được điều trị khỏi 8.497.532 ca. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 1.551 ca.

Từ 17h30 ngày 8/4 đến 17h30 ngày 9/4 ghi nhận 26 ca tử vong tại Đắk Lắk (7 ca trong 2 ngày), Đồng Nai (4), Bạc Liêu (2), Kiên Giang (2), An Giang (1), Bắc Kạn (1), Bình Dương (1), Bình Phước (1), Cà Mau (1), Cao Bằng (1), Đồng Tháp (1), Hà Tĩnh (1), Hậu Giang (1), Lạng Sơn (1), Vĩnh Long (1). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua 33 ca.

Trẻ bị tự kỷ trầm trọng hơn sau khi nhiễm COVID-19

Chị T.C. (46 tuổi, sống ở Dịch Vọng Hậu, Hà Nội) tâm sự người mẹ này phát hiện bé K. tự kỷ vào năm 4 tuổi. Chị đã đưa con đi khám, chữa trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và được bác sĩ kê đơn thuốc. Dùng thuốc do bác sĩ tư vấn, bệnh tự kỷ của con chị C. cải thiện một phần.

Ngày 2/3, bé K. có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. “Thời điểm mắc Covid-19 con tôi không tăng động hay có hành vi lạ nhưng khi khỏi bệnh bé thường xuyên nhảy múa, lắc lư từng cơn”, chị C. nói. Đặc biệt, sau một tháng mắc Covid-19 bé K. xuất hiện các hành vi tiêu cực như cào cấu, la hét, tấn công người thân. Những ngày tiếp theo tần suất bé bộc phát hành vi bạo lực gia tăng.

tiến sĩ bác sĩ Tôn Nữ Vân Anh, Phó trưởng Khoa Nhi Thần Kinh tự kỷ Bệnh viện Trung ương Huế, nhận định trường hợp của bé K. có thể là biến chứng của Covid-19 gây tổn thương hệ thần kinh. Đây có thể là nguyên nhân khiến trẻ tự kỷ khởi phát cơn co giật, thậm chí động kinh.

Bác sĩ cho biết thêm tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ là một dạng rối loạn thần kinh não bộ gây ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp xã hội, ngôn ngữ, phát triển trí tuệ của trẻ.

Đến nay tự kỷ chưa xác định được căn nguyên. Khiếm khuyết về mặt di truyền có thể dẫn đến tự kỷ. Các nhà khoa học đã tìm ra hơn 100 gene ảnh hưởng đến rối loạn phổ tự kỷ đóng vai trò duy trì cấu trúc, chức năng não bộ.

Để phát hiện sớm trẻ tự kỷ phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu như bé chậm nói, mất năng lực ngôn ngữ, tiếp xúc mắt chậm, hành vi rập khuôn, hay nhại lời,… Gia đình có con tự kỷ cần cho trẻ can thiệp, chẩn đoán sớm trước 2-5 tuổi tại cơ sở y tế uy tín.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ngay-9-4-so-ca-tu-vong-va-mac-moi-covid-19-deu-giam-manh-post189331.html