Ngành nông nghiệp nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng 5%

Ngành nông nghiệp đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì đà tăng trưởng 5%.

Những tháng đầu năm, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do thời tiết, thiên tai, dịch bệnh… diễn biến thất thường, phức tạp. Đặc biệt, giá cung ứng và tiêu thụ một số loại vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất tăng mạnh, gây nhiều khó khăn đối với sản xuất. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của tỉnh và sự vào cuộc quyết liệt của ngành nông nghiệp, công tác quản lý giống, phân bón, thời vụ, phòng trừ dịch hại… được thực hiện tốt, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả. Giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp 9 tháng năm 2022 đạt 8.781 tỷ đồng, bằng 94,6% kế hoạch năm.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm đạt trên 10% thì trong quý IV phải đạt 12,41%. Nỗ lực vì mục tiêu phát triển chung, ngành nông nghiệp và các địa phương đã đề ra nhiều giải pháp nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp trên 5% trong những tháng cuối năm.

Các trang trại mở rộng quy mô chăn nuôi để phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm.

Các trang trại mở rộng quy mô chăn nuôi để phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm.

Thời điểm này, ngành nông nghiệp huyện Bảo Thắng đang tập trung hướng dẫn, tuyên truyền người dân đẩy nhanh tiến độ trồng cây vụ đông (715 ha) để tăng giá trị canh tác đất, nâng cao thu nhập. Đồng thời, khuyến khích mở rộng quy mô chăn nuôi phục vụ thị trường dịp cuối năm và tết Nguyên đán 2023 với khoảng 2,4 triệu con gia cầm, 130 nghìn con lợn. Sản lượng lợn thịt, gia cầm nông dân huyện Bảo Thắng cung ứng ra thị trường đạt trên 27 nghìn tấn. Tiếp tục phát triển kinh tế đồi rừng với hơn 7.000 ha quế. Tập trung thu hoạch hơn 500 ha bưởi, na trái vụ. Giải ngân nguồn vốn hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hàng hóa 3 tỷ đồng với 4 dự án…

Ông Đỗ Hồng Quân, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Thắng cho biết: Trước khó khăn về vật tư nông nghiệp và giá phân bón tăng, ngành nông nghiệp địa phương đã khuyến khích nông dân chuyển sang sử dụng phân bón hữu cơ, tận dụng các phế phẩm trong nông nghiệp để ủ phân bón cho cây trồng, giúp giảm chi phí và vẫn đảm bảo sự phát triển của cây trồng. Huyện chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, nâng cao chất lượng trồng cây vụ đông, phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, công nghiệp, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh… Phát động thi đua chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển, tốc độ tăng trưởng năm 2022.

Ngoài huyện Bảo Thắng, ngành nông nghiệp các địa phương cũng chủ động triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch phát triển trong năm 2022, nhất là việc xuống giống hơn 4.275 ha cây vụ đông, mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm phục vụ thị trường cuối năm và dịp tết Nguyên đán, đẩy nhanh tiến độ thu hoạch một số loại cây trồng như bưởi, chuối, na trái vụ, hoa cắt cành…

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Ngành nông nghiệp sẽ nỗ lực để duy trì tốc độ tăng trưởng 5% trong 3 tháng còn lại của năm 2022 và phấn đấu đạt, vượt mục tiêu, kế hoạch đã đề ra. Trong đó, tập trung chỉ đạo người dân thu hoạch nhanh gọn lúa mùa, kịp thời giải phóng đất để trồng cây vụ đông, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp thông qua chuỗi giá trị. Thâm canh để đạt sản lượng chè búp tươi trên 39.000 tấn, hoàn thành kế hoạch trồng mới 860 ha chè chất lượng cao. Đẩy mạnh chăm sóc, thu hoạch, chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất đất canh tác đạt trên 88 triệu đồng/ha.

Cùng với đó, khuyến khích nông dân vùng thấp thay đổi cơ cấu giống và phát triển các giống cao sản, các trang trại tiếp tục duy trì chăn nuôi công nghiệp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ duy trì chăn nuôi bán công nghiệp kết hợp sử dụng nguyên liệu thức ăn sẵn có để hạ giá thành sản phẩm; vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi các loại vật nuôi đặc sản bản địa, chăn nuôi hữu cơ để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm tránh rủi ro. Phấn đấu sản lượng thịt hơi các loại đạt trên 68.000 tấn, sản lượng thủy sản các loại đạt trên 11.200 tấn; tiếp tục phối hợp với các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y, thủy sản. Phát triển hiệu quả kinh tế đồi rừng, kinh tế dưới tán rừng bền vững thông qua việc phát triển rừng có giá trị kinh tế cao như quế, trẩu, bồ đề…; cây cho lâm sản phụ như măng, cánh kiến trắng, hạt trẩu, hồi, dược liệu dưới tán rừng… Nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ từ sản phẩm thô sang các sản phẩm chế biến sâu hơn (ván ghép thanh, ván dán, tinh dầu quế, tận dụng phế liệu để sản xuất chất đốt dạng viên nén xuất khẩu...). Phát triển các tổ chức kinh tế tập thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và trang trại) để liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Triển khai hiệu quả Chương trình OCOP, tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất như GACP, sản xuất hữu cơ và các tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao giá trị, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/362219-nganh-nong-nghiep-no-luc-duy-tri-toc-do-tang-truong-5