Ngành điều quyết giữ kỷ lục xuất khẩu
Thời gian qua, ngành điều Việt Nam đã đối mặt với nhiều biến động về nguyên liệu, giá cả, nhưng cộng đồng doanh nghiệp chế biến điều đã đồng lòng đưa ngành điều về đích như mong đợi.
Với những thắng lợi từ việc giữ chữ tín với khách hàng, nguồn sản phẩm chất lượng cao, hứa hẹn cho ngành điều nhiều cơ hội mới trong năm 2025.
Quyết giữ kỷ lục
Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, kim ngạch xuất khẩu điều trong năm 2024 đạt hơn 4,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam vừa vui với thắng lợi lớn, nhưng cũng mệt mỏi về những tổn thất khi giá điều thô tăng bất thường.
Theo ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, năm 2024, thị trường cung cấp điều thô từ các nước châu Phi và Bờ Biển Ngà có nhiều chính sách tạm dừng xuất khẩu điều thô, nhằm ưu tiên cho nội bộ ngành điều thô nước họ. Đó là sự cố chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử nhập khẩu điều thô Việt Nam.
Để hoạt động chế biến, xuất khẩu điều Việt Nam được trôi chảy và giữ uy tín với khách hàng, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đã có cuộc họp với đại sứ Việt Nam tại Ma Rốc, kiêm nhiệm Bờ Biển Ngà, đề nghị Hiệp hội bông, điều Bờ Biển Ngà cùng với chính phủ Bờ Biển Ngà có chính sách công khai, minh bạch để giao dịch mua bán của các doanh nghiệp Việt Nam không bị động. Đồng thời, các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam cũng dựa vào chính sách đó cân bằng, điều phối hoạt động thương mại.
Cho đến nay, Hiệp hội Điều Việt Nam cũng đã nhận được thông tin chính phủ Bờ Biển Ngà sẽ không áp dụng chính sách bảo hộ như năm 2024. Vì khi doanh nghiệp chốt đơn giá nguyên liệu là sẽ đưa ra giá xuất khẩu ngay. Kiểm soát được toàn bộ quá trình sản xuất và tính được lợi nhuận rõ ràng.
Có thể nói châu Phi và Bờ Biển Ngà là nơi cung cấp nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp chế biến điều của Việt Nam. Mỗi năm, Bờ Biển Ngà cung ứng 500.000 tấn điều thô về Việt Nam, trong khi đó sản lượng điều thô của quốc gia này là 1,2 triệu tấn. Bờ Biển Ngà dành 400.000 tấn phục vụ cho ngành điều nội địa nước họ. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu 1,8 triệu tấn điều thô từ các quốc gia châu Phi để phục vụ cho chế biến và đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Như vậy, Bờ Biển Ngà là thị trường cung ứng điều thô lớn nhất trong các quốc gia nên bất kì biến động chính sách đều có tác động lớn đến hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam.
Dù năm 2024 khó khăn nhưng theo ông Bạch Khánh Nhựt, Việt Nam vẫn xuất khẩu được lượng lớn điều chế biến. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp Việt Nam được các thị trường trên thế giới tin tưởng để duy trì mối quan hệ thương mại. Vì vậy, chỉ cần có sự hợp tác từ các chính phủ, không có thay đổi đột ngột, có chính sách được báo trước và công khai thì doanh số dự kiến đạt được trong năm 2025 của ngành điều Việt Nam là 4 tỷ USD trở lên.
Đa dạng sản phẩm và thị trường
Thống kê Hải quan Việt Nam cho biết, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam năm 2024 đạt 730 nghìn tấn, trị giá 4,37 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 20,2% về trị giá so với năm 2023. Giá bình quân xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt khoảng 6.003 USD/tấn trong năm 2024, tăng 6,1% so với năm 2023.
Mặc dù Việt Nam xuất khẩu điều đứng đầu thế giới trong suốt 18 năm qua, nhưng chủ yếu lại là nhân điều để các nhà máy chế biến đưa vào chế biến sâu. Ông Bạch Khánh Nhựt đánh giá, hiện sản phẩm điều chế biến sâu của Việt Nam vẫn chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng sản lượng điều nhân xuất khẩu. Hơn nữa, cũng chỉ mới 5% sản phẩm điều chế biến sâu được đưa lên kệ các siêu thị để cung ứng tận tay người tiêu dùng. Trong khi đó, các dòng sản phẩm chế biến sâu lại có giá trị cao hơn rất nhiều so với bán điều nhân. Các doanh nghiệp chế biến điều Việt Nam đang cần trợ lực cho các dòng sản phẩm giá trị cao này.
Đánh giá về các sản phẩm chế biến sâu của hạt điều, ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam chia sẻ, động lực tăng trưởng của thị trường hạt điều là sự phát triển của ngành chế biến thực phẩm. Cùng với đó là sự thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa, lối sống thay đổi của người tiêu dùng và nhu cầu về thực phẩm tiện lợi. Theo đó, hạt điều được sử dụng rộng rãi trong ngành chế biến thực phẩm để làm đồ ăn nhẹ, bánh kẹo, sản phẩm bánh mì... Với xu hướng này, nhu cầu nhập khẩu hạt điều của các thị trường lớn nhiều khả năng sẽ vẫn có xu hướng tăng trong thời gian tới.
Trong số các quốc gia châu Âu, Đức là nước tiêu thụ hạt điều lớn nhất. Nhu cầu về hạt điều làm đồ ăn nhẹ ở Đức theo mùa, đạt đỉnh vào mùa đông và giảm vào mùa hè. Bên cạnh đó, hạt điều ngày càng được sử dụng nhiều trong ngành thực phẩm và đồ uống.
Các nhà sản xuất thực phẩm, đồ uống trong khu vực gần đây đã quan tâm đến hạt điều, sử dụng chúng trong bánh quy và ngũ cốc, làm lớp phủ trên kem và để sản xuất bơ hạt điều. Tiêu thụ hạt điều tăng lên do xu hướng ăn vặt lành mạnh ngày càng tăng. Việc sử dụng hạt điều trong thành phần các loại bơ phết và thanh ăn nhẹ ngày càng cao, ông Trần Hữu Hậu cho biết thêm.
Ngoài vấn đề chú trọng vào các dòng sản phẩm chế biến sâu, ngành điều Việt Nam cũng đang có xu hướng tận dụng thị trường nội địa để tăng lượng tiêu thụ hạt điều, nhất là sản phẩm hạt điều chế biến sâu đến với người tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, thị trường nội địa vẫn còn là nơi cho ngành điều phát triển. Ông Bạch Khánh Nhựt nhấn mạnh, muốn phát triển thị trường nội địa, tăng cơ hội phát triển, ngành điều rất cần sự chung tay, góp sức của các chính quyền địa phương, các tổ chức, đơn vị để đưa hình ảnh hạt điều đến gần hơn và tăng sự lựa chọn hơn của người tiêu dùng nội địa. Nếu kết hợp được thị trường quốc tế và thị trường nội địa, thì ngành điều Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phát triển trong những năm sau.